Thị trường lao động: Tận dụng cơ hội khi tham gia AEC
(Taichinh) - Chỉ còn một thời gian ngắn nữa Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ hình thành và Việt Nam sẽ là một trong những nước hưởng lợi khi tham gia.
Dự báo, việc làm sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, dệt may và chế biến thực phẩm. Vấn đề đặt ra là cần các giải pháp căn cơ để giữ thế mạnh trên “sân nhà”.
Hàng triệu cơ hội việc làm mới
Theo Nghiên cứu về tác động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đối với thị trường lao động Việt Nam của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), ADB và Ban Thư ký ASEAN, đến năm 2025, AEC sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5%, hàng triệu việc làm mới trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, dệt may và chế biến thực phẩm…
Nghiên cứu cho thấy, hội nhập AEC sẽ tạo ra nhu cầu ngày càng tăng đối với các trình độ kỹ năng khác nhau. Từ năm 2010 đến 2025, nhu cầu đối với lao động có trình độ kỹ năng ở mức trung bình sẽ tăng 28%, lao động có trình độ kỹ năng thấp là 23% và lao động có kỹ năng cao sẽ tăng 13%.
Theo TS. Nguyễn Lê Minh - Chuyên gia kinh tế lao động, trong năm 2015, có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, bao gồm: Kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề)... được di chuyển tự do hơn.
Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam chủ yếu nằm ở lao động giá rẻ với các ngành dệt may, da giày và một số nông sản như hồ tiêu, cà phê, thủy-hải sản, nhưng đa số các nước ASEAN khác cũng chú trọng vào các ngành này, dẫn tới sự cạnh tranh không tránh khỏi, như cạnh tranh với Thái Lan và Campuchia về gạo, dệt may, da giày…
Đánh giá về khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO Việt Nam cho rằng, với các thành quả đạt được trong lĩnh vực giáo dục cơ bản, Việt Nam đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về lao động có trình độ kỹ năng thấp, nhưng vẫn cần nỗ lực nhiều hơn để có thể chuẩn bị cho những việc làm cần kỹ năng trung bình. Đặc biệt, cần xác định những ưu tiên chính để giải quyết những cơ hội và thách thức của AEC như: Nâng cao chất lượng việc làm, tăng cường phát triển kỹ năng nghề, nâng cao năng suất và tiền lương, quản lý lao động di cư…
Giữ việc làm trên “sân nhà”
AEC sẽ mang lại những cơ hội to lớn về tăng trưởng kinh tế và việc làm, tạo tiền đề cho việc chuyển dịch nền kinh tế theo hướng năng suất cao dựa trên kỹ năng và sự đổi mới. Các chuyên gia về lao động đã chỉ ra 5 giải pháp căn bản để Việt Nam tận dụng được cơ hội và thế mạnh khi gia nhập AEC.
Chuyên gia về lĩnh vực lao động khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Yoshiteru Uramoto cho rằng, gần một nửa số lao động Việt Nam đang làm việc trong ngành nông nghiệp, lĩnh vực có năng suất lao động, thu nhập và điều kiện lao động còn ở mức thấp.
Vì vậy, nâng cao chất lượng việc làm trong ngành nông nghiệp và đa dạng hóa việc làm trong ngành sản xuất chế tạo là giải pháp then chốt để lao động Việt Nam giữ được lợi thế, mở ra nhiều cơ hội việc làm. Nâng cao năng suất lao động trong ngành nông nghiệp bao gồm đầu tư vào hệ thống thủy lợi và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông nghiệp nhỏ có thể tham gia vào chuỗi cung ứng.
Có thể thấy, AEC sẽ góp phần đẩy mạnh dịch chuyển cơ cấu kinh tế, tạo ra nhu cầu mới cho một số ngành nghề và giảm đối với ngành nghề khác. Vì vậy, mở rộng độ bao phủ của bảo trợ xã hội như chương trình bảo hiểm thất nghiệp quốc gia sẽ giảm thiểu chi phí của quá trình chuyển dịch cơ cấu và tạo điều kiện cho lao động di chuyển sang các ngành nghề có năng suất cao hơn.
Một giải pháp căn cơ khác là cần đẩy mạnh các cơ sở đào tạo nghề và phát triển kỹ năng, tập trung vào đầu tư cải cách giáo trình, nâng cao chất lượng đào tạo và tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đào tạo với khu vực tư nhân để đảm bảo sinh viên có thể phát triển các kỹ năng cần thiết.
Bên cạnh đó, thiết lập khung trình độ kỹ năng quốc gia đủ mạnh để có thể công nhận kỹ năng tay nghề của người lao động đang tìm việc và đảm bảo chất lượng lao động cho các chủ sử dụng lao động tiềm năng. Tăng cường hệ thống thông tin, phân tích và dự báo về thị trường lao động sẽ giúp các cơ sở giáo dục và đào tạo có thể đáp ứng với nhu cầu về kỹ năng hiện tại và tương lai của các doanh nghiệp và các ngành kinh tế.
Bên cạnh đó, để có thể tận dụng được các tiềm năng mà AEC đem lại cho Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng các ngành kinh tế, đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng một hệ thống thương lượng tập thể hiện đại mà có thể làm giảm thiểu các xung đột quan hệ lao động và tạo ra môi trường kinh doanh ổn định. Thương lượng tập thể sẽ giúp Việt Nam đạt được những lợi ích về năng suất do AEC mang lại, tạo điều kiện để việc tăng năng suất lao động sẽ dẫn tới thu nhập cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn.
Để đạt được mục tiêu đó, việc nâng cao năng lực của các tổ chức đại diện cho người lao động và chủ sử dụng lao động trong việc đàm phán để đạt được các thỏa hiệp tập thể là tất yếu quan trọng, cũng như nâng cao tính hiệu quả của hệ thống giải quyết tranh chấp.
Cuối cùng, cần tăng cường bảo trợ và công nhận trình độ kỹ năng của lao động di cư. Sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của Việt Nam vào các cơ chế của khu vực ASEAN sẽ thúc đẩy hành động bảo vệ quyền của lao động di cư và mở rộng sự công nhận trình độ kỹ năng giữa các quốc gia, đặc biệt là trong các ngành có trình độ kỹ năng ở mức thấp và trung bình.