Thị trường lúa gạo thế giới: Xu hướng và những tác động đến Việt Nam

ThS. Hoàng Thị Vân, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính)

Thời gian qua, thị trường lúa gạo thế giới có nhiều biến động, nhu cầu và giá lúa gạo có xu hướng tăng cao, từ đó, có tác động không nhỏ đến thị trường lúa gạo Việt Nam. Năm 2023, sản xuất lúa gạo ở nước ta diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và mang về kỷ lục mới cho xuất khẩu gạo. Thị trường lúa gạo trong nước có diễn biến khá sôi động, giá lúa gạo nội địa và giá gạo xuất khẩu có xu hướng tăng. Kỳ vọng thời gian tới, xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ.

Thị trường lúa gạo thế giới

Tình hình cung cầu và thương mại gạo thế giới

- Về nguồn cung gạo thế giới: Trong báo cáo tháng 2/2024 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dự báo sản lượng gạo thế giới niên vụ 2023/2024 đạt 513,54 triệu tấn, tăng 0,78 triệu tấn so với niên vụ 2022/2023 (Bảng 1). Trong một số nước xuất khẩu gạo chính, ghi nhận sự sụt giảm sản lượng gạo của một số nước như: Ấn Độ ước đạt 132 triệu tấn (giảm 3,76 triệu tấn), Thái Lan ước đạt 20 triệu tấn (giảm 0,91 triệu tấn). Tuy nhiên, sự sụt giảm đó được bù đắp bởi sự gia tăng sản lượng gạo của một số nước khác, cụ thể: Việt Nam ước đạt 27 triệu tấn (tăng 0,06 triệu tấn), Burma (Myanmar) ước đạt 11,95 triệu tấn (tăng 0,15 triệu tấn) và Pakistan ước đạt 9 triệu tấn (tăng 3,5 triệu tấn) so với niên vụ 2022/2023…

Bảng 1: Dự báo cung cầu gạo thế giớI niên vụ 2023/2024 (nghìn tấn)

 

Ước tính năm 2022/2023

Dự báo năm 2023/2024

 
 

Dự báo tháng 1/2024

Dự báo tháng 2/2024

 

Sản lượng

512,96

513,54

513,74

Tiêu thụ

519,89

522,1

522,9

Xuất khẩu

54,28

51,5

51,62

Dự trữ cuối vụ

176,35

167,25

167,18

 

- Về nhu cầu tiêu thụ gạo thế giới: USDA dự báo nhu cầu tiêu thụ gạo toàn cầu niên vụ 2023/2024 đạt 522,9 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn so với dự báo tháng trước và tăng 3,01 triệu tấn so với niên vụ 2022/2023.

- Về thương mại gạo thế giới: Theo dự báo của USDA xuất khẩu gạo niên vụ 2023/2024 có phần giảm sút so với niên vụ 2022/2023. Trong đó, xuất khẩu gạo của một số nước xuất khẩu chính được dự báo sụt giảm: Ấn Độ giảm 4,25 triệu tấn, Việt Nam giảm 0,63 triệu tấn và Thái Lan giảm 0,52 triệu tấn so với niên vụ 2022/2023.

- Về dự trữ gạo thế giới: USDAdự báo dự trữ gạo toàn cầu niên vụ 2023/2024 ước đạt 167,18 triệu tấn, giảm 9,17 triệu tấn so với niên vụ 2022/2023. Sự sụt giảm này chủ yếu ở một số quốc gia như: Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Pakistan…

Giá gạo thế giới

Trong năm 2023 và đầu năm 2024, diễn biến giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới nói chung và của một số nước xuất khẩu gạo chính nói riêng có xu hướng tăng.

Nguyên nhân chủ yếu do lo ngại về nguồn cung lương thực toàn cầu trong bối cảnh nhiều quốc gia như Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Nga thực hiện hạn chế/cấm xuất khẩu gạo. Tình hình bất ổn địa chính trị trên thế giới cùng với những ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan đã khiến cho nguồn cung lương thực toàn cầu bị gián đoạn cục bộ, nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu, nhiều quốc gia tăng nhập khẩu gạo... đã thúc đẩy giá gạo xuất khẩu tăng cao.

Xu hướng thị trường lúa gạo thế giới trong thời gian tới

Gạo là nguồn lương thực chính đối với gần một nửa dân số thế giới. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới cao hơn sản lượng gạo toàn cầu hiện nay đã tạo cơ hội tốt cho các nước xuất khẩu gạo tiếp tục phát triển.

Thị trường lúa gạo thế giới thời gian tới sẽ tiếp tục sôi động. Giá và nhu cầu nhập khẩu gạo có xu hướng giữ ở mức cao do bất ổn địa chính trị ở Trung Đông, các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo từ các nước xuất khẩu lớn và mối đe dọa từ EI Nino. Cụ thể:

Thứ nhất, nhu cầu nhập khẩu gạo lớn chủ yếu từ một số quốc gia như: Trung Quốc, Indonesia, Philippines, các nước Trung Đông và châu Phi... Tuy nhiên, việc tăng lượng gạo xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới sẽ có tác động đến lượng gạo dự trữ tại các nước xuất khẩu. Giá gạo xuất khẩu tăng dẫn đến giá lúa nguyên liệu tăng theo và phần nào ảnh hưởng đến giá gạo tại thị trường trong nước.

Thứ hai, những bất ổn địa chính trị và xung đột ở Trung Đông có thể gây gián đoạn nguồn cung, gia tăngmối lo ngại về nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Thứ ba, biến đổi khí hậu có tác động không nhỏ đến tổng lượng nước và chất lượng nước, suy thoái đất, tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai, sâu bệnh tăng lên... từ đó ảnh hưởng đến nguồn cung lúa gạo cũng góp phần đẩy giá lúa gạo trên thị trường tăng cao.

Bên cạnh đó, nguồn cung gạo xuất khẩu từ một số quốc gia xuất khẩu chính có có xu hướng thắt chặt, cụ thể: Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, vẫn chưa gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thông thường; Thái Lan là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới cũng sẽ cắt giảm lượng gạo xuất khẩu nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước trước ảnh hưởng từ EI Nino... Do đó, nguồn cung gạo thương mại thế giới dự báo có thể giảm trong năm 2024.

Tác động đến thị trường lúa gạo Việt Nam

Việt Nam có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng, ngành hàng lúa gạo của nước ta đã đạt được nhiều thành tựu và khẳng định sự đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển đất nước. Trong nhiều năm qua, Việt Nam trở thành một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Do đó, những biến động của thị trường lúa gạo thế giới có tác động lớn tới thị trường lúa gạo Việt Nam.

Tăng diện tích sản xuất để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu

Trong năm 2023, sản xuất lúa gạo Việt Nam diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng và hoạt động thu hoạch. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, diện tích lúa năm 2023 ước đạt 7,12 triệu ha (trong đó, vụ mùa: 1.545,3 nghìn ha; vụ đông xuân: 2.952,5 nghìn ha; vụ hè thu: 1.912,8 nghìn ha; vụ thu đông: 708,8 nghìn ha), tăng 10,1 nghìn ha so với năm trước, năng suất lúa ước đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn.

Diện tích lúa vụ mùa, đông xuân và hè thu năm 2023 giảm 50,3 nghìn ha so với năm 2022 chủ yếu do một phần diện tích đất chuyển sang trồng cây lâu năm hoặc nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn canh tác lúa. Bên cạnh đó, một phần diện tích đất chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển sang đất phi nông nghiệp phục vụ quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, năng suất các vụ tăng cao hơn so với năm trước đã giúp cho sản lượng lúa các vụ không bị sụt giảm và vượt trội so với năm 2022.

Ngược lại, với xu hướng giảm diện tích gieo trồng ở các vụ mùa, đông xuân và hè thu, diện tích gieo trồng lúa thu đông năm 2023 tăng 60,4 nghìn ha so với năm 2022.

Tổng sản lượng lúa năm 2023 tăng so với năm 2022 đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ chế biến và xuất khẩu gạo. Kết quả này có được là do thời tiết thuận lợi, chuyển đổi cơ cấu giống lúa hợp lý kết hợp với trình độ kỹ thuật canh tác ở các địa phương được nâng cao…

Giá lúa gạo có xu hướng tăng

Trong năm 2023, thị trường lúa gạo nội địa diễn biến khá sôi động. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhìn chung giá một số loại lúa, gạo có xu hướng tăng cao so với năm 2022.

Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, trong tháng 1/2024 tại An Giang, giá một số loại lúa gạo diễn biến trái chiều, cụ thể: lúa OM18 ở mức 9.483-9.667 VND/kg (tăng 96-126 VND/kg), lúa IR50404 ở mức 8.933-9.167 VND/kg (tăng 147-153 VND/kg); gạo thơm đặc sản Jasmine ở mức 17.417-18.917VND/kg (tăng 167 VND/kg); trong khi đó, gạo thường ở mức 15.167-16.000 VND/kg (giảm 833-1.570 VND/kg; gạo hạt dài ở mức 19.000-20.000 VND/kg không đổi so với tháng trước… Tính trung bình cả năm 2023, giá các loại lúa, gạo có diễn biến tăng so với năm trước, cụ thể: lúa IR50404 (tăng 817 VND/kg), lúa OM18 (tăng 1.426 VND/kg), gạo thường (tăng 1.174 VND/kg), gạo hạt dài (tăng 338 VND/kg), gạo thơm đặc sản Jasmine (tăng 789 VND/kg)… (Bảng 2)

Bảng 2:  Giá một số loại lúa gạo tạI an giang năm 2023

Và tháng 1/2024 (vnd/kg)

Loại lúa gạo

Giá trung bình tháng 1/2024

So với tháng 12/2023

Giá trung bình Năm 2023

So với Năm 2022

Lúa OM18

9.483-9.667

+ 111

7.370-7.531

+1.426

Lúa IR 50404

8.933-9.167

+ 150

7.097-7.288

+817

Gạo thường

15.167-16.000

- 1.202

12.366-13.639

+1.174

Gạo hạt dài

19.000-20.000

-

18.130-19.394

+338

Gạo thơm jasmine

17.429-18.571

-36

15.286-16.734

+789

 

Trong 4 tháng đầu năm 2023, giá một số loại lúa có xu hướng giảm và tăng trở lại trong 2 tháng cuối quý II/2023, tăng mạnh trong quý III/2023 và quý IV/2023 (Hình 1). Diễn biến giá lúa giảm trong 4 tháng đầu năm 2023 là do nguồn cung dồi dào khi diễn ra hoạt động thu hoạch vụ đông xuân - vụ thu hoạch lớn nhất trong năm của Việt Nam.

Hình 1: giá lúa om 18 và IR50404 tại an giang từ 1/2023 - 1/2024 (vnd/kg)

Nguồn: Tổng hợp số liệu của 2lua.vn và thitruongnongsan.gov.vn
Nguồn: Tổng hợp số liệu của 2lua.vn và thitruongnongsan.gov.vn

Sau khi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân kết thúc, nguồn cung lúa trở nên khan hiếm trong khi nhu cầu cung ứng cho xuất khẩu vẫn cao đã góp phần đẩy giá lúa tăng trở lại ở 2 tháng cuối quý II/2023. Đặc biệt, việc lo ngại thiếu hụt nguồn cung lương thực do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino và yếu tố địa chính trị bất ổn khiến nhiều quốc gia tăng nhu cầu dự trữ lương thực, tăng nhu cầu nhập khẩu đối với gạo của Việt Nam đã tác động đẩy giá lúa gạo trong nước tăng cao những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Xuất khẩu gạo tăng trưởng tốt

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Hình 2), ước tính năm 2023 cả nước xuất khẩu 8.338 nghìn tấn gạo, tương đương 4.816 triệu USD, giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 577,6 USD/tấn, tăng 17,4% về lượng, tăng 39,4% về kim ngạch và tăng 18,6% về giá so với năm 2022.

Cả lượng và trị giá xuất khẩu gạo của nước ta có diễn biến tăng trong 4 tháng đầu năm và khối lượng gạo xuất khẩu đạt đỉnh vào tháng 4/2023: đạt khoảng 1,1 triệu tấn, tương đương 574 triệu USD (tăng 100% về lượng và tăng 110,3% về trị giá xuất khẩu so với tháng 4/2022). Đây là thời điểm hoàn thành thu hoạch vụ lúa đông xuân 2023 nên nguồn cung rất dồi dào và giá thu mua lúa gạo trong nước xuống thấp, hỗ trợ rất lớn cho hoạt động xuất khẩu gạo.

Trong các tháng 5,6,7/2023, cả về lượng và trị giá xuất khẩu gạo của nước ta có xu hướng giảm do nguồn cung nội địa dần thắt chặt, sau đó tăng mạnh trở lại vào tháng 8/2023 do nguồn cung tăng khi bước vào thời kỳ thu hoạch rộ vụ lúa hè thu năm 2023 đã hỗ trợ hoạt động xuất khẩu gạo. Xu hướng giảm cả về lượng và trị giá xuất khẩu gạo tiếp tục lặp lại ở tháng 9 và 10/2023 sau khi kết thúc thu hoạch vụ lúa hè thu. Đặc biệt, trong 3 tháng cuối năm 2023, tuy lượng gạo xuất khẩu duy trì ổn định (ước đạt 700 nghìn tấn/tháng) nhưng kim ngạch xuất khẩu gạo lại có diễn biến tăng do giá gạo xuất khẩu tăng cao trong bối cảnh mối lo ngại về khủng khoảng lương thực toàn cầu vẫn hiện hữu và nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều quốc gia đối với gạo của Việt Nam vẫn duy trì rất tốt.

Giá gạo xuất khẩu

Năm 2023, giá các loại gạo xuất khẩu của nước ta nhìn chung tăng và đạt mức cao trong 2 quý cuối năm. Nguyên nhân của diễn biến trên chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu của hầu hết các thị trường đối với gạo Việt Nam đều tăng, đặc biệt là các thị trường truyền thống của Việt Nam như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia châu Phi, trong bối cảnh lo ngại khủng hoảng lương thực toàn cầu bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, biến động địa chính trị… đã tạo đà để hỗ trợ giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bật tăng cao trong thời gian qua. Đặc biệt, việc Ấn Độ ban hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo để ổn định thị trường nội địa và nguồn cung gạo tại một số quốc gia bị sụt giảm do ảnh hưởng của El Nino đã thúc đẩy nhu cầu và giá gạo tăng cao trong thời gian qua. Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi từ diễn biến này của thị trường lúa gạo thế giới.

Thị trường xuất khẩu

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, thị trường Philippines đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam (chiếm 38,6% trong tổng lượng và chiếm 37,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước), đạt 3,13 triệu tấn, tương đương 1,75 tỷ USD, giá trung bình 559,4 USD/tấn (giảm 2,5% về lượng, nhưng tăng 17,6% về kim ngạch và tăng 20,6% về giá so với năm 2022);

Thị trường Indonesia đứng thứ 2 (chiếm 14,3% trong tổng lượng và 13,7% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước), đáng chú ý, đây là thị trường có mức tăng trưởng rất mạnh về cả lượng và trị giá xuất khẩu gạo, đạt 1,17 triệu tấn, tương đương 640,25 triệu USD, giá trung bình 549,2 USD/tấn (tăng 878% về lượng, tăng 992% về kim ngạch và tăng 11,7% về giá so với năm 2022);

Đứng thứ 3 là thị trường Trung Quốc (chiếm 11% trong tổng khối lượng và chiếm 11% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước), đạt 917,26 nghìn tấn, tương đương 530,61 triệu USD, giá trung bình 578,5 USD/tấn (tăng 7,8% về lượng, tăng 22,7% về kim ngạch và tăng 13,9% về giá so với năm 2022).

Xuất khẩu gạo sang thị trường Đông Nam Á đạt 4,83 triệu tấn, tương đương 2,68 tỷ USD, tăng 24,6% về lượng, tăng 48,4% về kim ngạch so với năm 2022…

Kết luận

Trong bối cảnh chịu tác động từ biến động kinh tế, chính trị thế giới và biến đổi khí hậu, ngành hàng lúa gạo ở nước ta vẫn duy trì ổn định và phát triển, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và phục vụ tốt cho xuất khẩu. Thị trường lúa gạo trong nước có diễn biến khá sôi động, giá lúa gạo nội địa và giá gạo xuất khẩu có xu hướng tăng cao. Đặc biệt, trong năm 2023, xuất khẩu gạo của nước ta mang về kỷ lục mới cả về lượng và kim ngạch xuất khẩu.

Hiện nay, tình hình căng thẳng lương thực toàn cầu vẫn đang diễn ra. Nhu cầu dự trữ lương thực của nhiều quốc gia tăng cao, trong khi nguồn cung thắt chặt do ảnh hưởng của các bất ổn địa chính trị và biến đổi khí hậu. Với nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều nước gia tăng, đặc biệt từ các thị trường truyền thống với gạo Việt Nam như Philippines, Indonesia và một số nước châu Phi… sẽ tiếp tục mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam nói riêng và cơ hội phát triển ngành hàng lúa gạo của Việt Nam nói chung.

Tài liệu tham khảo:
  1. Bộ Nông nghiệp Mỹ (2024), Báo cáo Dự báo cung và cầu nông nghiệp thế giới tháng 1, 2/2024;
  2. Tổng cục Thống kê (2023), Báo cáo Tình hình kinh tế xã hội quý IV và cảnăm 2023;
  3. Tổng cục Thống kê (2024), Báo cáo Tình hình kinh tế xã hội quý tháng 1/2023;
  4. Phạm Minh Thụy, Vũ Đình Ánh, Hoàng Thị Vân, Trần Thị Huế, Vũ Thị Đào (2023), Báo cáo nghiên cứu diễn biến giá cả thị trường ởViệt Nam;
  5. Hoàng Thị Vân (2023), Diễn biến thị trường lúa gạo Việt Nam năm 2023 và dự báo, bài đăng kỷ yếu Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo năm 2024”.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 3/2024