Thị trường M&A Việt Nam: Nhà đầu tư ngoại và khẩu vị đắt hàng
Trong một sân chơi mở như mua bán - sáp nhập (M&A), các tên tuổi tham gia đều hưởng lợi và việc ai là người làm chủ và đặt ra luật chơi đã không còn quan trọng.
Vốn ngoại tung tẩy
Ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Namcho biết, hiện nhóm M&A của Deloitte đang căng mình để tư vấn các thương vụ M&A.
Theo ông, ASEAN đã trở thành một trong những thị trường M&A sôi động nhất trong nửa đầu năm 2017, nhờ sự tham gia của các nhà đầu tư đến từ nhiều nước, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Trong đó, thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục là một điểm sáng trong ASEAN. Tuy giá trị giao dịch 6 tháng đầu năm nay chưa có dấu hiệu đột phá, nhưng thị trường vẫn rất sôi động, với số lượng thương vụ tập trung ở quy mô nhỏ và vừa.
Một điều rõ ràng là, thị trường M&A Việt Nam phần lớn vẫn phụ thuộc vào vốn ngoại. Số liệu thống kê về các thương vụ M&A trong thời gian qua đã thể hiện rõ điều này.
Năm 2016, khi thị trường M&A Việt Nam đạt được con số kỷ lục về giá trị (5,8 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 11,92% so với năm 2015), thì các thương vụ có sự tham gia của nhà đầu tư ngoại chiếm tới 77% tổng giá trị.
Thời gian tới, thị trường M&A được dự báo sẽ chứng kiến nhiều thương vụ khủng.
Đó là động thái thoái vốn từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khi công bố bán tiếp cổ phần Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Dù số lượng chào bán đợt này khá nhỏ, chỉ 48,3 triệu cổ phần, tương ứng 3,33% vốn điều lệ của Vinamilk, nhưng SCIC dự kiến sẽ thu về 6.500 - 7.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, phần thoái vốn tại Sabeco và Habeco thì chỉ những đối tác, doanh nghiệp có vốn hàng chục ngàn tỷ đồng mới có thể mua.
Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ mong muốn trở thành đối tác chiến lược, thậm chí mua chi phối Habeco, Sabeco. Trong đó, có nhiều tên tuổi sáng giá như Carlsberg Breweries A/S, Carlton & United Breweries (CBU), VBL.
Theo ông Thinh, nhà đầu tư ngoại có lợi thế rất lớn trong trong việc đưa ra các quyết định đầu tư so với các công ty của Việt Nam.
Hơn nữa, các công ty đa quốc gia và các quỹ đầu tư có rất nhiều kinh nghiệm trong đầu tư thông qua M&A. Chính vì vậy, M&A luôn là một kênh đầu tư quan trọng, bên cạnh các quyết định đầu tư trực tiếp.
Với kinh nghiệm của mình, các nhà đầu tư nước ngoài thể hiện rõ lợi thế trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư cũng như sàng lọc được các đối tác phù hợp với khẩu vị đầu tư của mình.
Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài có bề dày kinh nghiệm thương trường, có lợi thế về thị trường và công nghệ và có nền tảng quản trị công ty tốt – những điều giúp gia tăng lợi thế của họ khi thuyết phục các nhà đầu tư trong nước hợp tác cùng phát triển.
Những khẩu vị đắt hàng
Ngành hàng tiêu dùng nhanh, bán lẻ, nhựa, bao bì, bất động sản, du lịch, logistics... đang là những món ăn yêu thích của nhà đầu tư nước ngoài muốn “đặt hàng” tại Việt Nam. Trong đó, các nhà đầu tư đến từ châu Á đang muốn tận hưởng nhiều món ăn sinh lời hơn cả.
Theo ông Lê Hoàng, Giám đốc mảng M&A của KPMG, phần lớn các nhà đầu tư châu Á rót vốn vào những công ty niêm yết và có tầm nhìn dài hạn. Họ muốn đầu tư dài hạn vào Việt Nam và hưởng lợi từ việc tăng trưởng của nền kinh tế cũng như tăng trưởng trong lĩnh vực cụ thể mà họ đầu tư.
Không có sự khác biệt nhiều về xu hướng ngành/lĩnh vực đầu tư của các nhà đầu tư đến từ các khu vực khác nhau.
Với các nhà đầu tư truyền thống như Nhật Bản và Hàn Quốc, lĩnh vực đầu tư trải rộng, bao trùm các ngành khác nhau từ hàng tiêu dùng, dịch vụ tài chính, kết cấu hạ tầng đến chăm sóc sức khỏe... Các nhà đầu tư mới từ Thái Lan tập trung nhiều vào lĩnh vực phân phối, bán lẻ, sản xuất vật liệu xây dựng và hóa chất.
Khu vực có nhiều nhà đầu tư lớn là Bắc Mỹ và châu Âu lại chưa có nhiều thương vụ, chủ yếu là một số thương vụ lớn trong lĩnh vực dầu khí và hàng tiêu dùng.
Mỗi nhà đầu tư đều có khẩu vị riêng trong các quyết định đầu tư. Lý tưởng nhất là hợp tác cùng phát triển, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất và giá trị của công ty mục tiêu để đem lại lợi ích cao nhất cho cổ đông các bên.
Tuy nhiên, cũng có nhiều thương vụ được thực hiện nhằm mục tiêu thôn tính đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, một số quỹ đầu tư có thiên hướng đầu tư tài chính nhằm mục đích chuyển nhượng để thu lời trong thời gian ngắn hoặc trung hạn.
Quan sát thị trường những năm qua, các thương vụ M&A với mục tiêu tạo ra sự cộng hưởng để tăng trưởng nhằm đem lại lợi ích cho các bên đã chiếm đại đa số.
“Khẩu vị đầu tư sẽ tùy thuộc vào từng nhà đầu tư, theo chiến lược phát triển của họ, hơn là theo vị trí địa lý. Tôi kỳ vọng, chúng ta sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư với khẩu vị khác nhau, như thế sẽ thúc đẩy thị trường tăng trưởng trong thời gian tới”, ông Thinh nói.
Vốn nội nổi lên
Trong cuộc chơi M&A, không thể xem nhẹ nguồn vốn trong nước. Thông tin thương vụ bán toàn bộ phần vốn của Posco (Hàn Quốc) tại Công ty Liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh - chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Splendora cho một nhà đầu tư Việt Nam.
Đây là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất hiện nay. Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Bắc An Khánh, quy mô 272,48 ha, có tổng vốn đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng.
Hay như Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã CK: MWG) đã hoàn tất thương vụ mua lại chuỗi điện máy Trần Anh.
Không chỉ thâu tóm trong cùng ngành bán lẻ điện máy, Thế giới Di động còn thực hiện M&A cả trong lĩnh vực phân phối dược phẩm, với hai tên tuổi Phano Pharmacy và Pharmacity.
Để thực hiện những thương vụ này, Thế giới Di động đã chi 2.500 tỷ đồng, gấp 5 lần kế hoạch được phê duyệt trước đó.
Những thông tin trên cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt cũng đang chuyển mình và sẵn sàng làm chủ “cuộc chơi”.
Nhiều đại gia Việt đã bắt đầu xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, trong đó M&A đã trở thành một phần quan trọng trong “cuộc chơi” của họ. Số lượng thương vụ M&A của các doanh nghiệp trong nước ngày càng tăng.
Nhiều đại gia Việt đã xây dựng được đội ngũ M&A khá chuyên nghiệp nhằm thực thi chiến lược của mình, từ một số doanh nghiệp nhà nước lớn như PVN, Viettel,… đến các doanh nghiệp tư nhân như Vingroup, Masan, FPT, Kido, The Pan Group, Tập đoàn Thành Thành Công...
Các doanh nghiệp Việt Nam giờ không chỉ nhắm đến các mục tiêu trong nước, mà còn thực hiện cả những thương vụ thâu tóm ở nước ngoài.
Ở một khía cạnh khác, các quỹ đầu tư trong nước cũng đang tăng trưởng cả về lượng và quy mô. Đây cũng là một nhân tố thúc đẩy số lượng và giá trị các thương vụ M&A trong nội bộ các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiều nhà đầu tư trong nước, với lợi thế am hiểu thị trường nội địa, có khả năng cạnh tranh, tiềm lực tài chính và công nghệ ngày càng nâng cao sẽ từng bước chuyển mình để thay đổi cuộc chơi M&A trong nước.
“Tôi tin rằng, với sự phát triển của các tập đoàn và công ty trong nước cùng với việc tích luỹ kinh nghiệm trong kênh đầu tư này, sẽ có nhiều thương vụ M&A giữa các doanh nghiệp trong nước, thậm chí doanh nghiệp trong nước mua lại doanh nghiệp nước ngoài trong tương lai gần”, ông Thinh kỳ vọng.
Vậy đến bao giờ, các doanh nghiệp Việt Nam mới ở vị thế là người đặt ra luật chơi trên thị trường M&A?
Theo ông Lê Hoàng, Giám đốc mảng M&A của KPMG Việt Nam, M&A là sân chơi mở và những tên tuổi tham gia hình thành các thương vụ đều vì lợi ích kinh tế của họ, nên không quan trọng ai là người làm chủ và đặt ra luật chơi.
“Vì số lượng công ty lớn của Việt Nam là quá ít so với số lượng công ty lớn từ nước ngoài, nên đến khi nào thị trường M&A Việt Nam còn hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ lấn ướt nhà đầu tư trong nước”, ông Lê Hoàng khẳng định.
M&A là hoạt động toàn cầu và nguồn vốn có thể đến từ bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Việt Nam đang được xem là điểm đến M&A hấp dẫn đối với rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore.
Trong khi đó, Việt Nam không có nhiều công ty lớn có đủ nguồn lực cho M&A. Đặc biệt, các công ty lớn của Việt Nam đang trong quá trình đầu tư tăng trưởng, nên cần nguồn vốn đầu tư, chứ không có dư vốn để đi đầu tư. Do đó, thị trường M&A vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn ngoại.