Thị trường Nga - cơ hội mới cho xuất khẩu của Việt Nam

Theo dangcongsan.vn

(Tài chính) Nga là một thị trường truyền thống của Việt Nam, nhất là đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, kim ngạch song phương còn chiếm tỷ trọng chưa cao, đầu tư trực tiếp trên lãnh thổ của nhau còn ở mức khiêm tốn. Do đó, Việt Nam cần có những phương án cụ thể để đẩy mạnh hàng hóa xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này.

Nga là một thị trường truyền thống của Việt Nam, nhất là đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm. Nguồn: internet
Nga là một thị trường truyền thống của Việt Nam, nhất là đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm. Nguồn: internet

Chưa xứng với tiềm năng

Thực tiễn cho thấy, quan hệ thương mại hai nước đã trải qua giai đoạn khó khăn đầu những năm 90 của thế kỷ 20, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển. Nhờ nỗ lực của cả hai phía mà quan hệ thương mại Việt - Nga vào những năm đầu thế kỷ 21 đã có sự phát triển rõ nét. Tuy vậy, kim ngạch thương mại Việt - Nga so với tổng kim ngạch thương mại của hai nước còn khiêm tốn (chiếm khoảng 1% kim ngạch thương mại của Việt Nam và khoảng 0,25% của Nga). Năm 2014, quan hệ thương mại hai nước đạt kim ngạch 3 tỷ USD. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Nga bao gồm điện thoại và linh kiện (chiếm khoảng trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga), máy vi tính và sản phấm điện tử, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, hạt điều, gạo, rau quả. Bộ Công Thương đang phấn đấu đạt kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nga lên con số 10 tỷ USD vào năm 2020.

Hoạt động đầu tư giữa Nga và Việt Nam tuy chưa xứng với tiềm năng, nhưng bước đầu cũng đang có bước khởi sắc. Tính đến tháng 6/2014, có 101 dự án đầu tư trực tiếp của Nga tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 2 tỷ USD, xếp thứ 18 trong số nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các dự án đầu tư của Nga tập trung chủ yếu vào các ngành dầu khí, công nghiệp chế tạo, khai khoáng, giao thông vận tải, viễn thông, nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Hiện nay, Nga là nước đứng thứ ba trong số các nước và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài với 17 dự án tương đương tổng vốn đầu tư là 2,4 tỷ USD, chủ yếu vào lĩnh vực khai thác dầu khí, chế biến thực phẩm, may mặc, giày dép. Chính phủ Nga đang ưu tiên kêu gọi đầu tư vào vùng Viễn đông và đã hứa sẽ đặc biệt giành ưu đãi cho Việt Nam đầu tư khu công nghiệp nhẹ ở đây.

Theo Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương, Việt Nam và Nga đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Hai nước là bạn hàng truyền thống của nhau. Danh mục hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Nga và của Nga sang Việt Nam không những không mang tính cạnh tranh mà còn bổ trợ cho nhau và có tính thiết yếu cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của mỗi nước. Nga có một nền kinh tế lớn, một thị trường mở và giàu tiềm năng. Giữa thị trường hai nước đã có hệ thống ngân hàng, hoạt động có hệ thống kèm theo các dịch vụ thanh toán thuận tiện. Đội ngũ người Việt tại Nga đông và mạnh, nhiều doanh nghiệp lớn như tập đoàn Rolton, Milton ....

Về phương thức trao đổi hàng hoá giữa hai nước, hàng hoá xuất khẩu từ Nga sang Việt Nam thực hiện thông qua con đường chính ngạch và một bộ phận thông qua việc xuất khẩu trực tiếp của các doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam làm việc tại Nga. Hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga chủ yếu thông qua con đường phi mậu dịch và tiểu ngạch qua cộng đồng người Việt đang làm việc tại Nga (lực lượng kinh doanh chiếm tới 80% hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Nga hiện nay). Chỉ có một phần hàng xuất sang Nga thông qua con đường chính ngạch.

Một số tồn tại cần sớm tháo gỡ

Do hạn chế thông tin giữa hai thị trường trong khi các đối tác Việt Nam và Nga thường thiếu vốn, mà giá cả và điều kiện thị trường tín dụng thương mại ở Nga còn khá đắt đỏ và phức tạp, đã ảnh hưởng đáng kể tới tăng trưởng kim ngạch mậu dịch hai nước. Tuy nhiên, triển vọng phát triển quan hệ thương mại hai nước là rất lớn. Do điều kiện về các cơ cấu kinh tế, chi phí sản xuất cũng như các khó khăn trong sản xuất nông nghiệp cho nên nhu cầu các sản phẩm tiêu dùng như hàng dệt may, da giày, hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến sẵn, sản phẩm nông nghiệp và thủy sản, vật liệu xây dựng của Nga là rất lớn. Đây lại chính là các mặt hàng Việt Nam rất có lợi thế cạnh tranh. Đặc điểm của thị trường Nga rất ưa chuộng nhiều sản phẩm tiêu dùng đến từ các nước châu Á do giá rẻ và chủng loại phong phú. Hơn nữa, thị trường Nga không đòi hỏi chất lượng cao như các thị trường EU, Mỹ hay Nhật Bản. Ngoài ra, nếu phát huy được vai trò cộng đồng người Việt tại Nga khá đông đảo sẽ là một lợi thế to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn kinh doanh ở thị trường Nga.

Một trong những tồn tại cần sớm được tháo gỡ, đó là các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hầu như không có đầu mối giao dịch thương mại tập trung, ổn định tại Nga, nên còn bị hạn chế trong việc theo dõi, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng để kịp thời có điều chỉnh và chiến lược phù hợp. Việc trao đổi hàng hóa giữa hai nước chủ yếu do các doanh nghiệp tư nhân và tư thương người Việt ở Nga, nên hoạt động manh mún và thiếu bài bản.

Nga là thị trường mở, không khó tính nên việc thâm nhập thị trường dễ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác có lợi thế tương tự về chủng loại hàng hóa. Cùng với đó, vấn nạn hàng giả và hàng lậu càng gia tăng, sức ép cạnh tranh lớn khi mà các hàng hóa bất hợp pháp được tiêu thụ tại thị trường Nga.

Mặt khác, phương tiện vận tải hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nga chủ yếu là container và có chi phí khá cao. Tuyến đường vận chuyển hàng hóa được thực hiện qua các cảng châu Âu rồi mới vòng lại Nga, hoặc tới cảng Vladivostock rồi đi theo xuyên Nga từ Đông sang Tây, nên chi phí vận chuyên bị đội lên rất cao, khó lòng cạnh tranh với hàng hóa được xuất khẩu từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Ấn Độ.

Cơ hội mới

Ngày 28/3/2013, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ tuyên bố chính thức khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan. Hai bên nhất trí phạm vi và lĩnh vực điều chỉnh của Hiệp định bao gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, các quy tắc, hợp tác kinh tế và các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm, dựa trên nguyên tắc linh hoạt, vì các mục tiêu phát triển, cân bằng giữa nhu cầu và lợi ích theo thông lệ quốc tế chung và quy định của WTO.

Sau 8 phiên đàm phán, hai bên đã thống nhất được các chương của Hiệp định như: thương mại hàng hóa, cạnh tranh, các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), công nghệ điện tử trong thương mại, phát triển bền vững, mua sắm Chính phủ. Ngày 15/12/2014, tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã diễn ra Lễ ký kết Tuyên bố chung kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan. Theo đó, phía Liên minh Hải quan đã dành cho Việt Nam ưu đãi thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới và quan trọng đối với các nhóm hàng Việt Nam có lợi ích cơ bản như nông sản, tất cả các mặt hàng thủy sản và hàng công nghiệp như dệt, may, da giày và đồ gỗ. Phía Việt Nam đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho Liên minh Hải quan đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải. Các mặt hàng này đều không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam mà ngược lại góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước.

Các cam kết khác về dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, phòng vệ thương mại, giải quyết tranh chấp, SPS, TBT... đều được thống nhất trên cơ sở các quy định của WTO, đảm bảo cân bằng lợi ích, phù hợp với quy định pháp luật trong nước tại lĩnh vực liên quan và không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán khác của Việt Nam hiện nay. Dự kiến hai bên sẽ hoàn thành các vấn đề kỹ thuật còn lại và hoàn tất các thủ tục nội bộ cần thiết để chính thức ký kết Hiệp định trong năm 2015.

Nga là thành viên của WTO từ tháng 8/2012, cam kết giảm thuế nhập khẩu bình quân của tất cả hàng hóa xuống còn 7,8% so với mức 10% của năm 2011 (hàng nông nghiệp từ 13,2% còn 10,8%, hàng chế tạo giảm từ 9,5% còn 7,3%). Ngoài ra, trong WTO, Nga mở cửa thị trường dịch vụ với 11 lĩnh vực và 116 tiểu lĩnh vực dịch vụ, trong đó: viễn thông: xóa bỏ hạn chế tỷ lệ cổ phần nước ngoài ở mức 49% sau 3 năm gia nhập; bảo hiểm: doanh nghiệp nước ngoài được mở chi nhánh sau 9 năm; ngân hàng: nước ngoài được thành lập ngân hàng con, không hạn chế tỷ lệ cổ phần nước ngoài tại từng ngân hàng, nhưng tổng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực ngân hàng không quá 50%. Đặc biệt, trong lĩnh vực phân phối, Nga cho phép doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tham gia vào bán buôn, bán lẻ, nhượng quyền thương hiệu ngay sau khi gia nhập WTO. Do vậy, để tận dụng được các cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nghiên cứu và sớm tiếp cận thị trường Nga.

Khi kết thúc FTA Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus -  Kazakhstan, Việt Nam sẽ khai thác thị trường Liên minh Hải quan và chính thức trở thành Liên minh Kinh tế Á - Âu, với 3 thành viên là Nga, Belarus và Kazakhstan, và trở thành nước đầu tiên ngoài SNG (cộng đồng các quốc gia độc lập thuộc Liên Xô) có FTA với khu vực này, có lợi thế người đến đầu tiên. Ít nhất 80% hàng hóa vào Nga sẽ được miễn thuế. Hàng tiêu dùng xuất khẩu sẽ hưởng lợi lớn do Nga không tập trung nhiều vào các ngành công nghiệp này và hài hòa được các quy định về TBT, SPS, Hải quan....

Để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại hai nước, hai bên cần sớm thống nhất sửa đổi, bổ sung và ban hành các cơ chế chính sách riêng tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư, hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước; đẩy mạnh việc thực hiện quyết liệt, hiệu quả các hiệp định kinh tế, thương mại, đầu tư nhằm sớm đem lại những lợi ích kinh tế thiết thực cho hai nước. Hai bên cần chỉ đạo ngân hàng trung ương hai nước sớm đưa ra các giải pháp thúc đẩy thanh toán bằng đồng tiền bản địa của hai nước trong quan hệ thương mại xuất nhập khẩu, đầu tư của các doanh nghiệp. Thương vụ cần sớm trở thành cầu nối cung cấp thông tin, hỗ trợ tìm kiếm đối tác, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại vào thị trường Nga, xây dựng đề án đẩy mạnh xúc tiến đầu tư sản xuất hàng tiêu dùng vào thị trường Nga.