Thị trường nhà ở Hà Nội có xu hướng rời nội đô ra ngoại ô
Khu vực trung tâm Hà Nội đang phát triển gần đến điểm ngưỡng, ở trong trạng thái quá tải hạ tầng, gây ra sự ùn tắc, ngột ngạt. Trước nhu cầu thực tế, các dự án bất động sản dần mở rộng ra khu vực ngoại thành.
Dân số quá đông, hạ tầng thiếu đồng bộ đã tạo nên một bộ mặt đô thị nhếch nhác, lộn xộn. Nhà cao tầng xen kẽ với những khu ổ chuột, cơi nới. Nơi bỏ hoang cho cỏ dại, nơi lại chen chúc trong những “hộp diêm” 3 - 4m2.
Giá nhà đất khu trung tâm cũng vì thế mà đang tăng cao ngoài tầm với của một phần lớn cư dân đô thị. Chi phí cho nhà ở trở thành một khoản phí cao hàng đầu trong nhu cầu hằng ngày của người lao động.
Do đó, dân cư dịch chuyển ra các khu đô thị vệ tinh là xu hướng tất yếu. Các khu đô thị văn minh, hiện đại tại khu vực ngoại ô sẽ tạo nên sức hấp dẫn cho khách hàng có nhu cầu tìm kiếm nơi an cư tốt cho gia đình thay vì “chen chúc” trong nội đô chật hẹp.
Chính làn sóng dân cư dồn về các khu vệ tinh cũng là đòn bẩy cho các doanh nghiệp đầu tư bất động sản. Các khu vực này có lợi thế quỹ đất còn dồi dào và giá rất rẻ để phát triển dự án.
Báo cáo mới nhất của CBRE về thị trường bất động sản Hà Nội cho thấy, các dự án chung cư nằm tại khu vực phía Tây chiếm tới khoảng 77% nguồn cung mở bán mới trong quý III vừa qua. Nguồn cung mới đang dịch chuyển ra xa hơn thay vì các cụm dân cư đã hình thành như Nam Từ Liêm và Cầu Giấy. Việc cải thiện hạ tầng với kế hoạch mở rộng và xây dựng thêm hệ thống đường giao thông kết nối trong tương lai là động lực quan trọng cho cả quỹ nguồn cung mới và mức giá bán ở những khu vực dân cư mới này.
Trong đó, Quốc Oai đang thể hiện đúng vai trò của một cửa ngõ khi thu hút nhiều dự án quy mô như Vinhomes Green Bay, Vinhomes Thăng Long, Splendora, Geleximco Lê Trọng Tấn, Sunny Garden City, FLC Asia Park... cùng hàng loạt các điểm đến vui chơi giải trí quy mô lớn khác. Việc các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh cùng “đổ vốn” vào thị trường này hứa hẹn đem đến những trải nghiệm sống xanh trong lành cùng các tiện ích không ngừng được cải thiện.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty TNHH CBRE Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản đang có xu hướng mở rộng ra ngoài trung tâm, vào khu vực như huyện Thanh Trì và Hoài Đức... Nhờ vào việc phát triển hạ tầng, giao thông nên thị trường bất động sản khu vực này dự báo phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Hai (Tổng giám đốc P.Land) cũng từng đánh giá, thị trường bất động sản Hà Nội đã chứng kiến sự chuyển dịch tích cực theo định hướng của Chính phủ và thành phố, đó là phát triển các khu đô thị vệ tinh tạo ra làn sóng bất động sản chuyển dịch từ nội đô ra vùng ven đô. Hàng loạt các dự án, hoạt động giao dịch lớn bắt đầu bùng nổ tại các khu vực ngoại thành, xa trung tâm theo hướng những trục chính:
“Rất nhiều dự án bất động sản có vị trí nằm dọc theo trục hướng tâm mới của Thành phố như đường Nguyễn Trãi - Hà Đông - Quốc lộ 6, Quốc lộ 32, đường Láng - Hòa Lạc, đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, đường Hoàng Quốc Việt kéo dài. Khách quan cho thấy, thị trường bất động sản vẫn đang ghi nhận lượng thanh khoản tốt. Trong đó, tỷ lệ giao dịch ở khu vực phía Tây chiếm trọng số lớn”.
Các chuyên gia đánh giá, sự dịch chuyển của thị trường bất động sản ra ven đô là một tín hiệu đáng mừng khi “khẩu vị” của nhà đầu tư và khách hàng thay đổi, góp phần hình thành những đô thị vệ tinh trong trương lai. Những đô thị vệ tinh của Hà Nội sẽ là những “chìa khóa” cứu tinh cho sự quá tải của nội đô, giúp giãn dân và giảm áp lực hạ tầng, nâng cao môi trường sống ở đô thị.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong tương lai, vẫn cần có những chính sách đồng bộ và quyết liệt, có quy hoạch bài bản và khuyến khích đầu tư ở vùng ven đô, đặc biệt cần tiếp tục đồng bộ hạ tầng bao gồm cả hạ tầng xã hội để thu hút dân cư vào các đô thị vệ tinh, phát huy hiệu quả của các dự án bất động sản.