Thị trường tài chính - tiền tệ đầu năm tiếp tục duy trì ổn định

PV.

Trong Báo cáo tình hình kinh tế tháng 1/2016, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) khẳng định, tháng đầu năm thị trường tài chính tiền tệ nước ta vẫn ổn định nhờ ổn định của kinh tế vĩ mô được duy trì.

Thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt, hiệu quả kinh doanh phục hồi nhẹ. Nguồn: seabank.com.vn
Thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt, hiệu quả kinh doanh phục hồi nhẹ. Nguồn: seabank.com.vn

Báo cáo của NFSC khẳng định, tính ổn định của hệ thống tài chính trong nước tiếp tục được duy trì trong tháng đầu năm 2016, đặc biệt đối với khu vực ngân hàng vàthị trường ngoại hối.

Theo đó, tín dụng ngân hàng tăng khá, cơ cấu tín dụng chuyển động theo hướng tích cực. Cả năm 2015, tín dụng tăng 18% (nếu tính cả trái phiếu doanh nghiệp thì tăng trưởng tín dụng ở mức 19,3%), cao hơn nhiều so với kế hoạch đầu năm (13%-15%). Trong đó, tín dụng trung và dài hạn tăng 31,4%, cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng ngắn hạn (7%).

Trong bối cảnh khu vực doanh nghiệp tái cấu trúc mạnh mẽ sau giai đoạn khủng hoảng, cầu đối với nguồn vốn trung và dài hạn tăng cao để đáp ứng yêu cầu đầu tư dài hạn và đổi mới công nghệ. Chính sách lãi suất chênh lệch giữa đồng USD và VND đã phát huy tác dụng, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cả năm giảm -12,9% so với cùng kỳ 2014.

Trên một góc nhìn khác, theo nhận định mới đây củaBộ phận Nghiên cứu (BPNC), Ban Kinh doanh Vốn và Tiền tệ (thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam), nhìn chung, năm 2016, áp lực đối với thị trường tiền tệ VNĐ liên ngân hàng là tương đối lớn, nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không có sự hỗ trợ mạnh mẽ. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo, nhưng không dư thừa và sẽ khá căng thẳng tại một số thời điểm. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức cao, dao động phổ biến trong khoảng 3,5-5% đối với kỳ hạn 1 tuần và bình quân vào khoảng 4,3%/năm – tăng 0,5% so với năm 2015.

Cũng theo BPNC, năm nay, chính sách điều hành tiền tệ của NHNN sẽ gặp khá nhiều thử thách và không dễ dàng lường đón. Các mục tiêu tổng quát đặt ra cho chính sách tiền tệ tiếp tục nhất quán so với các năm trước, tuy nhiên có thể thấy khả năng cân đối giữa các biến số lạm phát, tăng trưởng hay tỷ giá, lãi suất là một bài toán khó đối với NHNN trong 2016.

Được biết, năm 2016, NHNN thực hiện việc điều hành linh hoạt đối với chính sách tiền tệ, tỷ giá, bảo đảm tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm. Cơ quan này hiện đang hoàn tất dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo NHNN, việc điều chỉnh tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn của từng khối theo lộ trình giảm dần nhằm đảm bảo phù hợp với định hướng hạn chế cấp tín dụng trung, dài hạn, giảm rủi ro thanh khoản; giảm tập trung cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (chủ yếu là cho vay trung, dài hạn).

Bên cạnh đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt, hiệu quả kinh doanh phục hồi nhẹ. Tỷ lệ LDR của toàn hệt thống ở mức 80,9% (mức an toàn cao về thanh khoản). Thanh khoản đối với VND và ngoại tệ lần lượt ở mức 83,5% và 64,1%, ở giới hạn an toàn thanh khoản. Hiệu quả kinh doanh tuy còn thấp (do trích lập DPRR) nhưng đã phục hồi nhẹ so với năm 2014.

Đối với thị trường ngoại hối, theo NFSC, bước vào năm 2016, NHNN áp dụng chính sách tỷ giá trung tâm - chính sách tỷ giá linh hoạt nhằm đáp ứng tốt hơn các biến động khó lường của thị trường tiền tệ và thương mại quốc tế. Điều này đã giúp tỷ giá biến động theo xu hướng giảm nhẹ do nguồn cung khá tốt như kiều hối và giải ngân đầu tư, trong khi cầu ngoại tệ nhập khẩu giảm do yếu tố mùa vụ.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là thời điểm đầu năm nên NFSC cũng đánh giá áp lực lên tỷ giá trong năm 2016 là khá lớn. Cụ thể là do khả năng tăng giá của đồng USD khi nền kinh tế Mỹ khởi sắc, trong khi đồng Nhân dân tệ nhiều khả năng tiếp tục phá giá để duy trì xuất khẩu và việc làm của nền kinh tế Trung Quốc.

Đối với thị trường chứng khoán, kể từ đầu năm thị trường cổ phiếu trong nước biến động tương đối mạnh do chịu tác động tâm lý từ sự sụt giảm liên tục của các thị trường chứng khoán quốc tế cùng với giá dầu thô xuống dưới mức 30 USD/thùng. Thống kê cho thấy, ngày 25/1 chỉ số VN Index là 542,4 điểm, giảm 6,3% so với cuối năm 2015 trong khi HNX Index giảm 4,5%. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 870 tỷ đồng (39 triệu USD) cổ phiếu niêm yết từ đầu năm đến 25/1/2016 tạo áp lực giảm giá lên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, NFSC nhận định: Việc bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài không đồng nghĩa với rút vốn ra khỏi Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua ròng trở lại khi thị trường tài chính quốc tế bình ổn trong bối cảnh nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định.

Đối với lĩnh vực thu ngân sách nhà nước, NFSC nhận định, tiếp tục khó khăn. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước 15 ngày đầu tháng 01/2016 ước tính đạt 35,5 nghìn tỷ đồng, bằng 3,5% dự toán năm, trong đó thu nội địa 27,3 nghìn tỷ đồng, bằng 3,5%; thu từ dầu thô 1,8 nghìn tỷ đồng, bằng 3,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 6,3 nghìn tỷ đồng, bằng 3,7%.

Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 6,5 nghìn tỷ đồng, bằng 2,5% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 5,3 nghìn tỷ đồng, bằng 3,3%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 6,5 nghìn tỷ đồng, bằng 4,5%; thuế thu nhập cá nhân 1,9 nghìn tỷ đồng, bằng 3%; thuế bảo vệ môi trường 500 tỷ đồng, bằng 1,3%; thu tiền sử dụng đất 3,5 nghìn tỷ đồng, bằng 7%.

NFSC dự báo, việc giá dầu tiếp tục giảm sâu, xuống dưới 30 USD/thùng và dự báo có thể xuống thấp hơn nữa đã và đang tạo áp lực lên thu từ dầu thô ngay từ những ngày đầu năm. Dự kiến, với giá dầu xây dựng dự toán 60 USD/thùng, nhiều khả năng thu ngân sách từ dầu năm 2016 cũng sẽ không đạt dự toán như năm 2015.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, với việc ngành Tài chính quyết tâm thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tổ chức điều hành dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 tích cực chủ động chặt chẽ; Giữ bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi Quốc hội quyết định, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi ngân sách nhà nước; Gắn kết đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, huy động vốn cho ngân sách nhà nước và điều hành ngân quý... thì những áp lực này kỳ vọng sẽ được giảm bớt.