Nhiều điểm sáng trong tái cơ cấu nền kinh tế

PV.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo và triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước. Dự kiến hết năm 2015, cả nước sẽ hoàn thành 90% kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của giai đoạn 2011-2015.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Quyết liệt thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn

Theo tổng hợp của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, tính từđầu năm tới ngày 10/11 vừa qua, cả nước đã có 175 doanh nghiệp được sắp xếp. Trong đó, 159 doanh nghiệp đãđược phê duyệt phương án cổ phần hóa; 16 doanh nghiệp thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác (bán, sáp nhập, giải thể, chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên).

Còn tính từ năm đầu thực hiện kế hoạch (2011) tới nay, cả nước đã sắp xếp được 471 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 408 doanh nghiệp (bằng 79,37% tổng số doanh nghiệp phải cổ phần hóa).

Trong thời gian qua, nhờ sự chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ, việc thực hiện quyết liệt của các cơ quan chủ quản, trong 2 năm 2014 và 2015 cả nước cổ phần hóa được 353 doanh nghiệp.

Còn đối với thoái vốn Nhà nước, trong 10 tháng đầu năm nay cũng đạt được nhiều tín hiệu tích cực, cả nước thoái được 9.152,2 tỉ đồng, thu về 13.767,5 tỉ đồng, bằng 1,5 lần giá trị sổ sách. Trong đó, các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng là 4.418,2 tỉ đồng, thu về 4.956,3 tỉ đồng; bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp khác là 4.734,1 tỉ đồng, thu về 8.811,4 tỉ đồng.

Lũy kế từ năm 2012 đến 28/10, cả nước thoái được 16.450 tỉ đồng, thu về 22.870 tỉ đồng. Trong đó, các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng là 8.704 tỉ đồng (trên tổng số 23.325 tỉ đồng phải thoái tại 5 lĩnh vực nêu trên, bằng 37% kế hoạch), thu về 9.540 tỉ đồng; bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp khác là 7.746 tỉ đồng, thu về 13.330 tỉ đồng.

Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến hết ngày 20/10 có 93 doanh nghiệp cổ phần hóa bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) ra công chúng tại Sở giao dịch chứng khoán và các công ty chứng khoán. Số cổ phiếu bán được là 318.595.743 cổ phiếu, trị giá 4.683,8 tỉ đồng, đạt 38% tổng số lượng cổ phần chào bán.

Trong tổng số 93 doanh nghiệp IPO có 55 doanh nghiệp bán đạt trên 90% tổng số cổ phần chào bán.

Mốt số hạn chế cần tháo gỡ

Ban chỉđạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết bên cạnh cổ phần hóa và thoái vốn thì việc xây dựng hàng lang pháp lý cho hoạt động này luôn được Chính phủ, các bộ, ngành đặc biệt quan tâm. Cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức quản lý và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước về cơ bản đã được ban hành đầy đủ.

Tuy nhiên, một số cơ chế, chính sách để giải quyết những vướng mắc trong xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, trong thoái vốn Nhà nước đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, bán vốn Nhà nước tại công ty cổ phần Nhà nước không cần nắm giữ… dù được lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo quyết liệt vẫn chưa được các bộ trình để ban hành kịp thời, chưa được giải quyết dứt điểm.

Nguyên nhân là do các bộ, ngành chưa tập trung cho việc ban hành cơ chế, chính sách theo đúng kế hoạch đã đề ra. Việc bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn chưa đẩy nhanh được do vướng quy định về thời gian thực hiện, trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về khách quan, những biến động của thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế thời gian vừa qua và những khó khăn của kinh tế trong nước đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán và việc bán cổ phần, thoái vốn Nhà nước (bình quân 10 tháng năm 2015 số cổ phiếu IPO bán được chỉ đạt 38% tổng số cổ phần chào bán).

Do vậy, những đơn vị tuy triển khai tích cực nhưng đạt kết quả thấp hoặc chưa có kết quả là Bộ Công Thương (mới cổ phần hóa, sắp xếp được 2/12 doanh nghiệp), TP. Hồ Chí Minh (6/21 doanh nghiệp). Các bộ, địa phương sau còn chưa cổ phần hóa, sắp xếp được DNNN nào từ đầu năm tới nay: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông; Nam Định, Tiền Giang, Bình Dương, Bình Phước, Đăk Lăk, Gia Lai…

Nhiều doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn hiện nay có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, tình hình tài chính phức tạp, việc xử lý công nợ, xử lý tài chính, phương án sử dụng đất trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa; việc lựa chọn cổ đông chiến lược… cần có nhiều thời gian để chuẩn bị, xử lý.