Thị trường tài chính - tiền tệ tháng 5 và 5 tháng năm 2015
Thị trường tài chính trong 5 tháng đầu năm 2015 tương đối ổn định thể hiện ở các mặt sau:
(1) Tỷ giá tăng mạnh, lãi suất điều chỉnh giảm ở các kỳ ngắn hạn. Trong 5 tháng đầu năm, NHNN đã 2 lần điều chỉnh tỷ giá VND/USD. Tỷ giá được điều chỉnh tăng 1% lần đầu tiên ngày 7/1/2012, từ mức 21.246 VND/USD lên 21.458 VND/USD. Với biên độ tỷ giá +/-1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần tại các NHTM là 21.673 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.243 VND/USD.
Mặc dù, các yếu tố cơ bản hỗ trợ duy trì tỷ giá vẫn khá mạnh: cán cân tổng thể thặng dư 2,8 tỷ USD trong quý I/2015; dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn ở mức khá, vốn FDI đăng ký ước tính đạt mức 4,2 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2015 (cả năm 2014 đạt 15,6 tỷ USD); dự trữ ngoại hối lớn (hơn 36 tỷ USD),… song từ cuối tháng tư, nhiều yếu tố áp lực đã xuất hiện: (1) Nhập siêu tăng vọt trong tháng 4/2015 đưa tổng nhập siêu 4 tháng đầu năm lên khoảng 3 tỷ USD. (2) Đồng USD tiếp tục tăng giá nhanh so với một số đồng ngoại tệ mạnh khác. (3) Tâm lý của thị trường sau khi Vietcombank mua vào 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ - đây là lần đầu tiên Chính phủ phát hành trái phiếu riêng lẻ bằng đồng ngoại tế; đồng thời Chính phủ yêu cầu đề xuất cơ chế cho ngân sách vay ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại tệ. Theo đó, tỷ giá trên thị trường đã liên tục tăng cao đặc biệt từ ngày 4/5/2015. Trước tình hình này, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá lần thứ hai, thêm 1% lên mức 21.673 VNĐ/1USD. Tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng được phép dao động trong khoảng 21.456-21.890 đồng một đôla Mỹ. Tính đến ngày 8/5/2015, tỷ giá tại các NHTM tiếp tục giao dịch ở mức trần quy định (21.673 đồng), trong khi giá mua bán trên thị trường tự do là 21.730 đồng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động năm 2014 (tính đến ngày 19-12-2014) đã giảm 1,5-2 điểm %/năm, nhưng vốn huy động vẫn tăng cao đến 15,15%, trong đó huy động vốn bằng tiền đồng tăng 16,31% so với cuối năm 2013. Thêm vào đó, mặt bằng lạm phát giảm và cung vốn dồi dào thúc đẩy các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động sau Tết Nguyên đán 2014, với mức giảm 0,1-0,4 điểm phần trăm tuỳ kỳ hạn. Lãi suất thực dương vẫn được duy trì, trong khi kỳ vọng lạm phát ở mức thấp giữ lãi suất kỳ vọng thấp. Đây là cơ sở quan trọng để các NHTM quyết định tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động trong quý đầu năm 2015. Nhìn chung lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại các ngân hàng lớn đang ở mức rất thấp, quanh 4%/năm – thấp hơn mức lãi suất cùng kỳ những năm 2005-2006. Tuy nhiên, ở một số ngân hàng nhỏ, lãi suất huy động cùng kỳ hạn được duy trì ở mức cao hơn, như OCB (5,3%), HDBank (5,8%), DongABank (4,8%), và Techcombank (4,6%). Đồng thời, lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn dài hơn, như 3 tháng và 6 tháng vẫn được hầu hết các NHTM duy trì ở mức khá cao (đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng nằm ở mức 6-7%/năm, 6 tháng ở mức 5-6%/năm) nhằm thu hút nguồn vốn dài hạn. Trong khi đó, lãi suất cho vay duy trì ở mức cũ (từ năm 2014), cụ thể: lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7-8%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác khoảng 9-10,5%/năm đối với ngắn hạn; 11-12,5%/năm đối với trung và dài hạn; trong đó một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, sản xuất kinh doanh hiệu quả, lãi suất cho vay chỉ 6-7%/năm.
(2) Tăng trưởng tín dụng khá. Tăng trưởng tín dụng dương ngay từ đầu năm. Tính đến 20/3/2015, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 1,25% so với cuối năm ngoái, trong khi con số này vào quý đầu năm 2014 chỉ đạt 0,52%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2015, tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt mức tăng trưởng 2,78% - mức cao nhất so với cùng kỳ 3 năm qua. Điều này cho thấy những cải thiện ban đầu trong chỉ báo có tính dẫn dắt này về tăng trưởng kinh tế.
(3) Nợ xấu vẫn là vấn đề đáng quan ngại. Theo dữ liệu mới nhất (ngày 4/5/2015) của NHNN tổng hợp từ báo cáo của các tổ chức tín dụng, trong tháng đầu tiên của năm 2015, tỷ lệ nợ xấu ở mức khá cao 3,49%. Như vậy, nợ xấu đã tăng trở lại sau khi cho xu hướng sụt giảm rõ rệt từ tháng 6/2014 (từ mức 4,17% tháng 6/2014 – mức cao nhất trong năm, xuống còn 3.25% vào tháng 12 năm 2014).
Nắm rõ tính hình, NHNN đã thể hiện quyết tâm trong việc xử lý nợ xấu thông qua việc ban hành chỉ thị số 02/CT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ngày 27/1/2015về tăng cường xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD), theo đó, yêu cầu các TCTD trước ngày 30/6 phải giải quyết ít nhất 60% nợ xấu và phải bán được 75% số nợ dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành một số hướng dẫn nhằm gia tăng quyền hạn và khả năng hoạt động cho Công ty quản lý tài sản (VAMC). Cụ thể, nghị định 34/NĐ-CP ngày 05/04/2015 quy định: (1) Tăng vốn điều lệ của VAMC từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng; (2) Cho phép VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu theo giá thị trường, được mua 100% giá trị khoản nợ thay vì 70% như trước đây; (3) Ngân hàng được nới thời gian trích lập dự phòng từ 5 năm lên 10 năm đối với các khoản nợ đã bán cho VAMC. Theo nghị định mới, VAMC nhận thêm tiền thực để xử lý nợ xấu (1.500 tỷ). Tuy nhiên, con số này còn khá ít ỏi so với mục tiêu xử lý nợ xấu trong năm 2015.