Thị trường tài chính Việt Nam năm 2014: Phát triển ổn định và bền vững
(Tài chính) Do ảnh hưởng của kinh tế thế giới và kinh tế trong nước, hoạt động của thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2014 vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, trên giác độ khác, vẫn có thể dễ dàng nhận thấy những kết quả khả quan của thị trường này trong năm qua.
Theo Bộ Tài chính, năm 2014, tình hình kinh tế thế giới đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thị trường tài chính thế giới đã từng bước đi vào ổn định, dòng vốn đổ vào các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đã tăng do các nền kinh tế này thực thi chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng hơn và giữ lãi suất ở mức thấp. Trong khi đó, tình hình kinh tế trong nước năm 2014 có nhiều dấu hiệu khả quan. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; Mặt bằng lãi suất có chiều hướng giảm dần; tăng trưởng tín dụng có cải thiện; thị trường ngoại hối trong xu thế ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng; quy mô dòng vốn FDI và FII tăng; bội chi ngân sách được kiểm soát ở mức 5,3% GDP, xếp hạng tín nhiệm quốc gia được cải thiện và huy động thành công trái phiếu quốc tế với lãi suất thấp (4,8%/năm)...
Với những nỗ lực đổi mới cơ chế chính sách và điều hành, tăng cường khả năng quản lý giám sát, thị trường tài chính năm 2014 đã có những bước phát triển tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển. Bộ Tài chính đã tập trung hoàn thiện thể chế và khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia hoạt động trên thị trường tài chính đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát đối với thị trường này.
Theo đó, mặc dù chịu ảnh hưởng, tác động của kinh tế thế giới và kinh tế trong nước, các cấu phần của thị trường tài chính vẫn có sự phát triển so với năm 2013, tổng giá trị huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu chính phủ tăng 29% so với năm 2013, đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay; tổng giá trị huy động vốn qua TTCK đạt 237 nghìn tỷ đồng tương đương 5,9 % GDP, tăng 6% so với năm 2013, thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định với tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng khoảng 14,2% so với năm 2013. Công tác quản lý, giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK), vấn đề công bố thông tin, quản trị công ty niêm yết tiếp tục được củng cố qua đó thúc đẩy thị trường hoạt động công khai, minh bạch. Những kết quả khả quan của thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2014 được thể hiện trên những kết quả như sau:
Đối với TTCK:
- Về cơ chế, chính sách: Hệ thống văn bản, cơ chế chính sách tiếp tục được hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thị trường đồng thời tăng cường công tác quản lý, giám sát TTCK. Trong năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh, Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư và UBCKNN đã ban hành các Quyết định hướng dẫn về chế độ quản lý giám sát và chế độ thu, sử dụng phí trên thị trường chứng khoán. Hiện tại, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của TTCK tương đối đồng bộ, thị trường vận hành trên nguyên tắc công khai minh bạch, tạo niềm tin cho các chủ thể tham gia trên thị trường.
- Đến cuối tháng 12/2014, có 673 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên thị trường chứng khoán với tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là 425.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2013. Giá trị vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt khoảng 31,48% GDP. Tình hình sản xuất kinh doanh của DN niêm yết trong 9 tháng đầu năm 2014 có cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2013, có 87% công ty niêm yết hoạt động có lãi, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2013; tổng lợi nhuận sau thuế của toàn bộ công ty niêm yết trong 9 tháng đầu năm 2014 tăng 6,1%. Số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1,37 triệu tài khoản, tăng 6% so với cuối năm 2013. Trong 11 tháng đầu năm 2014, dòng vốn nước ngoài vào thuần đạt 9,3 triệu USD so với dòng vốn vào thuần âm (-11,4 triệu USD) năm 2013. Giá trị giao dịch bình quân của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ là 2.969 tỷ đồng/phiên tăng 116% so với năm 2013. Giá trị giao dịch bình quân của trái phiếu là 2.531 tỷ đồng/phiên tăng 93% so với năm 2013.
- Về chủ thể tham gia thị trường: Tính đến cuối năm 2014 có 43 công ty quản lý quỹ (trong đó 21 văn phòng đại diện công ty quản lý quỹ nước ngoài), 85 công ty chứng khoán, 26 quỹ đầu tư hoạt động trên TTCK; tổng giá trị huy động của các quỹ đầu tư chứng khoán năm 2014 đạt hơn 7.000 tỷ đồng; tổng giá trị danh mục quản lý của các công ty quản lý quỹ đạt 4,4 tỷ USD. Các công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ, Quỹ đầu tư chứng khoán trên thị trường đã thực hiện hầu hết các dịch vụ được Luật Chứng khoán cho phép.
- Trong năm 2014, các tổ chức kinh doanh chứng khoán tiếp tục được tái cơ cấu, hợp nhất, sát nhập để tăng năng lực hoạt động, tăng quy mô vốn, quản trị DN và khả năng kiểm soát rủi ro. Hoạt động tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán được thực hiện theo lộ trình, không làm xáo trộn thị trường và tuân thủ quy định của pháp luật. Thông qua tái cấu trúc đã giảm số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, số lượng công ty chứng khoán giảm từ 105 xuống 85 công ty, số lượng công ty quản lý quỹ giảm từ 49 xuống 43 công ty; thay thế các quỹ đầu tư hoạt động theo dạng quỹ đóng, quỹ thành viên bằng các quỹ mở hoạt động linh hoạt hơn và có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn.
Đối với thị trường trái phiếu
- Về cơ chế chính sách: Về cơ bản, hệ thống cơ chế, chính sách đối với thị trường trái phiếu đến nay đã được ban hành khá đầy đủ, bao quát hầu hết các hoạt động phát hành và giao dịch trái phiếu, tạo ra nền tảng cần thiết để khuyến khích, thúc đẩy, đa dạng hoá các hình thức huy động vốn trung dài hạn thông qua phát hành trái phiếu. Trong năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm (Nghị định số 88/2014/NĐ-CP ngày 26/9/2014); Bộ Tài chính đã sửa đổi bổ sung các Thông tư hướng dẫn Nghị định 01/2011/NĐ-CP về phát hành TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương sau thời gian triển khai thực hiện từ năm 2012.
- Về mặt điều hành: năm 2014 mặc dù thị trường trái phiếu có nhiều biến động, tuy nhiên với sự điều hành linh hoạt theo sát diễn biến thực tế của thị trường, hoạt động của thị trường trái phiếu đã đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường vốn, từng bước phối hợp nhịp nhàng với điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và làm cơ sở cho các hoạt động huy động vốn trong giai đoạn hiện nay.
- Với khuôn khổ pháp lý đồng bộ và sự điều hành có hiệu quả, thị trường trái phiếu năm 2014 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật:
+ Về khối lượng huy động: Tổng số vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu (gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu DN) là 288.722 tỷ đồng, bằng 7,27% GDP năm 2014. Trong đó riêng khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2014 đạt 234.067 tỷ đồng, tăng 30% so với khối lượng huy động năm 2013 và gấp 3,5 lần năm 2010. Khối lượng huy động trái phiếu Chính phủ bảo lãnh là 17.555 tỷ đồng, trái phiếu chính quyền địa phương là 7.400 tỷ đồng. Khối lượng huy động trái phiếu DN là 26.722 tỷ đồng. Từ đó đã góp phần thực hiện hoàn thành vượt mức dự toán NSNN năm 2014 và đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển.
+ Về kỳ hạn phát hành: Kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đã được kéo dài so với các năm trước. Kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ đạt 4,95 năm (tăng 1,74 năm so với năm 2013), trong đó trái phiếu kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên chiếm 47% tổng khối lượng phát hành năm 2014. Kỳ hạn phát hành bình quân của trái phiếu do Ngân hàng Phát triển phát hành là 3,36 năm (tăng 0,53 năm so với năm 2013) và do Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành là 3,70 năm (tăng 0,71 năm so với năm 2013).
+ Về lãi suất phát hành: So với cuối năm 2013, mặt bằng lãi suất thị trường trái phiếu tại thời điểm cuối năm 2014 giảm khoảng 1,30%-3,70% đối với các kỳ hạn, phù hợp với điều hành giảm lãi suất của Ngân hàng nhà nước, tiết kiệm chi phí huy động vốn cho NSNN.
+ Về dư nợ thị trường: Tại thời điểm cuối năm 2014, dư nợ toàn thị trường trái phiếu là 864.952 tỷ đồng, bằng 21,77% GDP năm 2014 (năm 2013 là 19%GDP); trong đó riêng dư nợ thị trường trái phiếu Chính phủ là 549.991 tỷ đồng, bằng 13,84% GDP năm 2014 (năm 2013 là 11,26% GDP).
Trên thị trường trái phiếu đã hình thành hệ thống các nhà tạo lập thị trường hoạt động có hiệu quả, góp phần thúc đẩy hoạt động huy động vốn trên cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Năm 2014, giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp đã tăng khoảng 2 lần so với năm 2013, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường trái phiếu. Có thể nói, thị trường trái phiếu đã trở thành kênh huy động vốn có hiệu quả cho Chính phủ, các ngân hàng chính sách, chính quyền địa phương và DN. Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, các DN đã quan tâm lựa chọn kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn phát triển sản xuất kinh doanh.
Đối với thị trường bảo hiểm
- Về cơ chế chính sách: Hệ thống các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh Bảo hiểm và các văn bản pháp luật có liên quan tiếp tục được tập trung hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường bảo hiểm, đáp ứng các cam kết song phương, đa phương về hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi đối với người được bảo hiểm và DNBH. Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm bảo lãnh (Nghị định 68/2014/NĐ-CP), Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư hướng dẫn triển khai bảo hiểm thủy sản (Thông tư 115/2014/TT-BTC và Thông tư 116/2014/TT-BTC).
- Năm 2014, thị trường bảo hiểm đạt được những kết quả tích cực, các DNBH (DNBH) duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, năng lực tài chính ổn định, phát triển được các sản phầm bảo hiểm mới. Thị trường bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng so với các năm trước. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường năm 2014 dự kiến đạt 52.680 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2013. Tại thời điểm cuối năm 2014, tổng tài sản đạt 154.222 tỷ đồng tăng 15,2% so với năm 2013; trong đó đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 131.371 tỷ đồng tăng 15,6% so với năm 2013. Cũng trong năm 2014, các DNBH đã giải quyết bồi thường và trả tiền bảo hiểm hơn 18.552 tỷ đồng tăng 4,1% so với năm 2013, trong đó, đã kịp thời xử lý bồi thường cho các DN bị thiệt hại tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh do một số phần tử quá khích lợi dụng việc công nhân biểu tình phản đối liên quan đến sự kiện Trung Quốc đặt dàn khoan HD981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam để phá hoại tài sản một số DN, qua đó góp phần ổn định kinh tế xã hội.
- Các DNBH tiếp tục được cấu trúc theo Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 6/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó các DNBH đã được củng cố năng lực tài chính, tăng cường mức độ an toàn tài chính và hiệu quả đầu tư. Đến nay, thị trường bảo hiểm có 61 DNBH gồm 30 DNBH phi nhân thọ, 17 DNBH nhân thọ, 12 DN môi giới bảo hiểm và 2 DN tái bảo hiểm với tổng vốn chủ sở hữu gần 40.982 tỷ đồng tăng 11,4% so với năm 2013.
- DNBH đã đẩy mạnh khai thác tại các mảng thị trường tiềm năng, phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới như bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm thủy sản, bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm bảo lãnh. Cụ thể, đối với bảo hiểm nông nghiệp, sau 3 năm thí điểm thực hiện, số hộ tham gia bảo hiểm là 304.017 hộ với tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỷ đồng; tổng doanh thu phí bảo hiểm là 394 tỷ đồng, số tiền bồi thường là 707,4 tỷ đồng. Bộ Tài chính đang tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu xây dựng phương án mở rộng bảo hiểm nông nghiệp theo hướng mở rộng và triển khai bảo hiểm cây lúa và bảo hiểm gia súc. Trong khi đó, đối với bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, sau 3 năm thực hiện, các DNBH đã cấp được 46 hợp đồng bảo hiểm với tổng doanh thu phí bảo hiểm là 17,23 tỷ đồng, số tiền bồi thường là 13,33 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm là 12.592 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực dịch vụ kế toán, kiểm toán
- Hệ thống các văn bản pháp lý trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán được ban hành đầy đủ, đồng bộ từ cấp Luật, Nghị định và Thông tư hướng dẫn. Hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán được ban hành kịp thời, phù hợp với thông lệ quốc tế tạo thuận lợi cho hoạt động kế toán, kiểm toán phát triển. Hoạt động kế toán, kiểm toán đã xác định được vị trí trong nền kinh tế và góp phần quan trọng trong việc làm lành mạnh hoá môi trường đầu tư và nền tài chính quốc gia. Trong năm 2014, Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán đối với DNBH nhân thọ, chế độ kế toán đối với công ty chứng khoán, Thông tư hướng dẫn phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất; chuẩn bị ban hành thêm 10 chuẩn mực kiểm toán và đang nghiên cứu ban hành 26 chuẩn mực kế toán.
- Cùng với sự phát triển về số lượng công ty và quy mô hoạt động của từng công ty, các dịch vụ do các công ty kế toán, kiểm toán cung cấp đã không ngừng được đa dạng hoá. Mặc dù cá biệt còn có trường hợp chất lượng dịch vụ chưa cao, song về cơ bản dịch vụ này ngày càng được được khách hàng tín nhiệm, được xã hội thừa nhận. Trong đó, dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính chiếm tỷ trọng lớn nhất; các dịch vụ tư vấn kế toán, kiểm toán đang dần tăng tỷ trọng doanh thu.
- Đối với dịch vụ kiểm toán, mặc dù phát triển sau nhưng phạm vi hoạt động ngày càng mở rộng, từ chỗ chỉ kiểm toán các tổ chức niêm yết, tổ chức phát hành, tổ chức kinh doanh chứng khoán đến nay đã mở rộng thêm nhiều đối tượng khác như: các công ty đại chúng, DN phát hành chứng khoán, Quỹ đầu tư phát triển địa phương và một số nghiệp vụ kiểm toán chuyên ngành...
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, mặc dù đã đạt được những kết quả nêu trên, song về tổng thể thị trường tài chính vẫn còn những hạn chế nhất định. Theo đó, tính ổn định, bền vững trong huy động các nguồn lực chưa cao; trên thị trường vẫn chưa có một số định chế tài chính như quỹ hưu trí, quỹ đầu tư tương hỗ, DN xếp hạng tín nhiệm. Ngoài ra, so với các nước trong khu vực, thị trường tài chính Việt Nam quy mô vẫn còn nhỏ. Trong đó, một số hạn chế chủ yếu là:
Một là, khả năng tập trung và phân bổ nguồn lực tài chính qua thị trường chưa thực sự hiệu quả. Quy mô của thị trường trái phiếu chỉ chiếm 21,77% GDP năm 2014, còn nhỏ so với quy mô thị trường trái phiếu của các nước trong khu vực và quốc tế (quy mô thị trường trái phiếu của Malaysia là 102%GDP, Singapore là 81%GDP, Thái Lan là 36% GDP, Philippin là 38%GDP, Hàn Quốc là 122%GDP, Trung Quốc là 53%GDP). Bên cạnh đó, giá cổ phiếu trên TTCK thường xuyên biến động, gây tâm lý dè dặt cho công chúng đầu tư; TTCK chưa thực sự phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, theo đó chưa hỗ trợ được tích cực cho quá trình cổ phần hóa DN nhà nước và thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Hai là, sự phối hợp trong quản lý và điều hành giữa các kênh huy động, giữa các loại thị trường (thị trường tiền tệ, thị trường vốn) có thời điểm còn chưa nhịp nhàng.
Ba là, mặc dù tốc độ phát triển nhanh nhưng quy mô của thị trường bảo hiểm còn nhỏ chưa tương xứng với tiềm năng phát triển; hiệu quả sử dụng vốn huy động và tỷ lệ vốn giành cho đầu tư dài hạn còn hạn chế.
Bốn là, chất lượng hoạt động kế toán, kiểm toán còn có những hạn chế nhất định, khả năng cung cấp dịch vụ của các tổ chức kiểm toán chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế.