Biên Hòa "bối rối" với hàng trăm trường hợp đất "giấy tay"

Theo Phạm Tùng/Báo Đồng Nai

Hàng trăm trường hợp đất “giấy tay” (mua bán, chuyển nhượng, cho tặng quyền sử dụng đất bằng giấy tay) phát sinh khiến cho quá trình thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) gặp rất nhiều khó khăn.

Dự án Đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu) phát sinh hàng trăm trường hợp đất “giấy tay”. Ảnh: P.TÙNG
Dự án Đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu) phát sinh hàng trăm trường hợp đất “giấy tay”. Ảnh: P.TÙNG

Phát sinh hàng trăm trường hợp đất “giấy tay”

TP. Biên Hòa hiện là địa phương có nhiều công trình, dự án trọng điểm của tỉnh đang được triển khai thực hiện. Đến nay, phần lớn các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố đều đang bị chậm tiến độ. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng này là do công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng còn chậm.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn TP. Biên Hòa đều bị chậm tiến độ thì phần lớn liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Ông Huỳnh Tấn Lộc - Phó Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa, cho hay quá trình thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cho các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh thực hiện trên địa bàn thành phố gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, hiện nay, tại một số dự án có hàng trăm trường hợp đất “giấy tay” khiến cho công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng vốn đã khó lại càng khó hơn.

Theo ông Huỳnh Tấn Lộc, thời gian qua, khi thực hiện các thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi để triển khai các công trình, dự án trọng điểm thì phát sinh rất nhiều trường hợp đất “giấy tay”. Đây là những trường hợp mà theo hồ sơ địa chính một thửa đất đã được đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một hộ gia đình (đất ở hoặc đất nông nghiệp) và UBND TP. Biên Hòa đã ban hành thông báo thu hồi đất cho một chủ.

Tuy nhiên, khi lập hồ sơ thì phát sinh trên đất có nhiều căn nhà, người dân đề nghị được lập hồ sơ bồi thường về đất cho người đã đăng ký, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, lập hồ sơ bồi thường nhà cho các chủ đang sử dụng và yêu cầu được bồi thường về nhà, bố trí tái định cư. Mặc dù vậy, do đây là những trường hợp xây dựng nhà trên đất của cha mẹ cho hoặc xây dựng trên đất của người khác theo hình thức mua bán, chuyển nhượng, cho tặng bằng “giấy tay” nên không đủ điều kiện giải quyết tách thửa để lập hồ sơ bồi thường về đất (không đủ điều kiện bồi thường về đất) trước thời điểm thông báo thu hồi đất nên rất khó để thực hiện.

Thống kê sơ bộ của UBND TP. Biên Hòa cho thấy, chỉ tính riêng 3 công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố đã có đến hàng trăm căn nhà xây dựng trên đất người khác không đủ điều kiện bồi thường về đất (sử dụng đất, nhà ở không hợp pháp).

Cụ thể, tại dự án Đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu) có 40 thửa đất đã thông báo thu hồi đất cho 40 hộ gia đình nhưng hiện có đến 141 căn nhà do các cá nhân sử dụng; dự án Đường ven sông Cái (đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản) có 114 thửa đất đã thông báo thu hồi đất cho 114 hộ gia đình nhưng có đến 330 căn nhà trên đất do các cá nhân sử dụng; dự án Xây dựng hạ tầng khu tái định cư Thống Nhất - Tân Mai 1 có 60 thửa đất đã thông báo thu hồi đất cho 60 hộ gia đình, nhưng có đến 185 căn nhà trên đất do các cá nhân sử dụng.

Kiến nghị cơ chế xử lý đất “giấy tay”

Theo UBND TP. Biên Hòa, việc chưa có cơ chế xử lý chính sách bồi thường, hỗ trợ và đặc biệt là giải quyết bố trí tái định cư cho các trường hợp đất “giấy tay” đang ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trên địa bàn thành phố.

Theo ông Huỳnh Tấn Lộc, ngày 11/1/2021, UBND TP. Biên Hòa đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến về việc giải quyết bố trí tái định cư cho các trường hợp đất “giấy tay” tại các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn.

Tuy nhiên, ngày 19/4/2022, Sở Tài chính đã có văn bản không thống nhất với đề xuất của UBND TP. Biên Hòa kiến nghị chính sách hỗ trợ “khác” bằng tiền cho các hộ dân xây dựng nhà trên đất cha, mẹ và đất người khác. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp cùng Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, xử lý. Ngày 27/4/2022, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở TN-MT chủ trì cùng Sở Tư pháp xem xét, tham mưu UBND tỉnh xử lý.

Theo UBND TP. Biên Hòa, các trường hợp đất “giấy tay” phát sinh trên địa bàn TP. Biên Hòa cũng tương tự như các trường hợp đã từng gặp vướng mắc tại dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành. Chính vì vậy, Thành phố cũng rất mong muốn UBND tỉnh sớm cho chủ trương cụ thể để thực hiện chính sách đối với các trường hợp này. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các công trình, dự án trọng điểm.

Theo UBND TP. Biên Hòa, dự án cải tạo, nâng cấp suối Cầu Quan và suối Bà Lúa có thông báo thu hồi đất tổng thể từ ngày 24/6/20210. Tuy nhiên, do không bố trí được nguồn vốn thực hiện công tác bồi thường nên đến năm 2017 mới tổ chức họp dân, công bố thông báo thu hồi đất và lập hồ sơ bồi thường. Do đó, có 30 thửa đất đã thông báo thu hồi đất cho 30 hộ gia đình, cá nhân nhưng hiện phát sinh đến 71 căn nhà xây dựng trên đất người khác sau ngày 24-6-2010 là ngày ban hành thông báo thu hồi đất. Theo quy định, trường hợp xây dựng nhà sau thời điểm thông báo thu hồi đất sẽ không được xét về chính sách bố trí nơi ở nên TP. Biên Hòa đang gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với các trường hợp này.