Chưa có hiện tượng đầu cơ trên thị trường bất động sản Việt Nam

Theo Yên Trung/reatimes.vn

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) - tại phiên thảo luận cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ nhất ngày 15/11 vừa qua.

Thị trường bất động sản Việt Nam hiện rất dồi dào nguồn cung. Nguồn: internet
Thị trường bất động sản Việt Nam hiện rất dồi dào nguồn cung. Nguồn: internet

Theo Chủ tịch Nguyễn Trần Nam, hiện nay thị trường bất động sản Việt Nam có vấn đề đầu cơ. Bởi theo ông Nam, đầu cơ chỉ là khi hàng hoá không đủ, khan hiếm, không có để bán mà có một nhóm đối tượng găm hàng, đẩy giá lên để bán thì mới gọi là đầu cơ.

Còn thị trường bất động sản Việt Nam hiện rất dồi dào nguồn cung, hàng hóa nhiều, không hề thiếu thì chưa thể nói là có hiện tượng đầu cơ trên thị trường. Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 5.000 căn hộ mới được đưa ra thị trường và đang có khoảng 20.000 căn chào bán. Tính cả thị trường Hà Nội và TP.HCM thì con số này sẽ khoảng từ 45.000 - 50.000 căn đang được bán trên thị trường. Trong khi sức tiêu thụ 1 năm chỉ khoảng 30.000 căn ở cả hai thành phố lớn nhất cả nước. Vì thế sẽ vẫn còn đủ hàng hóa để bán. 

“Trong thị trường chứng khoán, người ta mua sáng bán chiều hay là “lướt sóng” thì mình lại gọi đó là nhà đầu tư. Nhưng trong bất động sản, khi có hàng hóa người ta mua, đợi giá lên rồi bán lại thì lại bị gọi là đầu cơ. Điều này không đúng. Hoạt động đó trên thị trường bất động sản là đầu tư”, ông Nam nêu vấn đề. 

Cũng theo ông Nguyễn Trần Nam, ở Việt Nam hiện nay đang sử dụng một số từ ngữ để gọi các chủ thể trên thị trường bất động sản khác xa so với thế giới.

Nếu ở nước ngoài, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng dự án được gọi là “nhà phát triển dự án”, thì ở Việt Nam nhóm này lại được gọi là nhà đầu tư.

Trong khi những người mua nhà rồi đợi giá lên để bán hoặc cho thuê, ở nước ngoài được gọi là “nhà đầu tư”, thì ở Việt Nam nhóm chủ thể này lại được gọi là “nhà đầu cơ”. Những người mua để ở mới gọi là khách hàng.

Ông Nam nhấn mạnh: “Những người mua đi bán lại, là bộ phận lưu thông hàng hóa như đại lý, tổng đại lý, các nhà phân phối giữ vai trò rất quan trọng, là bộ phận không thể thiếu của thị trường lại bị gọi là đầu cơ.

Nhà phát triển mong là làm ra sản phẩm là có người mua. Còn mua để ở hay cho thuê, hay bán lại là chuyện hợp pháp và là một cơ chế của thị trường. Tôi cho rằng phải xem xét lại khái niệm về đầu cơ bất động sản”.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đánh giá, hiện tượng mua đi bán lại là đầu tư, giống như đầu tư cổ phiếu. Càng giao dịch nhiều, càng sôi động, thị trường càng có sinh khí, có sức sống, đem lại lợi ích cho xã hội, cho người dân.

Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Trần Nam về việc phải phân định rõ khái niệm đầu cơ hay đầu tư, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - cho rằng, dù là đầu cơ hay đầu tư thì quan trọng nhất vẫn là nguồn vốn.

Theo ông Hùng, nếu một chủ thể có tiền thì lựa chọn bất động sản hay chứng khoán là quyền quyết định của họ. Nhưng kinh doanh thì phải chấp hành quy định của pháp luật, dù là vay ngân hàng thì cũng phải đảm bảo được quy định thì ngân hàng mới cho vay. 

"Khi có đủ khả năng tài chính thì họ có thể chuyển nhượng, mua bán, đó là quyền của các nhà đầu tư và tôi cho rằng đầu tư vào bất động sản cũng giống như đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh khác. Nếu như dùng từ đầu cơ thì tôi cho rằng chưa ổn lắm. Đó là đầu tư, và đầu tư có lựa chọn hay không là do nhà đầu tư quyết định. Họ phải tự chịu trách nhiệm với kết quả kinh doanh lỗ lãi, cũng như chấp hành quy định của pháp luật", ông Hùng khẳng định.