Dự án nhà ở xã hội đang bị... "bỏ quên"?


Theo các chuyên gia, câu chuyện số lượng các dự án nhà ở xã hội cấp phép mới thấp, ngoài nguyên nhân do dịch COVID-19, nguyên nhân căn bản nhất vẫn là do doanh nghiệp kém mặn mà với loại hình này do thủ tục, vốn vay và lợi nhuận chưa hấp dẫn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nguồn cung nhà ở xã hội trên cả nước mới đáp ứng được hơn 40% nhu cầu, trong khi đó nhu cầu của người lao động có thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp ngày càng lớn.

Số lượng cấp phép mới vẫn thấp

Thông tin mới đây từ Bộ Xây dựng cho biết, trong quý II/2021 cả nước có 3 dự án với hơn 1.700 căn nhà ở xã hội được cấp phép mới tại Đà Nẵng, Thanh Hóa và Lạng Sơn. Bên cạnh đó, tại các tỉnh, thành phố như Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội và Thanh Hóa đang có 94 dự án với 123.085 căn đang được triển khai.

Ngoài ra còn có 2 dự án với 264 căn đang hoàn thành tại Phú Thọ và Long An; 5 dự án với 1.855 căn hộ tại Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên và An Giang được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Về giá, hầu hết dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại các thành phố trọng điểm được đầu tư xây dựng diện tích căn hộ từ 50-70m2, với mức giá bán dưới 20 triệu/m2.

Đơn cử như, tại TP. Hà Nội, nhà ở xã hội IEC Thanh Trì có giá bán 15,8 triệu đồng/m2, Ecohome tại Bắc Cổ Nhuế - Chèm có giá bán 16 triệu đồng/m2. Trong khi dự án nhà ở xã hội CT4 Kim Chung, Đông Anh có giá bán 13,5 triệu đồng/m2.

Tại TP. Hồ Chí Minh, một số ít dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có mức giá bán bình quân từ 13-25 triệu đồng/m2 như dự án nhà ở xã hội An Phú Tây có giá bán 13 triệu đồng/m2, dự án Phú Thọ DMC đường Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10 giá bán 25 triệu đồng/m2.

Tại TP. Đà Nẵng, một số ít dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với mức giá bán bình quân từ 7,2-12,7 triệu đồng/m2, giá cho thuê (đã bao gồm chi phí bảo trì) dao động từ 48.000-63.000 đồng/m2/tháng, như dự án nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh giá bán khoảng 9,4 triệu đồng/m2, giá cho thuê khoảng 48.000 đồng/m2.

Còn tại TP. Hải Phòng, khu chung cư 3 tầng từ lô L18 đến lô L24 thuộc dự án Khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại xã An Đồng, huyện An Dương, tầng 1 có giá bán khoảng 10,6 triệu đồng/m2, giá cho thuê (không thuế VAT) khoảng 73.000 đồng/m2/tháng, tầng 3 (diện tích căn hộ 63,4m2) có giá bán khoảng 8 triệu đồng/m2, giá cho thuê (không thuế VAT) khoảng 55.000 đồng/m2/tháng.

Trong khi đó, cũng theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trên cả nước quý II/2021 có 69 dự án nhà ở thương mại với 27.462 căn được cấp phép. Số liệu này cho thấy, các dự án nhà ở xã hội cấp phép mới chưa tạo được cân đối với nhà ở thương mại và dường như đang bị “bỏ quên”.

Chưa khuyến khích được DN

Đại diện CTCP địa ốc Trường Phát cho rằng, nhà ở xã hội được Nhà nước khuyến khích phát triển, nhưng hiện tại, khi triển khai đầu tư xây dựng thì lại không còn gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng nữa. Đối với các doanh nghiệp, sứ mệnh của họ vẫn là lợi nhuận. Khi đầu tư một dự án mà bị ràng buộc bởi nhiều quy định, trong khi lại không chủ động được công tác triển khai, khai thác, nên họ "ngại" làm là điều dễ hiểu.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhiều dự án nhà ở thương mại có quy mô trên 10 ha, thậm chí lớn hơn nhưng không dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong khu vực dự án mà hoán đổi quỹ nhà ở dự án khác hoặc được quy đổi bằng tiền.

"Họ sử dụng quỹ đất này để kinh doanh nhà ở thương mại và hưởng lợi lớn. Các dự án nhỏ hơn cũng chọn cách nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ dự án, nhưng số tiền này “hòa” vào thu ngân sách mà không tách riêng ra để làm nhà ở xã hội", ông Châu nói.

Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/4/2021 quy định, đối với quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên tại đô thị đặc biệt và loại I hoặc từ 5 ha trở lên tại đô thị loại II và III, phải dành 20% diện tích đất ở trong đồ án quy hoạch chi tiết để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Trường hợp dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 2 ha tại đô thị đặc biệt và loại I hoặc nhỏ hơn 5 ha tại đô thị loại II và III thì chủ đầu tư không phải dành 20% quỹ đất và có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ dự án theo quy định.

Tại các đô thị loại IV và loại V, UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương về nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn, nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị được phê duyệt hoặc chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở để yêu cầu chủ đầu tư dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng sẽ “siết” quy định, buộc chủ đầu tư phải dành 20% quỹ đất này xây nhà ở xã hội thay vì quy đổi bằng tiền.

Theo một số doanh nghiệp đã thực hiện dự án nhà ở xã hội, nếu Chính phủ có thêm gói vay ưu đãi như gói 30.000 tỷ đồng trước đây sẽ thu hút được nhà đầu tư. Nhà ở xã hội phát triển, nhiều người thu nhập thấp có thể mua nhà sẽ giảm được tình trạng lén lút mua bán đất giấy viết tay, phân lô, bán nền đất nông nghiệp và xây dựng trái phép ở những địa phương có dân số cơ học tăng nhanh.