Nhà ở xã hội: Mới đạt 30% so với mục tiêu đề ra

Theo Phương Anh/baodansinh.vn

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, đến thời điểm này, việc phát triển nhà ở xã hội mới chỉ đạt khoảng 30% so với mục tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Báo cáo của các địa phương cho thấy, có 206 nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích trên 8,4 triệu m2 đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, đến thời điểm này, việc phát triển nhà ở xã hội mới chỉ đạt khoảng 30%. Nguồn: internet
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, đến thời điểm này, việc phát triển nhà ở xã hội mới chỉ đạt khoảng 30%. Nguồn: internet

Theo Bộ Xây dựng,  tại các đô thị có lượng lao động trẻ, dân nhập cư lớn như TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu nhà ở với giá phù hợp như nhà xã hội rất lớn nhưng cung thiếu hoặc có nhưng quá xa trung tâm, đi lại khó khăn nên chưa tạo sức hút. Chỉ riêng TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 2 triệu lao động ở trọ nên nhu cầu mua nhà, thuê nhà với giá vừa phải là rất lớn, chủ yếu là người trẻ, khả năng tài chính có hạn, nên sản phẩm với giá bán từ 350 - 600 triệu đồng/căn luôn đảm bảo tính thanh khoản với điều kiện hạ tầng kết nối với khu vực chung quanh tương đối hoàn thiện. Tuy nhu cầu lớn nhưng hiện nay nhiều chủ đầu tư không mấy mặn mà với phân khúc này.

Bên cạnh đó, chính quyền tại một số địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội. Chủ đầu tư cũng chưa chủ động đầu tư xây dựng loại nhà ở có diện tích nhỏ, giá thấp. Cơ cấu nguồn cung căn hộ nhà ở bị mất cân đối, các hộ nghèo, thu nhập thấp không đủ khả năng và điều kiện để cải thiện chỗ ở. Cùng với đó, một nguyên nhân của việc chậm trễ này do vốn ngân sách bố trí cho nhà ở xã hội đang bị tắc. Chính những khó khăn về nguồn vốn, mà cụ thể là tín dụng ưu đãi dành cho chủ đầu tư lẫn người mua nhà, đã khiến nhiều người không mấy mặn mà với phân khúc nhà ở xã hội.

Ngân sách mà Ngân hàng Chính sách xã hội chi giai đoạn 2018 - 2020 là 1.262 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 13% so với nhu cầu. Riêng năm nay, Ngân hàng chỉ được giao 500 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa được giải ngân. Nguồn vốn này chỉ cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu về nhà ở, chủ đầu tư dự án không được vay. Nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện nhà ở xã hội thì đến nay vẫn chưa được bố trí. Chính khó khăn về nguồn vốn đã tác động rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư.

 Theo đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, trái ngược với tình hình trước năm 2013, nhiều doanh nghiệp kiến nghị được tham gia xây dựng căn hộ nhà ở xã hội để hưởng các chính sách ưu đãi từ nhà nước cũng như đón đầu nhu cầu khá lớn từ phân khúc này, thì nay không ít dự án xin "chuyển ngược" sang nhà ở thương mại. Không chỉ tại Hà Nội mà nhiều dự án nhà ở xã hội tại TP. Hồ Chí Minh lâm vào cảnh thiếu vốn, xây dựng đình trệ.

Thực tế cho thấy, có doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh triển khai hàng chục dự án nhà ở xã hội trên cả nước nhưng khi gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỉ đồng bị dừng lại đã đồng loạt phải giãn tiến độ xây dựng. Thậm chí, có một số dự án chủ đầu tư đã chậm bàn giao căn hộ trong thời gian rất dài so với cam kết do doanh nghiệp thiếu tiền xây dựng.

 Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, để giải cứu việc thiếu vốn, Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Thủ tướng cho bổ sung thêm 3.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án nhà ở xã hội đến năm 2020 nhằm “giải cứu” 206 dự án thiếu vốn. Bố trí vốn ngân sách cho tín dụng nhà ở xã hội (NƠXH) là vấn đề cấp thiết để tháo gỡ vướng mắc phát triển nhà ở cho đối tượng chính sách và an sinh.

Đại diện Bộ Xây dựng cho hay, để đảm bảo mục tiêu phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020, đến năm 2020 phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội cho các đối tượng có thu nhập thấp và công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Đồng thời, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội 3.000 tỉ đồng để thực hiện cho đến năm 2020. Bên cạnh đó, cấp cho các tổ chức tín dụng để bù lãi suất cho vay trong năm 2018 là 3.431 tỉ đồng. Như vậy, số vốn cần có lên đến hơn 6.000 tỉ đồng.