Xây dựng đô thị vệ tinh để giãn dân nội đô Hà Nội: Cả 5 đô thị vệ tinh gần như bất động
Theo đồ án quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh kết nối với trung tâm. Đến nay, dù hệ thống giao thông hướng tâm và vành đai đã hình thành nhưng hầu hết phân khu đô thị vẫn trong tình trạng bất động, trong khi nội đô Hà Nội đang lâm vào quá tải và ô nhiễm không khí nặng nề.
Theo các kiến trúc sư, điều này đã được cảnh báo trong quy hoạch chung 2008, thể hiện ở nội dung giãn quy mô dân số và cấm xây siêu cao tầng ở trung tâm, nhưng thực tế đang diễn ra ngược lại.
Phải chăng mục tiêu giãn dân ở nội đô ra các đô thị vệ tinh đã phá sản?
Mục tiêu đã phá sản?
Đô thị vệ tinh Hòa Lạc nằm phía Tây Hà Nội, diện tích phần lớn trên huyện Thạch Thất, được quy hoạch có chức năng chính về khoa học công nghệ và đào tạo, trọng tâm là Đại học Quốc gia Hà Nội và khu công nghệ cao. Sau 10 năm, đây là khu vực hiếm hoi trong số các khu đô thị có sự chuyển động. Hòa Lạc hiện có một số tòa nhà của các tập đoàn công nghệ, trường đại học, nhưng các tòa nhà mới chỉ lấp đầy khoảng 20% diện tích quy hoạch.
Ở phía Bắc, đô thị Sóc Sơn được kỳ vọng sẽ phát triển công nghiệp, dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, khai thác tiềm năng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cùng cảnh quan núi Sóc, chân núi Tam Đảo. Tuy nhiên, trung tâm huyện Sóc Sơn đến nay chưa có dấu hiệu hình thành một trục đô thị sầm uất.
Còn đô thị Xuân Mai ở phía Tây Nam Hà Nội, được kỳ vọng là khu dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề; phát triển các khu tiểu thủ công nghiệp... Tuy nhiên dấu hiệu chuyển động 10 năm qua tại đô thị Xuân Mai là rất nhỏ. Khu đô thị Phú Xuyên, nằm sát trục cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ nhiều năm qua chỉ dừng lại ở việc xây dựng một ngôi nhà điều hành và thành bến bãi của các loại xe tải chở hàng, nơi tập kết vật liệu.
Nhận xét về việc các đô thị vệ tinh, sau 10 năm quy hoạch vẫn đìu hiu, PGS-TS Nguyễn Hồng Thục - Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư - cho rằng, khi xây dựng quy hoạch vùng Hà Nội, mục tiêu quan trọng khi quy hoạch các đô thị vệ tinh là giãn dân nội đô sang các đô thị này. “Tuy nhiên, đến nay ai cũng thấy, nội đô Hà Nội đang lâm vào quá tải và ô nhiễm không khí nặng nề. Điều này đã được cảnh báo trong quy hoạch chung 2008, thể hiện ở nội dung giãn quy mô dân số và cấm xây siêu cao tầng ở trung tâm. Nhưng thực tế đang diễn ra ngược lại” - PGS. Nguyễn Hồng Thục nói.
Triển khai lúng túng, cần có cơ quan chỉ đạo đặc thù
Trao đổi với PV Lao Động, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội - cho rằng, từ quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, việc triển khai thành các quy hoạch chi tiết của Hà Nội còn lúng túng, vì vậy không thu hút được đầu tư, cũng không thực hiện được mục đích giãn dân nội đô. “Hiện nay, tại vùng được quy hoạch các đô thị vệ tinh mới có hơn 400.000 dân. Nếu hoàn tất được các chức năng của đô thị như đã đặt ra thì chúng ta sẽ giải quyết được 1,4 triệu dân cho nội thành Hà Nội” - ông Nghiêm nói.
Để giải quyết bài toán giãn dân ra nội đô, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, nên có một cơ quan chỉ đạo đặc thù ở các đô thị vệ tinh đã được xác định ranh giới để thực hiện đồng bộ quy hoạch ngay từ bước đi đầu tiên, không nên để đô thị vệ tinh trực thuộc các huyện. Bên cạnh đó, cần công bố rộng rãi các đô thị vệ tinh để tạo sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
“Phải có mục tiêu rõ ràng, khu vực này để làm gì? Ví dụ như chúng ta đang kêu gọi ẩm thực, nông nghiệp sạch, đang mắc ở khâu chế biến, nhưng chế biến ở đâu? Không phải là chế biến nhỏ lẻ ở từng xã ngoại thành nữa, mà chúng ta sẽ tập trung tại đô thị vệ tinh Phú Xuyên. Hoặc là di dời các trường Đại học đi đâu, Sóc Sơn chúng ta có một khu, Xuân Mai chúng ta dành một khu, chưa kể khu Đại học Quốc gia cần điều chỉnh” - Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nêu dẫn chứng.
Hàng loạt siêu đô thị, nhà cao tầng mọc lên tại các quận nội thành
Trên thực tế, vài năm trở lại đây, việc hút dân cư tại Hà Nội thường nằm ở trục đường lớn, đường vành đai chạy xuyên tâm nội đô Hà Nội. Với đường vành đai 3 qua các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Nguyễn Xiển đã thấy rõ điều đó.
Cụ thể, dự án The Manor Central Park trên đường Nguyễn Xiển rộng tới 90ha, xây dựng 1.066 căn nhà thấp tầng, 18 toà cao ốc căn hộ, trường học, trung tâm thương mại... Còn với đường Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng Hai, tập đoàn nước ngoài là Ciputra và Daewoo E&C đã chiếm hai mảnh đất đẹp nhất nhìn ra Hồ Tây để xây dựng hai khu đô thị lớn, hiện đại là Ciputra (230ha) và Tây Hồ Tây (207ha). Phía cuối đường Vành đai III, một tập đoàn nước ngoài khác là Gamuda cũng đã giành quyền phát triển dự án nhà ở Garmuda City với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 5 tỉ USD. T.C