Thiếu vốn trung dài hạn, ngân hàng tăng lãi suất huy động

Theo Hoàng Hà/thoibaokinhdoanh.vn

Kể từ sau động thái siết vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), một số ngân hàng thương mại cổ phần đã rục rịch điều chỉnh tăng lãi suất huy động cho kỳ hạn dài.

 Một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi ở một số kỳ hạn dàitừ 12 tháng trở lên phổ biến từ 0,1-0,3 điểm phần trăm. Nguồn: Internet
Một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi ở một số kỳ hạn dàitừ 12 tháng trở lên phổ biến từ 0,1-0,3 điểm phần trăm. Nguồn: Internet

Theo đánh giá của giới phân tích tài chính, điều này cho thấy các ngân hàng đang tìm lời giải cho bài toán hút vốn dài hạn.

Tại Thông tư số 16/2018/TT-NHNN vừa được NHNN ban hành quy định, trong năm 2018, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 45%; Tổ chức tín dụng (TCTD) phi ngân hàng là 90%.

Chuyển động mặt bằng lãi suất

Còn từ ngày 1/1/2019, tỷ lệ áp dụng với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm xuống còn 40%; áp dụng với TCTD phi ngân hàng vẫn giữ ở mức 90%.

Quy định này nhằm siết việc tín dụng vào các lĩnh vực cần nguồn vốn dài hạn, bởi thời gian qua, các ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay ở những lĩnh vực có nhu cầu vốn dài hạn cao như bất động sản, BOT, BT…

Động thái này của NHNN đã có tác động đến mặt bằng lãi suất huy động. Mới đây, một loạt ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi ở một số kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, mức tăng phổ biến 0,1-0,3 điểm phần trăm.

Cụ thể, từ ngày 6/8, Techcombank đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động ở kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng thêm 0,1 điểm phần trăm lên mức 6,5%/ năm. Khách hàng sẽ được hưởng lãi suất lên đến 6,8%/năm nếu gửi tiết kiệm online.

Trong khi đó, cùng một kỳ hạn là 18 tháng nhưng ACB áp dụng mức lãi suất khác nhau cho các mức tiền gửi khác nhau: dưới 200 triệu đồng hưởng lãi suất 6,9%/năm; 200 triệu – 1 tỷ đồng là 7%/năm; 1 – 5 tỷ đồng là 7,1%/năm; 5 – 10 tỷ đồng là 7,15%/ năm; trên 10 tỷ đồng là 7,2%/năm. Trước đó, mức lãi suất ACB áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng là 6,9%/năm.

MB cũng vừa điều chỉnh lãi suất tiền gửi cho kỳ hạn 24 tháng là 7,5%/năm. VPBank cũng tăng lãi suất huy động cho các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng thêm 0,2 điểm phần trăm lên mức 7,2-7,4%/ năm. Còn Eximbank áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng cao nhất hiện nay là 8%/năm.

Trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần rục rịch tăng lãi suất huy động từ giữa tháng 7 đến nay thì 3 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là VietinBank, Vietcombank và BIDV vẫn giữ nguyên mức lãi suất huy động từ hồi tháng 5.

Thời điểm đó, 3 “ông lớn” này điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở một số kỳ hạn ngắn 3 và 6 tháng, với mức giảm 0,2%/năm. Sau khi điều chỉnh, lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 4,1% và 3 tháng còn 4,6%/năm, kỳ hạn 6 tháng còn 5,1%/năm.

Hiện tại, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại Vietcombank là 6,4%/năm, BIDV là 6,65 và VietinBank kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 18 tháng là 6,6%/năm.

Chủ động cơ cấu lại vốn

Không chỉ tăng lãi suất huy động cá nhân, dữ liệu thống kê từ SSI Retail Research cho thấy, lãi suất liên ngân hàng đồng loạt tăng trở lại bơm ròng 14.400 tỷ đồng.

Cụ thể, đến ngày 10/8, lãi suất qua đêm tăng 2,28 điểm phần trăm lên 4,42%. Lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tuần đều tăng gấp 1,9 lần và 1,7 lần thời điểm một tuần trước đó. Chênh lệch giữa lãi suất kỳ hạn qua đêm và 3 tháng đã thu hẹp đáng kể xuống còn 27 điểm cơ bản, từ mức 278 điểm cơ bản so với ngày 1/8.

Trên thực tế, ngay từ đầu năm 2017, nhiều ngân hàng đã chủ động cơ cấu lại hoạt động theo hướng giảm dần tỷ trọng cho vay trung, dài hạn, nên hệ số này của toàn hệ thống đã được cải thiện đáng kể so với các năm trước đó.

Số liệu của Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, tính đến ngày 31/12/2017, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống giảm nhẹ, ước khoảng 31,2% (cuối năm 2016 là 34,5%).

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, hiện nay, một số ngân hàng thương mại đang đứng trước áp lực cân đối lại kỳ hạn huy động và cho vay để giảm thiểu nguy cơ rủi ro, đồng thời cũng đảm bảo lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của NHNN.

Vì vậy, với những ngân hàng có hệ số thấp phải tìm giải pháp để tăng vốn trung và dài hạn bằng cách tăng lãi suất huy động, tăng lãi suất chứng chỉ tiền gửi, tăng lãi suất trái phiếu.

Để hút vốn dài hạn, các ngân hàng thường chọn cách tăng lãi suất. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, giải pháp này có thể dễ dàng hút vốn trung và dài hạn hơn, nhưng mặt trái sẽ đẩy lãi suất lên, ảnh hưởng đến lãi suất cho vay, tác động đến các doanh nghiệp. Hơn nữa, chủ trương của Chính phủ và NHNN là muốn ngành ngân hàng phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay.