Thoái vốn là thực hiện theo đúng luật và Nghị quyết Đại hội Đảng
Đó là ý kiến của TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề thoái vốn theo tư duy thị trường, chấp nhận bán vốn để hỗ trợ nền kinh tế và tạo ra thị trường vốn trên thị trường chứng khoán.
Mới đây Chính phủ có chủ trương thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn. Quan điểm của ông về vấn đề này?
TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Việc thoái vốn là thực hiện theo đúng luật và Nghị quyết Đại hội Đảng đã có 12 năm nay, cùng quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư vốn sản xuất kinh doanh tại DN. Trong luật chỉ quy định 4 ngành, lĩnh vực có 100% vốn Nhà nước, còn lại phải tiến hành bán vốn đi. Vấn đề là nghị quyết đã có, luật đã có thì phải bán vốn theo chủ trương thôi.
Vấn đề của ta từ trước đến nay là không tổ chức thực hiện mà cứ ngồi run, không làm, cho nên đất nước mới như thế, mới chỉ còn 45.000 tỷ đồng ngân sách.
Việc thoái vốn chậm như vậy liệu có phải Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chưa thực sự phát huy được vai trò của mình?
SCIC chỉ là một đầu mối trong quản lý vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, chứ SCIC không quản lý hết toàn bộ vốn của nhà nước. Đã có Nghị định về chức năng, nhiệm vụ của SCIC, hoạt động theo nghị định của Chính phủ về quản lý vốn. SCIC cũng đã thực hiện nhiệm vụ thoái vốn của Nhà nước, bán vốn của nhà nước tại các DN đã cổ phần hóa. Như trong năm 2015 đơn vị này đã bán vốn được gấp 1,45 lần so với mệnh giá.
Tuy nhiên, yêu cầu của chúng ta đặt ra với SCIC là gì? Trong những việc thoái vốn tại các doanh nghiệp thì đơn vị này phải công khai minh bạch để không có lợi ích nhóm, không có tham nhũng xảy ra trong chuyện này.
Sau rất nhiều năm chậm trẽ trong việc thoái vốn, vậy đây có là thơi điểm thích hợp để việc thoái vốn tại 10 doanh nghiệp này được thuận lợi không, thưa ông?
Thoái vốn có được như kỳ vọng hay không là do thị trường quyết định. Giá thị trường là do cung cầu quyết định, nên nếu nói rằng bán doanhn nghiệp này của tôi thì phải được cái giá như bằng này, đó là duy ý chí, định giá ra thị trường. Vì chúng ta có tư duy như thế nên quá trình thoái vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp không thực hiện được trong thời gian qua.
Có ý kiến cho rằng việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nếu không tính toán kỹ lưỡng sẽ làm mất vốn nhà nước. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Nếu có suy nghĩ như vậy thì cần phải đặt lại vấn đề, là việc thoái vốn này có hỗ trợ cho nền kinh tế hay không, có tạo ra một thị trường vốn ở trên thị trường chứng khoán hay không? Bao năm nay ta nói thị trường chứng khoán èo uột, chỉ loanh quanh ở mức 600 điểm là vì không có mặt hàng tốt để bán ra thị trường.
Hiện thị trường chứng khoán chỉ loanh quanh khoảng 600 điểm, không đạt được kỳ vọng của nhà đầu tư và người quản lý. Thị trường này cần phải tạo cỡ trên 800 điểm thì mới tạo nên được thanh khoản tốt, đảm bảo được kỳ vọng của nhà đầu tư có những cổ phiếu sinh lời tốt.
Giờ có hàng tốt để bán ra, chúng ta lại lo ngại không khéo có tham nhũng, thất thoát vốn. Tư duy như thế là tư duy của người mất rìu nhưng lại nhìn sang hàng xóm, nghĩ rằng đó là người ăn cắp rìu, nhưng khi tìm được rìu thì quay sang nhìn hàng xóm với ánh mắt bình thường trở lại. Nếu nhìn theo tư duy kế hoạch hóa thì sẽ không làm được. Đã ra thị trường thì sẽ phải theo thị trường.
Vậy theo ông kiểm soát việc thoái vốn như thế nào để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước?
Vấn đề là phải quan sát người ta xem thực hiện việc bán đó có công khai, minh bạch hay không, có kiểm soát được quá trình đó hay không. Còn giá bán, khi đã đưa ra trên thị trường, trên sàn chứng khoán rồi thì phải chấp nhận.
Tôi cho rằng vấn đề quan trọng khi đã bán vốn, làm theo quy trình công khai minh bạch, thì cần làm rõ quá trình ấy cơ quan nào là cơ quan có trách nhiệm kiểm soát việc bán vốn.