Thời của những "ngân hàng thách thức"

Theo Khởi Thức/doanhnhansaigon.vn

Greg Stevenson đang tìm cách thế chấp căn nhà 4 phòng ngủ của anh ở miền Đông nước Anh khi mọi sự đều không như ý muốn. Ngân hàng TSB - nơi Greg thực hiện các giao dịch, khi nỗ lực chuyển đổi dữ liệu vào hệ thống máy tính mới đã gặp lỗi nghiêm trọng. Nhiều ngày liền, Greg không thể kết nối vào tài khoản của mình, không thể chuyển tiền hoặc tiếp cận bất kỳ ai ở ngân hàng để nhờ giúp đỡ.

 Các ngân hàng chỉ dựa trên app còn được gọi là "ngân hàng thách thức" do chúng thách thức những ngân hàng truyền thống. Ảnh: TL
Các ngân hàng chỉ dựa trên app còn được gọi là "ngân hàng thách thức" do chúng thách thức những ngân hàng truyền thống. Ảnh: TL

Hệ thống bị treo hồi tháng 4, ảnh hưởng đến gần 2 triệu khách hàng của TSB, là mức chịu đựng cuối cùng của Greg. Anh chuyển tiền cho Monzo, một trong số startup thực hiện các dịch vụ ngân hàng vốn đang nở rộ tại châu Âu. Tất cả các thao tác liên quan đều được thực hiện qua một ứng dụng (app), không có chi nhánh hiện hữu.

Các công ty tài chính công nghệ (fintech) như thế đã được đưa vào những ngân hàng lớn nhất thế giới nhiều năm qua, nhưng chỉ gần đây mới có những công ty như Monzo bắt đầu sở hữu được một lượng khách hàng quan trọng. Hàng triệu khách hàng ở châu Âu, hầu hết trong độ tuổi 20 hoặc 30 đã đăng ký thành viên hơn hai năm qua. Nhờ các quy định thuận lợi và các dòng vốn đầu tư mạo hiểm, sự chuyển đổi đã diễn ra nhanh hơn.

Ở Anh, các quan chức đã phải lo lắng về sức mạnh của các ngân hàng lớn trong lúc diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và họ nhận thấy các startup đã làm suy yếu các tổ chức cho vay truyền thống. Các cơ quan chức năng đồng ý cho thử nghiệm các sản phẩm tài chính mới. Trong khi đó, ở Mỹ, tiến độ có vẻ chậm hơn, các bang không muốn ngừng giám sát và các startup tài chính Mỹ phải thiết lập quan hệ đối tác với các ngân hàng truyền thống để ký thác tiền gửi.

Sự hỗ trợ từ các nhà quản lý ở châu Âu đã tạo đà cho không ít công ty bước vào thị trường đó. Ngoài việc phải làm các app, các công ty đã cắt giảm chi phí cho việc chi tiêu ở nước ngoài và chuyển tiền điện tử. Năm ngoái, Monzo trở thành một trong những "ngân hàng thách thức" đầu tiên nhận được giấy phép giữ tiền gửi của khách hàng, một cột mốc mà không startup nào ở Mỹ đạt được. "Nước Anh rất tiến bộ trong tư duy", Tom Blomfield - đồng sáng lập và CEO của Monzo nhìn nhận.

Công nghệ ngày càng định hình lại nhiều ngành. Người tiêu dùng và các doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ thanh toán mới và các nhà cho vay trực tuyến, các quỹ dự phòng đang ngày càng dựa vào các thuật toán phức tạp để phát triển những sản phẩm mới. Khách hàng trong tương lai không cần các chi nhánh khi họ có thể nhắn tin cho một đại diện dịch vụ khách hàng. Giao dịch không cần đến không gian bán lẻ và nhân viên khiến chi phí giảm, giúp công ty giảm phí và thuê lập trình viên. Internet giúp điều hành các doanh nghiệp truyền thống với chi phí thấp.

Monzo khởi nghiệp bằng quỹ đại chúng và vẫn còn là con cá nhỏ so với các ngân hàng khổng lồ của ngành tài chính tại Anh, nhưng khách hàng, đặc biệt là những người trẻ và giàu có, đã chọn họ. Khoảng 75% trong số 900.000 khách hàng của Monzo dưới 40 tuổi, chia đều giữa nam và nữ.

Bình quân họ thu nhập khoảng 65.000 USD/năm, gần gấp đôi lương của người Anh trung lưu, và Monzo đang có hơn 2.000 khách hàng mới mỗi ngày. Revolut, một ngân hàng startup khác, có hơn 2,75 triệu khách hàng khắp châu Âu, và mỗi ngày có thêm 7.000 thân chủ. Sau khi huy động được 250 triệu USD hồi tháng 4, ngân hàng này đang có ý định cung cấp dịch vụ ở Mỹ.