Thời của startup công nghệ


Nhiều startup hiện tại đang triệt để ứng dụng công nghệ để phát triển kinh doanh. Dù hoạt động trong mảng y tế, nông nghiệp, giặt sấy... điểm chung của những startup này là đều định hình doanh nghiệp trên nền tảng công nghệ, xây dựng ứng dụng để kết nối khách hàng trong bối cảnh mới.

 Mô hình công nghệ giặt ủi của WashOn được xem là khác biệt lớn so với thị trường giặt ủi truyền thống. Ảnh: Đ.K
Mô hình công nghệ giặt ủi của WashOn được xem là khác biệt lớn so với thị trường giặt ủi truyền thống. Ảnh: Đ.K

Những startup công nghệ tiềm năng

Mới đây, VinaCapital Ventures, quỹ đầu tư công nghệ của tập đoàn VinaCapital, thông báo vừa đầu tư 1 triệu USD (khoảng 24 tỷ đồng) vào Koina, một nền tảng công nghệ nông nghiệp từ nông trại đến doanh nghiệp dựa trên dữ liệu, được thành lập tại Việt Nam. Khoản đầu tư của VinaCapital Ventures là một phần của vòng gọi vốn hạt giống (Seed) của Koina.

Thông tin VinaCapital Ventures "rót" vốn vào nền tảng startup công nghệ Koina cho thấy tiềm năng của các startup công nghệ mới ở Việt Nam. Koina là ứng dụng nông nghiệp, được thành lập năm 2021 với mục đích hỗ trợ nông dân vay vốn, cung cấp giá cả minh bạch và hợp lý, hướng dẫn nông dân các quy trình thực hành nông nghiệp tốt nhất từ trồng trọt, thu hoạch đến cung cấp trái cây, rau quả tươi từ các trang trại đến các nhà bán lẻ với chất lượng cao nhất và giá cả cạnh tranh...

Trả lời báo chí, ông Thi Nguyễn, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT của Koina, cho biết khoản đầu tư mới từ VinaCapital Ventures sẽ giúp Koina mở rộng kênh bán hàng, qua đó tăng sản lượng bao tiêu cho nông dân. Công ty cũng tăng cường đầu tư cho công nghệ nhằm kiểm soát chất lượng và gia tăng giá trị cho nông sản Việt.

Trước Koina 2 năm, Medigo, ứng dụng y tế được phát triển bởi startup Medigo Software cũng đã gọi thành công 1 triệu USD từ quỹ Touchstone Partners. Medigo được biết đến như một ứng dụng chăm sóc sức khỏe trên nền tảng di động vào lĩnh vực y khoa, thành lập từ năm 2019.

Trả lời Nhadautu.vn về câu chuyện ứng dụng công nghệ để phát triển kinh doanh, ông Lê Hữu Hà, sáng lập Medigo cho biết: "Thời đại công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ, hầu hết các ngành đã và đang chuyển đổi số vào trong hoạt động kinh doanh, đây được xem là xu hướng thời đại.

Sau đại dịch Covid và sự phát triển mạnh mẽ của ngành dược, đồng thời nhu cầu chữa bệnh, được chăm sóc sức khỏe theo hướng cá nhân hóa nên việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong ngành dược chính là mục tiêu mà các đơn vị, tổ chức hướng đến. Đây chính là giải pháp mà rất nhiều khách hàng mong muốn nhằm phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe từ xa".

Còn bà Ngô Thùy Ngọc Tú, đồng sáng lập quỹ Touchstone Partners đánh giá, khoản đầu tư 1 triệu USD vào Medigo khẳng định chiến lược đầu tư vào những giá trị lâu dài mà quỹ đang theo đuổi.

"Trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu diễn biến phức tạp, những giải pháp Medigo là nền tảng bền vững để người Việt Nam hướng tới những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiên tiến ở mức chi phí hợp lý", bà Tú cho biết.

Ở quy mô khiêm tốn hơn, các startup hoạt động trong lĩnh vực giặt sấy như Heramo, WashOn… dù chưa nhận được khoản đầu tư chính thức từ các quỹ, song vẫn đang nỗ lực hoàn thiện quy trình công nghệ, kết nối khách hàng, tối ưu chi phí và rút ngắn thời gian giặt.

Đơn cử như WashOn, startup giặt sấy thuộc sở hữu của Công ty TNHH Dân Thái đang trong quá trình hoàn thiện ứng dụng trên điện thoại để chuẩn bị cho bước gọi vốn đầu tiên (dự kiến trong năm 2024).

Điểm khác biệt giữa mô hình này và các tiệm giặt truyền thống là WashOn tích hợp hệ thống tracking (theo dõi) đơn hàng từ lúc nhận đồ đến lúc trả đồ đến tay khách hàng.

"Trong hệ thống này, mỗi công đang đều được phân công và giám sát rõ ràng. WashOn tích hợp hệ thống thông báo tin nhắn tự động dịch vụ đã hoàn thành, để thuận tiện cho khách hàng sắp xếp thời gian lẫn hình thức nhận đồ.

Chúng tôi cũng ưu tiên việc thanh toán bằng hình thức chuyển khoản thông qua ngân hàng hoặc các ví điện tử. Đặc biệt, WashOn có tích hợp dịch vụ quẹt và thanh toán bằng thẻ tín dụng", ông Phạm Xuân Hồng, Đồng Sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của strtup thành lập từ 2021 nói với Nhadautu.vn.

Theo ông Hồng, WashOn đang trong quá trình hoàn thiện ứng dụng di động (app) để kết nối khách hàng và tối ưu hóa việc giặt sấy. Ứng dụng dự kiến sẽ được ra đời vào năm 2024 khi đã thu hút được lượng khách hàng ổn định.

Chuyển đổi số là phương tiện, cũng là mục tiêu

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia khi nói về câu chuyện startup ứng dụng công nghệ để phát triển kinh doanh.

Trả lời Nhadautu.vn, kỹ sư lập trình công nghệ Nguyễn Cao Thống cho biết, việc ứng dụng công nghệ phát triển kinh doanh được xem là xu hướng của nhiều startup hiện tại.

"Không đơn thuần là chuyển đổi số cơ bản mà họ thực sự đã tạo nên một làn sóng phát triển trên nền tảng công nghệ. Đây là xu thế thời đại. Bởi, phân khúc khách hàng trụ cột là gen Z và gen Alpha được xem là thế hệ lớn lên với công nghệ, gắn bó với công nghệ. Thế hệ lãnh đạo, chủ doanh nghiệp mới cũng rất nhiều người thuộc thế hệ này", ông Thống đánh giá và phân tích thêm, cách vận hành doanh nghiệp truyền thống đã bộc lộ sự lạc hậu, đội vốn và chi phí lên cao, trong khi đầu ra cho sản phẩm không có.

Về thách thức, có 3 yếu tố là rào cản lớn nhất trong chuyển đổi số, quyết tâm của lãnh đạo tổ chức; chi phí, thời gian, nguồn lực; cách thức chuyển đổi số như thế nào thì phù hợp với tổ chức. Bảo mật thông tin là thách thức thứ 4 cho cộng đồng doanh nghiệp. Vượt qua được 4 thách thức này, startup được xem là thành công.

"Điểm chung của các startup trẻ là gì? Họ sống cùng công nghệ nên quá hiểu công nghệ. Thị trường hiện tại có nhiều khó khăn và việc xây dựng công ty theo mô hình kinh doanh công nghệ được xem là phương tiện thích nghi, nhưng xa hơn, nếu vượt qua được giai đoạn này, doanh nghiệp có thể phát triển thành kỳ lân tiếp theo. Và ngược lại cũng có nhiều kỳ lân lỗ nặng đó thôi. Công nghệ đòi hỏi tiềm lực tài chính khá cao", ông Thống phân tích.

Theo các chuyên gia,trụ cột của thị trường tiêu dùng hiện tại là Gen Y (1981 – 1995) và Gen Z (1996 – 2014). Ngoài ra còn là gen Alpha (sinh sau 2014).

Nếu như Gen Y phần nào đã trải qua những khó khăn từ cuộc khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008 – 2010, thì gen Z, thế hệ sinh ra và lớn lên cùng công nghệ sẽ lần đầu đối mặt với cuộc khủng hoảng.

Theo Forbes, khía cạnh trải nghiệm của thế hệ trẻ đang thay đổi. Khảo sát Gen Z và Millennial (Gen Y) năm 2022 của Deloitte cho thấy mối lo lớn nhất là nển tảng tài chính bấp bênh của họ trong thế giới ngày càng đắt đỏ. Vai trò của thế hệ mới vừa là người tiêu dùng vừa tham gia vào nắm bắt tiềm năng chuyển đổi số là phát triển hệ sinh thái công nghệ và đào tạo kỹ năng số cho người lao động, sinh viên Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa việc phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng mục tiêu đổi mới sáng tạo, trong bối cảnh, cơ cấu dân số Việt Nam đang được trẻ hóa với 42% dân số ở độ tuổi gen Z và Alpha.

Tại diễn đàn Đột phá tăng trưởng trong nền kinh tế số - Hacking growth in the digital economy, nhiều chuyên gia dự báo, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 31% giai đoạn 2022 – 2025. Có tới hơn 90% doanh nghiệp SMEs quan tâm đến chuyển đổi số, so với con số chỉ 30 – 40% trước đại dịch.

Ông Đinh Trần Việt, Quyền Giám đốc VTV Digital đánh giá, trong nền kinh tế hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với không ít khó khăn về nguồn vốn, đơn hàng và cần phải có giải pháp để giải quyết vấn đề đó.

Đồng thời, ông Việt cũng cho rằng cũng cho rằng sức mạnh của doanh nghiệp đến từ tầm nhìn của người lãnh đạo, nhất là trong thời điểm kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, đưa ra những thách thức lớn đến nền kinh tế Việt Nam.

"Một khi người lãnh đạo sẵn sàng chuyển đổi, học hỏi, ứng dụng công nghệ thì tổ chức đó sẽ có những thành công lớn để đạt được giải pháp linh hoạt và phát triển", ông Đinh Trần Việt khẳng định.

Theo Liên Thượng/nhadautu.vn