"Thông mạch, thông các nguồn lực" cho kinh tế phát triển

Bảo Thương

Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, có đủ căn cứ và cơ sở để nhận định rằng, vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển.

PGS. TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023.
PGS. TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023.

“Nghịch lý” trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023, sáng 19/9 ngay sau Phiên Khai mạc Diễn đàn, hội thảo chuyên đề 1 diễn ra với chủ đề “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”. Tham luận tại Diễn đàn, PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề cập đến những “nghịch lý” trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam.

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành. Làm rõ hơn nhận định này, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích, theo thống kê chính thức, hàng năm, số doanh nghiệp “rút khỏi thị trường” khoảng 70-75% số “đăng ký thành lập”. Đây là một tỷ lệ không bình thường. Nó hàm ý số doanh nghiệp Việt “sống thọ” không nhiều. Một bộ phận lớn doanh nghiệp “chưa kịp lớn” đã “ra đi”.

 

Bày tỏ trăn trở trước nhận định doanh nghiệp Việt Nam “chậm lớn” của PGS. TS. Trần Đình Thiên, bà Lê Hồng Thuỷ Tiên - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương chia sẻ, không phải doanh nghiệp muốn “chậm lớn” mà nhiều doanh nghiệp chân chính, đầu tư tìm tòi, học hỏi để lớn và trưởng thành một cách vững chắc nhưng còn vướng cơ chế, thiếu chính sách mang tính chiến lược bền vững.

Năm 2023, số doanh nghiệp Việt thành lập mới liên tục giảm trong khi số “rút khỏi thị trường” tăng mạnh. 8 tháng năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp “rút khỏi thị trường” so với số doanh nghiệp “mới thành lập” và “gia nhập lại” đạt xấp xỉ 84%, cao vượt trội mức 68,7% của năm 2022. Xu thế phát triển doanh nghiệp chậm lại và khó khăn hơn trong thời gian gần đây phản ánh một tình thế mới, chưa từng thấy trong gần 40 năm đổi mới của Việt Nam.

Nghịch lý tiếp theo mà PGS. TS. Trần Đình Thiên nêu là tăng trưởng GDP cao nhưng lạm phát thấp; Lạm phát thấp nhưng lãi suất cao. Năm 2022, GDP tăng trưởng 8,02% trong khi lạm phát được giữ ở mức khá thấp, chỉ khoảng 3,6%. Thực tế này “nghịch chiều” với xu hướng lạm phát tăng, GDP suy giảm tăng trưởng mạnh ở đa số các nền kinh tế trên thế giới.

Tiếp theo là nghịch lý nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn. Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, đến hết tháng 8 năm 2023, giải ngân đầu tư công - trọng tâm của nỗ lực “bơm vốn cho nền kinh tế” của Chính phủ - được cải thiện rõ rệt so với các năm trước. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mức độ tiến triển vẫn được coi là chậm: mới đạt 39,6% kế hoạch.

Trong khi đó, ở kênh tín dụng, mức tăng trưởng chỉ đạt 5,5% trong khi mục tiêu cả năm là tăng 14%. “Nền kinh tế khát vốn nhưng không hấp thụ được vốn. Nhiều doanh nghiệp “đói vốn” nhưng lâm vào tình thế “không thể, không dám và không cần” vay vốn, tùy theo hoàn cảnh mỗi doanh nghiệp. Đây thực sự là một nghịch cảnh phát triển”, PGS. TS. Trần Đình Thiên bày tỏ.

Các đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023.
Các đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023.

PGS. TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh, tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn. 

Thông mạch, thông các nguồn lực tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng

Để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, PGS. TS. Trần Đình Thiên cho rằng, cần hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin – cho”, “hành chính”; Ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh). Các thị trường đầu vào càng đồng bộ, hiệu quả phát triển càng cao.

PGS. TS. Trần Đình Thiên cho rằng, có đủ căn cứ và cơ sở để nhận định rằng vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển. Để giải quyết nhiệm vụ đó, định hướng ưu tiên được nhằm vào chính là phát triển đúng hướng và đúng cách các thị trường; xây dựng một bộ máy quản trị và điều hành phát triển thông minh, biết dựa vào thị trường và có trách nhiệm.

Trên thực tế, quy trình xây dựng và thực chất của các chính sách và giải pháp mà Chính phủ – Quốc hội thực thi thời gian gần đây, rõ nhất là từ nửa sau năm 2022 đến nay, được triển khai theo tinh thần “tình thế bất thường, giải pháp phải khác thường”. Cách tiếp cận này thể hiện đúng nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đã và đang phát huy hiệu quả tích cực ở những mức độ khác nhau, tạo động thái phục hồi và tăng trưởng tích cực cho nền kinh tế trong hoàn cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức bủa vây.