Thống nhất đầu mối kiểm soát chi ngân sách nhà nước

PV.

Kho bạc Nhà nước vừa triển khai thí điểm Đề án Thống nhất đầu mối kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua hệ thống Kho bạc Nhà nước tại 2 tỉnh Phú Thọ và Thừa Thiên Huế.

Thống nhất đầu mối kiểm soát chi sẽ kiểm soát các khoản chi ngân sách hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách.
Thống nhất đầu mối kiểm soát chi sẽ kiểm soát các khoản chi ngân sách hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách.

Mục đích của Đề án là nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả việc kiểm soát các khoản chi ngân sách nhà nước qua hệ thống Kho bạc Nhà nước và các nhiệm vụ mới được giao.

Để triển khai thí điểm Đề án này, Kho bạc Nhà nước đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các cán bộ công chức là lãnh đạo phụ trách, thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện.

Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức Khóa đào tạo cho các cán bộ công chức thuộc Kho bạc Nhà nước Phú Thọ và Thừa Thiên Thuế, 2 đơn vị thực hiện thí điểm Đề án Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi ngân sách nhà nước.

Việc thực hiện thống nhất đầu mối kiểm soát chi, công tác kiểm soát chi ngân sách cũng được tổ chức lại theo hướng tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống để khắc phục các tồn tại, hạn chế của mô hình tổ chức công tác kiểm soát chi hiện nay.

Cùng với đó, Kho bạc Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (trong đó có việc mở tài khoản, giao nhận hồ sơ, thanh toán qua mạng), tiến tới rút ngắn thời gian kiểm soát chi ngân sách nhà nước khi triển khai xong dịch vụ công trực tuyến. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong giao dịch thanh toán với các đơn vị  Kho bạc Nhà nước.

Cũng liên quan đến công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước, Kho bạc Nhà nước cho biết, ước đến ngày 30/4/2017, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi ngân sách thường xuyên ước đạt 232.225 tỷ đồng (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng), đạt 25,7% dự toán chi thường xuyên năm 2017. Trong đó, trung ương là 111.468 tỷ đồng; địa phương là 120.757 tỷ đồng.

Thông qua công tác kiểm soát chi, các đơn vị Kho bạc Nhà nước đã phát hiện ước khoảng 4.200 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định và đã yêu cầu các đơn vị sử dụng ngân sách bổ sung các thủ tục cần thiết. Số tiền thực từ chối thanh toán là 4,8 tỷ đồng.