Quản lý và vận hành hệ thống tài khoản thanh toán tập trung của KBNN tại ngân hàng
Ý tưởng hình thành hệ thống tài khoản thanh toán tập trung gắn liền với ý tưởng xây dựng Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS) ngay những năm đầu thực hiện Dự án Cải cách quản lý tài chính công nhằm quản lý tập trung, thống nhất nguồn lực nhà nước. Tuy nhiên, hệ thống tài khoản thanh toán tập trung không chỉ là những tài khoản kế toán đơn thuần mà gắn với nó là kế hoạch quản lý tập trung nguồn lực tài chính công.
Vì vậy, quá trình hình thành hệ thống tài khoản thanh toán tập trung của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và ngân hàng thương mại (NHTM) gắn liền với quá trình 8 năm (2009-2017) chuyển đổi mô hình quản lý vốn KBNN từ phân tán sang tập trung.
Cuối năm 2016, trên cơ sở Điều 62 Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN), Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 315/2016/ TT-BTC quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN mở tại NHNN Việt Nam và các NHTM (Thông tư 315), tạo khung pháp lý cần thiết cho việc quản lý và vận hành hệ thống tài khoản thanh toán tập trung của KBNN tại ngân hàng.
Theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới, mô hình chung của tài khoản thanh toán tập trung được thực hiện thống nhất theo cả chiều dọc (trong hệ thống KBNN) và chiều ngang (đối với các đơn vị sử dụng ngân sách), mọi phát sinh thu, chi NQNN đều thực hiện qua tài khoản thanh toán tập trung của KBNN mở tại NHNN Việt Nam.
Tên gọi TSA (Tài khoản kho bạc duy nhất: Treasury Single Account) xuất phát từ điều này. Tuy nhiên, trong thực tế nước ta, hầu hết các hoạt động thu chi qua KBNN đều đòi hỏi các NHTM đóng vai trò trung gian thực hiện các giao dịch như các đại lý bán lẻ của NHNN.
Mặt khác, NHNN lại không có chi nhánh trên phạm vi cả nước và cũng không làm vai trò của một ngân hàng bán lẻ để thực hiện các nghiệp vụ thu, chi hằng ngày của KBNN. Tài khoản KBNN duy nhất mở tại NHNN Việt Nam không đủ khả năng xử lý các giao dịch thu chi NQNN ở khắp nơi trong cả nước của KBNN một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Do vậy, mô hình hệ thống tài khoản thanh toán tập trung của KBNN được Thông tư 315 lựa chọn là một gia đình gồm các tài khoản tổng hợp (tài khoản chính) của KBNN mở tại NHNN, NHTM và một số các tài khoản thanh toán (tài khoản con) của KBNN cấp tỉnh (gồm KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Sở Giao dịch KBNN), KBNN cấp huyện (gồm KBNN quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, phòng Giao dịch thuộc KBNN cấp tỉnh) mở tại các chi nhánh NHNN, NHTM cùng địa bàn hành chính.
Các tài khoản con giữ vai trò xử lý các giao dịch thu chi NQNN phát sinh trên tất cả các địa phương khắp cả nước để tập trung nhanh mọi nguồn thu nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch với KBNN.
Cuối ngày, số phát sinh thu chi trên các tài khoản con (nếu có) được tập trung về tài khoản chính của KBNN mở tại NHNN, NHTM theo từng hệ thống ngân hàng để đảm bảo nguyên tắc quản lý NQNN tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống KBNN.
Loại, nơi mở các tài khoản của hệ thống
Suốt một thời gian dài từ khi thành lập cho đến năm 2013, các đơn vị KBNN chỉ mở một loại tài khoản tiền gửi tại NHNN hoặc NHTM
theo quy định về việc mở và sử dụng tài khoản tiền gửi của KBNN tại ngân hàng tại Quyết định số 1163 TC/QĐ/KBNN ngày 16/11/1995 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (Quyết định 1163).
Đặc điểm này đã làm cho vốn KBNN phân tán trên các tài khoản tiền gửi của các đơn vị KBNN các cấp (cấp tỉnh và cấp huyện) mở tại các chi nhánh NHNN hoặc NHTM trên toàn quốc, khả năng thanh khoản của từng đơn vị KBNN bị giới hạn trong phạm vi số dư hiện có trên tài khoản tiền gửi của đơn vị mình tại ngân hàng.
Để đảm bảo khả năng thanh khoản cho từng đơn vị KBNN cũng như toàn hệ thống, KBNN phải thực hiện cơ chế điều hòa vốn trong hệ thống từ nơi thừa vốn đến nơi thiếu vốn (cả về không gian lẫn thời gian) nhằm lập lại sự cân bằng giữa khả năng thu và nhu cầu chi theo thực tế.
Đến năm 2013 và 2014, trong nỗ lực thực hiện cải cách quản lý ngân quỹ và phát triển hệ thống thanh toán KBNN theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, KBNN đã cùng các NHTM phối hợp, xây dựng và triển khai hệ thống thanh toán song phương điện tử (TTSPĐT) và phối hợp thu. Để xử lý các nghiệp vụ thanh toán và phối hợp thu của hệ thống, các đơn vị KBNN mở các tài khoản thanh toán hoặc tài khoản chuyên thu tại các chi nhánh NHTM cùng tham gia hệ thống TTSPĐT và phối hợp thu.
Thông tư 315 (thay thế Quyết định 1163) quy định KBNN được mở 3 loại tài khoản (tài khoản thanh toán tổng hợp, tài khoản thanh toán và tài khoản chuyên thu) và nơi mở 3 loại tài khoản này của các đơn vị KBNN các cấp như sau :
Sở Giao dịch KBNN mở tài khoản thanh toán tổng hợp bằng đồng Việt Nam và bằng ngoại tệ tại Sở Giao dịch NHNN Việt Nam; tài khoản thanh toán tổng hợp và tài khoản thanh toán bằng VNĐ và bằng ngoại tệ tại các NHTM ở trung ương;
KBNN cấp tỉnh mở một tài khoản thanh toán bằng VNĐ tại chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cùng địa bàn tỉnh; tài khoản chuyên thu bằng VNĐ tại chi nhánh NHTM cùng địa bàn tỉnh; tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ tại một chi nhánh NHTM hoặc NHNN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cùng địa bàn tỉnh có phát sinh thu chi NSNN bằng ngoại tệ;
KBNN cấp huyện mở một tài khoản thanh toán bằng VNĐ tại một chi nhánh hoặc phòng Giao dịch của NHTM trên cùng địa bàn huyện đã tham gia TTSPĐT với KBNN; tài khoản chuyên thu bằng VNĐ tại chi nhánh hoặc phòng Giao dịch NHTM trên cùng địa bàn huyện.
Quy trình thanh toán của hệ thống
Đến hết tháng 9/2014, KBNN đã chính thức hoàn thành triển khai và đi vào vận hành hệ thống TTSPĐT và phối hợp thu NSNN trên toàn quốc với 4 hệ thống NHTM (Viettinbank, BIDV, Agribank, Vietcombank) cho hơn 700 KBNN cấp huyện trong hệ thống KBNN và sở giao dịch KBNN; đồng thời, triển khai thành công TTSPĐT và phối hợp thu tại hầu hết KBNN cấp tỉnh đang có tài khoản chuyên thu tại các NHTM.
Quy trình thanh toán của hệ thống TTSPĐT và phối hợp thu được thực hiện theo nguyên tắc tập trung, thống nhất. Tài khoản thanh toán và tài khoản chuyên thu của KBNN cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện xử lý các nghiệp vụ thanh toán qua mạng máy tính giữa các đơn vị KBNN và chi nhánh NHTM cùng địa bàn.
Cuối ngày, toàn bộ các khoản thu, chi phát sinh trong ngày của tài khoản thanh toán và tài khoản chuyên thu của KBNN cấp tỉnh, cấp huyện được kết chuyển về tài khoản thanh toán tổng hợp của Sở Giao dịch KBNN tại hội sở chính của NHTM cùng hệ thống.
Triển khai thành công hệ thống TTSPĐT và phối hợp thu đã làm chuyển biến việc điều hành NQNN từ cơ chế quản lý phân tán theo từng tài khoản tiền gửi của các KBNN cấp huyện sang cơ chế quản lý tập trung theo tài khoản thanh toán tổng hợp của KBNN tại từng hệ thống NHTM, nâng cao khả năng thanh khoản của KBNN.
Mặt khác, việc chuyển từ phương thức thanh toán thủ công sang điện tử đã đảm bảo cho các giao dịch thanh toán nhanh hơn, chính xác hơn và an toàn hơn; việc chuyển từ mô hình thanh toán phân tán sang mô hình thanh toán tập trung đã tạo thuận lợi cho việc mở rộng khả năng kết nối giữa hệ thống TTSPĐT và phối hợp thu với hệ thống TABMIS, TCS.
Tháng 4/2010, KBNN đã triển khai thí điểm quy trình nghiệp vụ thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) cho KBNN Hải Phòng và Sở Giao dịch KBNN. Trên cơ sở những kết quả đạt được trong giai đoạn triển khai thí điểm, đến nay đã triển khai thành công tại Sở Giao dịch KBNN và 8 KBNN tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai.
Tương tự hệ thống TTSPĐT, hệ thống TTĐTLNH cũng được thực hiện theo nguyên tắc tập trung, thống nhất nhưng ở mức độ cao hơn. Các khoản thu, chi NQNN của Sở Giao dịch KBNN và các KBNN cấp tỉnh đều được thực hiện trên tài khoản thanh toán tổng hợp của Sở Giao dịch mở tại NHNN Việt Nam qua kênh TTĐTLNH. KBNN đảm bảo khả năng thanh toán chung của tất cả các đơn vị KBNN cấp tỉnh thông qua hệ thống TTĐTLNH.
Triển khai thành công hệ thống TTĐTLNH sẽ chuyển việc điều hành NQNN từ cơ chế quản lý phân tán theo từng tài khoản tiền gửi của các KBNN cấp tỉnh sang cơ chế quản lý tập trung trên tài khoản thanh toán tổng hợp của KBNN tại NHNN, phương thức thanh toán điện tử thay thế phương thức thanh toán thủ công sẽ đảm bảo cho các giao dịch thanh toán nhanh, chính xác và an toàn hơn và mô hình thanh toán tập trung của hệ thống TTĐTLNH sẽ tạo thuận lợi cho việc kết nối với hệ thống TABMIS.
Mô hình hệ thống tài khoản thanh toán tập trung của KBNN theo Thông tư 315 được thiết kế trên cơ sở hoạt động của hệ thống TTSPĐT và hệ thống TTĐTLNH.
Với hệ thống TTSPĐT, các tài khoản thanh toán, chuyên thu của các KBNN cấp tỉnh, cấp huyện mở tại chi nhánh NHTM thực hiện các khoản thu, chi NQNN, tập trung các khoản thu NSNN và cuối ngày, thực hiện kết chuyển số thu chi phát sinh về tài khoản thanh toán tổng hợp của Sở Giao dịch KBNN tại NHTM cùng hệ thống. Tài khoản thanh toán tổng hợp của Sở Giao dịch KBNN tại NHTM đảm bảo khả năng thanh toán của các KBNN cấp tỉnh, cấp huyện tham gia TTSPĐT.
Với hệ thống TTĐTLNH, các khoản thu chi NQNN qua các KBNN cấp tỉnh (đã tham gia TTĐTLNH) được kết chuyển tự động (trực tiếp với lệnh thanh toán giá trị cao hoặc thông qua bù trừ với lệnh thanh toán giá trị thấp) tập trung vào tài khoản thanh toán tổng hợp của Sở Giao dịch mở tại NHNN Việt Nam.
Tài khoản thanh toán tổng hợp của Sở Giao dịch KBNN tại NHNN Việt nam đảm bảo khả năng thanh toán của các KBNN cấp tỉnh tham gia TTĐTLNH. Khả năng luân chuyển dòng ngân quỹ giữa các tài khoản thanh toán tổng hợp của Sở Giao dịch KBNN tại NHNN và các NHTM phải linh hoạt và kịp thời để đáp ứng các giao dịch liên quan hoạt động quản lý nợ và quản lý NQNN một cách an toàn và hiệu quả.
Để hệ thống tài khoản thanh toán tập trung tiếp tục hoạt động an toàn và hiệu quả, cần thực hiện những vấn đề chủ yếu sau:
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý
Một trong những ưu điểm của việc hình thành hệ thống tài khoản thanh toán tập trung là quản lý được nguồn lực tài chính nhà nước tập trung với khối lượng rất lớn tại KBNN nên vấn đề đặt ra tiếp theo là phải quản lý nguồn vốn này một cách an toàn và có hiệu quả.
Vì vậy, tiếp theo Thông tư 315 quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN mở tại ngân hàng, KBNN cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy chế (quy chế quản trị, vận hành chương trình TTSPĐT), quy trình nghiệp vụ (quy trình nghiệp vụ TTSPĐT, TTĐTLNH) liên quan đến hoạt động của hệ thống tài khoản thanh toán tập trung để tiếp tục triển khai mở rộng và đảm bảo cho hệ thống vận hành an toàn và hiệu quả.
Hình thành hệ thống tài khoản thanh toán tập trung
Tính đến nay, vẫn còn 54 KBNN cấp tỉnh chưa tham gia hệ thống TTĐTLNH mà còn áp dụng phương thức thanh toán bù trừ điện tử phân tán theo tài khoản tiền gửi của KBNN cấp tỉnh mở tại chi nhánh NHNN cùng địa bàn tỉnh.
Trong khi đó, các NHTM trên cùng địa bàn tỉnh đã nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình thanh toán tập trung để tham gia vào hệ thống TTĐTLNH của NHNN mà không còn tham gia phương thức thanh toán bù trừ điện tử.
Thực trạng này đã đẩy các KBNN cấp tỉnh chưa tham gia TTLNH rơi vào tình trạng khó khăn khi thực hiện giao dịch thanh toán với các NHTM đã chuyển đổi sang mô hình thanh toán tập trung nêu trên.
Mặt khác, đặc điểm của phương thức thanh toán bù trừ điện tử phân tán theo tài khoản tiền gửi làm cho khả năng thanh khoản của KBNN cấp tỉnh bị giới hạn trong phạm vi số dư hiện có trên tài khoản tiền gửi của đơn vị mình tại chi nhánh NHNN tỉnh.
Vì vậy, đẩy nhanh tiến độ triển khai mở rộng hệ thống TTLNH với NHNN không những giúp cho các KBNN cấp tỉnh còn lại chưa tham gia TTLNH thoát khỏi tình trạng khó khăn nêu trên mà còn giúp cho hệ thống KBNN hiện đại hóa công nghệ thanh toán, hình thành hệ thống tài khoản thanh toán tập trung và tiến đến thực hiện chức năng quản lý ngân quỹ theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020.
KBNN tiếp tục phối hợp với NHNN để xử lý một số vấn đề còn vướng mắc trong TTĐTLNH với NHNN (hạn mức nợ ròng, chuẩn thông tin điện tử trong TTĐTLNH, dữ liệu về thu NSNN, rút và nộp tiền mặt...) làm cơ sở thuận lợi để triển khai mở rộng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai TTSPĐT đối với các tài khoản bằng ngoại tệ của KBNN tại NHTM theo lộ trình đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Phấn đấu trong năm 2017, hoàn thành việc triển khai TTĐTLNH và TTSPĐT đối với các tài khoản ngoại tệ tại NHTM để hình thành hệ thống tài khoản thanh toán tập trung cả nội tệ và ngoại tệ của KBNN.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của hệ thống thanh toán tập trung
Xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu hiện đại hóa công tác thanh toán và xây dựng hệ thống tài khoản thanh toán tập trung. Qua đó, đảm bảo các giao dịch thanh toán, thu chi NQNN được nhanh chóng, chính xác và an toàn, đồng thời, từng bước tập trung NQNN về trung ương, nâng cao khả năng thanh khoản của hệ thống KBNN.
Ngoài ra, hệ thống TTSPĐT và hệ thống TTĐTLNH triển khai thành công sẽ tạo điều kiện mở rộng các khả năng kết nối, tích hợp, trao đổi thông tin giữa các hệ thống thanh toán ngoài hệ thống KBNN (TTSPĐT, TTĐTLNH) với hệ thống thanh toán trong nội bộ KBNN (TTĐTLKB), hệ thống TABMIS, hệ thống phối hợp thu NSNN (TCS)... và tạo điều kiện phát triển các dịch vụ thu NSNN thông qua tài khoản chuyên thu của KBNN mở tại NHTM, thu qua các máy chấp nhận thẻ POS, tạo điều kiện thuận tiện cho người nộp thuế, tập trung nhanh nguồn thu vào NSNN, đồng thời, cũng tạo điều kiện phát triển các dịch vụ thanh toán cho người thụ hưởng ngân sách thông qua tài khoản ATM, qua hệ thống Internetbanking... nhằm tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt.
Xây dựng và triển khai hệ thống dự báo dòng tiền
Cùng với việc xây dựng quy định pháp lý, đặc biệt là các quy định về trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ cho công tác dự báo dòng tiền, KBNN cần chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin đầy đủ để triển khai: Cổng thông tin điện tử KBNN để tiếp nhận và tổng hợp thông tin dự báo từ các đơn vị cung cấp thông tin; hệ thống thông tin theo dõi, phân tích số liệu lịch sử về thu chi NQNN; chương trình khai thác, kết xuất dữ liệu dự báo từ các hệ thống có liên quan (TABMIS, TCS, DMAS, TTSPĐT, TTĐTLNH...) trên cơ sở đó, đảm bảo dự báo chính xác các dòng tiền thu chi qua KBNN để xây dựng phương án điều hành NQNN phù hợp.