Thống nhất tổ chức thông tin tài chính nhà nước
(Tài chính) Việt Nam đang tích cực hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, đồng thời tăng cường mở rộng các quan hệ kinh tế song phương, đa phương. Quá trình hội nhập vừa tạo cơ hội, vừa là thách thức tác động đến cơ chế, chính sách quản lý kinh tế nói chung và tài chính - ngân sách nói riêng. Trong đó các quy định của các chế độ kế toán và việc tổ chức thực hiện trong lĩnh kế toán Nhà nước (KTNN) phải được cải cách phù hợp theo các mô hình, thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Xuất phát từ thực tế khách quan nêu trên, trong thời gian tới nhiệm vụ của Kho bạc Nhà nước (KBNN) là tiến hành xây dựng mô hình và tổ chức thực hiện chức năng Tổng KTNN, theo đó dự kiến đến năm 2020, KBNN sẽ vận hành đầy đủ mô hình Tổng KTNN.
Kế toán trong lĩnh vực nhà nước ở Việt Nam
Phạm vi, nội dung kế toán trong lĩnh vực nhà nước
Kế toán trong lĩnh vực nhà nước phản ánh, kiểm tra và cung cấp thông tin hoạt động kinh tế - tài chính của Nhà nước trên phạm vi cả nước, từng địa phương; thông tin về toàn bộ hoạt động của ngân sách nhà nước (NSNN), nợ của Nhà nước, các Quỹ tài chính Nhà nước bên cạnh NSNN và tài sản Nhà nước; thông tin về hoạt động kinh tế - tài chính của từng đơn vị sử dụng kinh phí tài chính Nhà nước.
Nội dung của kế toán trong lĩnh vực nhà nước bao gồm những công việc sau: Kế toán thu, chi NSNN; Kế toán tiếp nhận và quản lý kinh phí NSNN tại đơn vị dự toán; Kế toán vay và trả nợ của Nhà nước; Kế toán các quỹ tài chính Nhà nước; Kế toán quản lý tài sản Nhà nước; Kế toán vốn bằng tiền...
Đối tượng kế toán trong lĩnh vực nhà nước
Đối tượng của KTNN theo các tiêu thức chung hoặc các tiêu thức cụ thể, được phân loại theo các đối tượng sau đây: Dự toán và phân bổ dự toán kinh phí các cấp; Tiền và các khoản tương đương tiền của Nhà nước và các đơn vị; Các khoản thu, chi NSNN theo các cấp ngân sách, các khoản thu, chi các quỹ tài chính khác của Nhà nước, của các đơn vị KTNN khác; Các khoản nợ và tình hình xử lý nợ của Nhà nước; Các khoản kết dư NSNN các cấp; Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn; nguồn vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp; Các khoản thanh toán trong và ngoài của các đơn vị KTNN; Các loại tài sản, tình hình hao mòn tài sản của nhà nước được quản lý tại các đơn vị KTNN; Tài sản và tình hình sử dụng tài sản dự trữ nhà nước; Tài sản được xác lập thuộc sở hữu nhà nước và tài nguyên quốc gia; Các đối tượng khác.
Tổ chức thực hiện kế toán nhà nước trong các đơn vị thuộc lĩnh vực nhà nước
Kế toán nhà nước áp dụng cho TABMIS
Mục đích: Theo dõi, phản ánh các thông tin về thu, chi NSNN; vay nợ của Nhà nước và các hoạt động nghiệp vụ KBNN. Đơn vị áp dụng: Các đơn vị trong hệ thống Kho bạc nhà nước, từ trung ương đến địa phương; các đơn vị, bộ phận thuộc cơ quan tài chính các cấp tham gia TABMIS; Các cơ quan tài chính ở các bộ, ngành trong trường hợp tham gia trực tuyến trên TABMIS (áp dụng đối với quy trình phân bổ dự toán).
Chế độ kế toán: Thông tư số 08/2009/TT-BTC ngày 10/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện KTNN áp dụng cho hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc. KBNN hướng dẫn cụ thể về phương pháp hạch toán kế toán theo từng quy trình nghiệp vụ. Kế toán đồ của TABMIS bao gồm 12 phân đoạn mã, kết hợp đa chiều, như sau: Cùng với việc xây dựng kế toán đồ, tài liệu quy trình hệ thống (TOBE) được bắt nghiên cứu cùng với nhà thầu (IBM) từ năm 2006, tiếp tục hoàn thiện trong quá trình triển khai hệ thống.
Hệ thống thông tin: Cấu trúc của TABMIS được thiết lập bao gồm các phân hệ Sổ Cái, quản lý phân bổ ngân sách, quản lý thu, quản lý chi, cam kết chi, quản lý ngân quỹ. Ngoài ra đã thiết lập và vận hành các quy trình chuyển nguồn NSNN và khai thác báo cáo. Đây là hệ thống thông tin kế toán NSNN được thiết lập tập trung trên phạm vi toàn quốc, với hơn 14.000 người dùng, tại hơn 700 đơn vị hoạt động, trải khắp 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Hệ thống được triển khai từ năm 2009, theo hình thức cuốn chiếu, hoàn thành vào cuối năm 2012. Hiện nay đang được vận hành ổn định, có thể cung cấp báo cáo theo các kỳ ngày, tháng, năm hoặc vào các thời điểm đột xuất theo yêu cầu quản lý.
Báo cáo đầu ra: Báo cáo thu chi NSNN trên phạm vi toàn quốc, trên từng địa bàn, một số biểu mẫu được thiết kế chi tiết theo các yêu cầu quản lý. Cụ thể như sau: Báo cáo về tổng hợp dự toán; Báo cáo tổng hợp thu và vay của NSNN; Báo cáo tổng hợp chi ngân sách; Báo cáo chi chương trình mục tiêu quốc gia; Báo cáo sử dụng kinh phí; Báo cáo vay, trả nợ; Báo cáo ghi thu, ghi chi vốn ngoài nước; Báo cáo nhanh, báo cáo cân đối thu chi NSNN; Báo cáo quản trị nghiệp vụ KBNN;
Kế toán nghiệp vụ Thuế, Hải quan
Mục đích: Theo dõi, phản ánh thông tin quản lý thu NSNN theo đối tượng có nghĩa vụ thuế, phí và lệ phí với NSNN. Đơn vị áp dụng: Các đơn vị Thuế, Hải quan để thực hiện kế toán nghiệp vụ thuế nội địa, thuế xuất nhập khẩu. Chế độ kế toán: Bộ Tài chính ban hành các chế độ kế toán thuế nội địa và thuế xuất nhập khẩu áp dụng riêng cho Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.
Hệ thống thông tin: Tổ chức hệ thống thông tin kế toán nghiệp vụ thu thuế xuất, nhập khẩu tại từng đơn vị Hải quan, có hỗ trợ để tổng hợp báo cáo chung trên phạm vị toàn quốc và từng địa bàn. Đối với Tổng cục Thuế, đang xây dựng hệ thống kế toán thuế nội địa theo mô hình tập trung.
Báo cáo đầu ra: Báo cáo phản ánh số phải thu theo từng đối tượng, số đã thu vào NSNN và số còn phải thu theo từng đối tượng nộp thuế trên cơ sở dồn tích. Số liệu đã thu đảm bảo khớp đúng với số liệu thu NSNN được hạch toán trên TABMIS.
Kế toán áp dụng cho các đơn vị sử dụng NSNN
Mục đích: Theo dõi, phản ánh tình hình tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí NSNN tại các đơn vị sử dụng NSNN. Đơn vị áp dụng: Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có sử dụng kinh phí NSNN, kể cả các đơnvị an ninh, quốc phòng.
Chế độ kế toán: Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/03/2006 về việc ban hành chế độ kế toán hành chính sự nghiệp của Bộ Tài chính và Thông tư số 185/2010/TTBTC ngày 15/11/2010 hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Khá nhiều nội dung kế toán trong chế độ này thực hiện tương đồng với chuẩn mực kế toán công quốc tế hiện nay.
Hệ thống thông tin: Các đơn vị sử dụng ngân sách áp dụng các phần mềm kế toán và tổ chức hệ thống thông tin độc lập, một số đơn vị thiết lập hệ thống thông tin kết nối trên phạm vi hẹp nội bộ đơn vị. Báo cáo đầu ra: Báo cáo về số liệu quyết toán NSNN và tình hình quản lý các nguồn kinh phí và sử dụng kinh phí, tình hình vốn, tài sản từ nguồn tự có của đơn vị. Chế độ kế toán này được xây dựng trên cơ sở dồn tích có điều chỉnh.
Kế toán tại các đơn vị thuộc lĩnh vực nhà nước khác
Ngoài ra, còn có một số đơn vị khác, như: Quỹ Bảo hiểm xã hội áp dụng Chế độ kế toán Bảo hiểm xã hội; Quỹ Dự trữ Nhà nước áp dụng Chế độ kế toán dự trữ nhà nước; … Các Chế độ kế toán này được ban hành trên cơ sở Quyết định số 19/2006/QĐ- BTC, được cụ thể hoá thêm các tài khoản, sổ kế toán, báo cáo tài chính cho phù hợp với yêu cầu quản lý.
Kế toán vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Các doanh nghiệp có một phần hoặc toàn bộ vốn thuộc sở hữu của Nhà nước được kế toán và trình bày báo cáo theo chế độ kế toán doanh nghiệp. Các chế độ kế toán này tuân thủ theo chuẩn mực kế toán doanh nghiệp của Việt Nam đã được xây dựng trên cơ sở chuẩn mực kế toán quốc tế.
Mô hình Tổng kế toán nhà nước
Quyết định số 108/2009/QĐ-TTg ngày 26/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định nhiệm vụ của Kho bạc Nhà nước là thực hiện chức năng Tổng KTNN, nhằm hình thành và tổ chức một cách thống nhất hệ thống thông tin kế toán trong lĩnh vực KTNN. Mô hình Tổng KTNN là việc tổ chức các hoạt động của các đơn vị KTNN, đảm bảo việc tuân thủ các chế độ, chính sách về tài chính, kế toán tại từng đơn vị và tổng hợp thông tin báo cáo KTNN trên pham vi toàn quốc cũng như trên từng địa bàn.
Để triển khai mô hình Tổng KTNN, cần thực hiện rất nhiều công việc liên quan khác nhau, trong đó cần phải tập trung vào 3 yếu tố chính là: Khung pháp lý để triển khai mô hình Tổng KTNN; Tổ chức bộ máy kế toán để thực hiện các công việc, quy trình nghiệp vụ của Tổng KTNN; Hệ thống thông tin để hỗ trợ thực hiện nghiệp vụ Tổng KTNN.
Khung pháp lý
Khung pháp lý liên quan đế Tổng KTNN bao gồm một số nội dung có tính căn bản cần xác định và thực hiện, như sau: Xây dựng và ban hành Nghị định của Chính phủ về Tổng KTNN.
Để xây dựng và vận hành mô hình Tổng KTNN để thực hiện chức năng Tổng KTNN của Kho bạc Nhà nước cần có khung pháp lý ở mức độ phù hợp quy định về đối tượng, phạm vi, quy trình tổ chức xử lý các thông tin và lập các báo cáo đầu ra của Tổng KTNN.
Theo đó, cần có một văn bản ở mức độ Nghị định của Chính phủ quy định và hướng dẫn về Tổng KTNN để thực hiện chức năng Tổng KTNN của Kho bạc Nhà nước, làm cơ sở, hành lang pháp lý tổ chức thực hiện. Xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán công Nghiên cứu, xây dựng, ban hành và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công áp dụng tại Việt Nam dựa trên nền tảng, nội dung và khuôn mẫu hệ thống chuẩn mực kế toán công quốc tế. Chuẩn mực kế toán công sẽ áp dụng cho các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thu, chi NSNN các cấp; các cơ quan nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức, đơn vị khác chịu sự kiểm soát của Chính phủ không thuộc đối tượng áp dụng của chuẩn mực kế toán doanh nghiệp.
Việc ban hành chuẩn mực kế toán công của Việt Nam là một trong các điều kiện để triển khai Tổng KTNN, nhằm đảm bảo các thông tin của Tổng KTNN phù hợp với thông lệ chung. Việc xây dựng chuẩn mực kế toán công là một hoạt động giúp cho các thông tin báo cáo của Tổng KTNN được trình bày với chất lượng cao hơn, là hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy cho việc triển khai mô hình Tổng KTNN.
Quy định chế độ kế toán, thông tin báo cáo của các đơn vị
Với hình thức tổ chức thông tin đầu vào đã xác định, cần phải hoàn thiện theo hướng bổ sung, sửa đổi các chế độ kế toán trong lĩnh vực KTNN hiện nay gồm Chế độ KTNN áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS); hệ thống kế toán về thuế nội địa, kế toán thuế xuất nhập khẩu; chế độ kế toán của các đơn vị chi tiêu NSNN, chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị khác. Tổ chức thu thập, xử lý và cung cấp các thông tin báo cáo vừa đảm bảo yêu cầu theo chức năng của cơ quan, đơn vị quản lý vừa đảm bảo việc cung cấp thông tin cho Tổng KTNN, được phân loại hợp lý và có khả năng hợp nhất, được loại trừ các giao dịch nội bộ.
Tổ chức bộ máy kế toán
Mô hình Tổng kế toán nhà nước
Tổ chức mô hình tổ chức hoạt động của Tổng KTNN theo phương án phân tán, nhiệm vụ phản ánh, ghi chép ban đầu được thực hiện tại các đơn vị KTNN như sau: Các đơn vị KBNN làm kế toán quỹ NSNN, vay nợ của Chính phủ; cơ quan Thuế, Hải quan làm kế toán Thuế nội địa và Thuế xuất nhập khẩu; các đơn vị dự toán Ngân sách làm kế toán tiếp nhận và sử dụng kinh phí NSNN; quỹ tài chính nhà nước làm kế toán thu, chi, bảo toàn, tăng trưởng quỹ của mình...
Tại các đơn vị KBNN tổ chức bộ máy kế toán của Tổng KTNN, tiếp nhận thông tin báo cáo từ các đơn vị kế toán nhà nước và thực hiện quy trình tổng hợp báo cáo theo các mẫu biểu quy định trong hệ thống thông tin của Tổng KTNN.
Tổ chức bộ máy kế toán tại KBNN
Mô hình tổ chức bộ máy kế toán phân tán là mô hình phù hợp với thực tế hiện nay ở Việt Nam, với việc KBNN thực hiện chức năng Tổng KTNN. Theo mô hình này bộ máy kế toán của Tổng KTNN có thể được tổ chức như sau:
Tổng KTNN đặt tại KBNN: Được bố trí thành các phòng để thực hiện các chức năng của Tổng KTNN, bao gồm: Phòng chế độ kế toán; Phòng tổng hợp thông tin của Tổng kế toán; Phòng tổng hợp thông tin NSNN; Phòng thanh toán; Trung tâm xử lý thông tin của Tổng KTNN.
Tổng KTNN đặt tại KBNN tỉnh, thành phố: Bố trí thêm các bộ phận nghiệp vụ trong phòng kế toán tương ứng với các mảng nghiệp vụ chủ yếu thuộc phạm vi địa bàn tỉnh, thành phố.
Tổng KTNN đặt tại KBNN quận, huyện: Bố trí thêm cán bộ kế toán tương ứng với các mảng nghiệp vụ chủ yếu thuộc phạm vị địa bàn quận, huyện.
Tổ chức bộ máy kế toán tại các đơn vị KTNN khác
Theo phương án tổ chức thông tin đầu vào cho Tổng KTNN đã được xác định, bộ máy kế toán tại các đơn vị KTNN khác, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ hiện nay, được giao thêm việc cung cấp thông tin đầu vào cho Tổng KTNN. Các thông tin cung cấp cho Tổng KTNN được quy định theo các mẫu biểu quy định trong chế độ kế toán áp dụng cho từng loại hình đơn vị. Các quy định này sẽ được nghiên cứu, bổ sung trong các chế độ kế toán hiện nay.
Như vậy, tại các đơn vị KTNN khác, việc tổ chức bộ máy kế toán không có thay đổi lớn, tương đối ổn định, theo đó, chỉ bổ sung thêm một số nhiệm vụ để phục vụ cung cấp thông tin đầu vào cho Tổng KTNN.
Tổ chức hệ thống thông tin
Các hệ thống thông tin cung cấp báo cáo đầu vào cho Tổng KTNN TABMIS được xây dựng và phát triển, với mục tiêu là xương sống của hệ thống KTNN, cung cấp thông tin cơ bản về thu chi NSNN cho Tổng KTNN.
Ngoài ra còn có các hệ thống thông tin khác kết nối và trao đổi thông tin với TABMIS bao gồm: hệ thống quản lý nợ (DMFAS), Hệ thống quản lý kiểm soát thanh toán vốn đầu tư tích hợp toàn ngành Tài chính (ĐTTC), hệ thống thuế nội địa của cơ quan Thuế, hệ thống thuế xuất nhập khẩu của cơ quan Hải quan và các phần mềm kế toán của của các đơn vị sử dụng ngân sách. Các thông tin từ các hệ thống khác cung cấp các báo cáo được định dạng để từng bước kết nối, giao diện với hệ thống thông tin của Tổng KTNN.
Hệ thống thông tin dữ liệu của Tổng KTNN
Xây dựng và vận hành hệ thống thông tin xử lý tổng hợp thông tin từ các đơn vị của Tổng KTNN, bao gồm thông tin lịch sử và thông tin của năm hiện hành. Đảm bảo kết nối thông tin của các hệ thống khác với hệ thống thông tin của Tổng KTNN theo hình thức thủ công hoặc được điện tử hóa.
Hệ thống thông tin của Tổng KTNN có khả năng tổng hợp thông tin, đảm bảo tính an toàn, bảo mật, đảm bảo một môi trường để có thể khai thác được các thông tin phù hợp theo từng cấp chính quyền, tương ứng với từng cấp của Tổng KTNN, trong đó có các thông tin toàn quốc và các cấp địa phương.
Đảm bảo đội ngũ cán bộ nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật có đủ trình độ để vận hành các hệ thống thông tin: Thường xuyên đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ không những về lĩnh vực tài chính, kế toán mà còn về kỹ năng tin học.
Lộ trình triển khai Tổng Kế toán nhà nước ở Việt Nam
Tổ chức xây dựng Đề án (từ năm 2010 – đến năm 2013)
Đề án “Xây dựng mô hình Tổng KTNN để thực hiện chức năng Tổng KTNN của KBNN” là một Đề án rất lớn, có phạm vi ảnh hưởng đến hầu hết các đơn vị liên quan đến lĩnh vực KTNN, vì vậy, Bộ Tài chính đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ biên tập để thực hiện việc xây dựng Đề án. Ban Chỉ đạo và Tổ biên tập xây dựng đề cương chi tiết và đang tiếp tục hoàn thiện các nội dung chi tiết của Đề án.
Tổ chức thực hiện Đề án (từ năm 2013 đến năm 2019)
Giai đoạn chuẩn bị các điều kiện cần thiết (từ năm 2013 đến năm 2015)
Về khung pháp lý: Trình Chính phủ Nghị định của Chính phủ về Tổng KTNN, Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định của Chính phủ; Bổ sung, sửa đổi một số nội dung của Luật NSNN, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn; Ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam, trong đó xác định rõ đối tượng áp dụng đối với từng chuẩn mực; Ban hành các chế độ kế toán thuế xuất nhập khẩu áp dụng cho các đơn vị Hải quan, đảm bảo có thể giao diện sang Tổng KTNN; Ban hành chế độ kế toán Thuế nội địa áp dụng cho các cơ quan Thuế, đảm bảo có thể giao diện sang Tổng KTNN; Ban hành Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, chế độ kế toán các quỹ tài chính, chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã, bổ sung các thông tin báo cáo để truy nhập vào Tổng KTNN; Ban hành quy chế trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức tham gia Tổng KTNN. Quy định các nguyên tắc phối kết hợp giữa các đơn vị tham gia Tổng KTNN. Quy định các nguyên tắc đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống thông tin của Tổng KTNN.
Về Tổ chức bộ máy kế toán: Tổ chức bộ máy kế toán của Tổng KTNN, từ trung ương đến địa phương, trong đó bố trí các phòng, bộ phận tại Vụ KTNN thuộc KBNN, các phòng kế toán tại KBNN tỉnh, thành phố và bộ phận kế toán tại KBNN quận, huyện. Tập huấn và triển khai cơ chế chính sách, các chế độ kế toán liên quan, quy trình nghiệp vụ đến đội ngũ cán bộ kế toán KBNN, đến đội ngũ kế toán của các đơn vị ngoài hệ thống KBNN.
Về hệ thống thông tin: Triển khai và thiết lập quy trình nghiệp vụ trên hệ thống thông tin, đảm bảo giải pháp phù hợp để tổng hợp thông tin của Tổng KTNN đối với NSNN, ngân sách tỉnh và ngân sách huyện, bao gồm:
- Quy trình nghiệp vụ của hệ thống để truy nhập thông tin kế toán;
- Quy trình nghiệp vụ của hệ thống để xử lý thông tin kế toán trên hệ thống;
- Quy trình nghiệp vụ của hệ thống để kết xuất thông tin báo cáo của Tổng KTNN.
Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019
- Tổ chức triển khai đến các đơn vị KTNN theo phương án được quy định trong Nghị định của Chính phủ về Tổng KTNN, các văn bản hướng dẫn và các chế độ kế toán.
- Rút kinh nghiệm để hoàn thiện chế độ kế toán và quy trình nghiệp vụ, đảm bảo mục tiêu thiết kế một hệ thống thông tin hoàn chỉnh vào năm 2019.
Thông tin tài chính nhà nước do Tổng KTNN cung cấp
Yêu cầu chung về thông tin báo cáo đầu ra
Tổng KTNN phải cung cấp đầy đủ thông tin trên hai góc độ - thông tin tài chính và thông tin ngân sách:Thông tin tài chính, phản ánh tình hình tài chính của một đơn vị kế toán bao gồm các yếu tố của tài sản có, tài sản nợ, các yếu tố về thu nhập, chi phí cho hoạt động của đơn vị cũng như kết quả hoạt động (về mặt tài chính) của đơn vị đó trong một chu kỳ kế toán. Đơn vị kế toán cần được hiểu rộng ra đối với từng địa bàn hành chính là tổ chức ngân sách tương ứng. Thông tin ngân sách, về mặt pháp lý, NSNN là dự toán các khoản thu, chi của Nhà nước được Quốc hội cho phép thực hiện trong một năm và việc thực hiện dự toán đó dẫn đến sự hình thành và sử dụng quỹ tiền tệ tập trung của Nhà nước - Quỹ NSNN.
Các thông tin về ngân sách có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành dự toán ngân sách đã được Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp thông qua.
Nội dung báo cáo
Các thông tin báo cáo đầu ra của Tổng KTNN cần được xác định được căn cứ theo yêu cầu quản lý, phù hợp với thông lệ quốc tế. Ở cấp độ quốc gia, báo cáo thường niên của Tổng kế toán nhà nước, do Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội phê duyệt, cung cấp đầy đủ các thông tin về tài chính nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế, như sau:
Bảng tổng kết tài sản: Cung cấp thông tin về tình hình hiện có và biến động so với kỳ trước của của tài sản và nguồn hình thành tài sản thuộc lĩnh vực Nhà nước.
Báo cáo kết quả hoạt động: Phản ánh và đánh giá kết quả hoạt động thu, chi NSNN và các hoạt động khác của Chính phủ (hoặc địa phương) trên cơ sở dồn tích trong 1 năm tài chính (năm ngân sách).
Báo cáo tình hình biến động tài sản thuần: Phản ánh dưới hình thức giá trị tình hình tăng, giảm chênh lệch giữa tổng tài sản Nhà nước và tổng nghĩa vụ phải trả của Nhà nước, để đánh giá tiềm lực tài chính Nhà nước.
Báo cáo lưu chuyển luồng tiền: phản ánh dòng tiền thuộc NSNN cùng với các thông tin vận động của luồng tiền tại các đơn vị thuộc lĩnh vực Nhà nước, cung cấp thông tin phục vụ các chính sách tiền tệ và điều hành ngân quỹ.
Các thuyết minh báo cáo tài chính: Phân tích các số liệu và đánh giá cụ thể kết quả của hoạt động tài chính và điều hành ngân sách, phục vụ cho việc hoạch định và đưa ra các chính sách kinh tế vĩ mô trên phạm vi toàn quốc và từng địa bàn.
- Các báo cáo về tình hình kết quả phân bổ và tình hình chấp hành dự toán, tình hình thu - chi NSNN, phân tích, đánh giá số liệu giữa kế hoạch ngân sách và thực chi.
- Các báo cáo theo các yêu cầu khác.
Các nội dung nêu trên cần được tuân thủ theo yêu cầu của chuẩn mực kế toán công, đặc biệt là chuẩn mực kế toán công tương ứng với IPSAS 22 “Công khai thông tin tài chính về khu vực nhà nước” và IPSAS 24 “Trình bày thông tin ngân sách trong báo cáo tài chính”.
Đối tượng sử dụng thông tin báo cáo
Công chúng (nhân dân), với các thông tin được công khai theo pháp luật quy định. Nhóm đơn vị dự toán NSNN và các quỹ tài chính của Nhà nước (các bộ, ngành; các quỹ tài chính nhà nước). Nhóm cơ quan quản lý tổng hợp (Tổng cục Thống kê; các vụ, cục quản lý chuyên ngành). Nhóm cơ quan chấp hành (Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp tỉnh, huyện). Nhóm cơ quan quyền lực (Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện, xã). Các tổ chức quốc tế, với các thông tin được phép công bố.
Bài đăng trên Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia số 10 - 2013