Thông qua 3 Luật quan trọng do Bộ Tài chính soạn thảo
(Tài chính) Ngày 26/11, Quốc hội đã thông qua 3 dự án Luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế; Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt) với tỷ lệ số phiếu tán thành cao.
Ưu tiên hỗ trợ ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế sẽ chính thức có hiệu lực ngay từ đầu năm 2015. Trao đổi với báo giới, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế có nhiều thay đổi theo hướng ưu tiên và hỗ trợ cho các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Điển hình như Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Chính phủ thống nhất trình Quốc hội ưu tiên khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn với các nội dung sau: Tại tất cả các địa phương ngoài các địa bàn kinh tế - xã hội còn khó khăn, hiện chưa được hưởng các ưu đãi thuế thì áp dụng mức thuế suất 15% suốt đời dự án.
Cùng với việc sửa đổi thuế TNDN, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT). Theo đó, ngành phân bón và thức ăn chăn nuôi sẽ không phải chịu thuế GTGT. Đáng chú ý, Luật không quy định về xóa tiền phạt chậm nộp. Trường hợp cần thiết phải xóa tiền phạt chậm nộp phát sinh trước ngày 1/7/2013 như đề xuất của Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét, ban hành nghị quyết riêng. “Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, Luật còn bổ sung quy định: Bỏ mức phạt chậm nộp 0,07% tính trên số tiền chậm nộp thuế đối với số thuế chậm nộp trên 90 ngày, giữ mức phạt chậm nộp 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền chậm nộp. Trường hợp người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ bằng vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời các khoản thuế, dẫn đến nợ thuế thì không phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế nợ phát sinh trong thời gian ngân sách nhà nước chưa thanh toán”, ông Phạm Đình Thi thông tin thêm.
Tăng thuế đối với thuốc lá, rượu, bia, kinh doanh casinoLuật Thuế Tiêu thụ đặc biệt đã được Quốc hội thông qua với 73,64% số phiếu tán thành. Sau khi thảo luận, Quốc hội đã quyết định chưa bổ sung mặt hàng kinh doanh game online, mặt hàng kinh doanh trò chơi bình chọn, dự báo kết quả, trò chơi có thưởng thông qua nhắn tin, nước ngọt có ga vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đồng thời, tăng mức thuế suất theo lộ trình đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu, bia, kinh doanh casino; giảm thuế suất đối với mặt hàng xăng sinh học. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Theo đó, thời điểm thực hiện đối với các mặt hàng chịu thuế từ ngày 1/7/2015 sẽ chuyển sang thực hiện từ ngày 1/1/2016. Cụ thể như đối với rượu trên 20 độ cồn, áp dụng thuế suất 55% từ ngày 1/1/2016, 60% từ ngày 1/1/2017 và 65% từ ngày 1/1/2018...
Tăng cường giám sát vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp
Với trên 85% số phiếu tán thành, từ ngày 1/7/2015 việc quản lý, sử dụng cũng như quá trình giám sát vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN chính thức được CHÍNHchế định thành luật. Đối tượng áp dụng của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh là đại diện chủ sở hữu nhà nước; DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm: Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty; Công ty TNHH một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN.
Luật cũng quy định rõ 8 nguyên tắc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN. Điển hình như: Tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN; Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành; Bảo đảm có hiệu quả, bảo toàn và gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư vào DN; phòng, chống dàn trải, lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước và DN; Bảo đảm công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN…Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 11-2014