Thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong trường hợp nào?
Theo Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23/4/2019 của Chính phủ về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bị thu hồi trong 05 trường hợp.
05 trường hợp bị thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm:
Một là, khi có sự thay đổi về quy hoạch, phân cấp quản lý;
Hai là, tài sản được giao không đúng đối tượng, sử dụng sai mục đích; cho mượn tài sản;
Ba là, bán, cho thuê, tặng cho, thế chấp, góp vốn, liên doanh, liên kết không đúng quy định;
Bốn là, tài sản đã được giao nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc việc khai thác không hiệu quả;
Năm là, trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Nghị định số 33/2019/NĐ-CP cũng quy định cụ thể thẩm quyền quyết định thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gắn liền với đất thuộc trung ương quản lý không thuộc phạm vi quy định tại điểm a khoản này trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thu hồi được xử lý theo 03 hình thức: Giao quản lý; Điều chuyển; Bán theo quy định tại Nghị định số 33/2019/NĐ-CP.