Thu hút đầu tư chiến lược trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Chưa được như kỳ vọng
Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã thực hiện cổ phần hóa trên 4.500 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhưng theo đánh giá của các nhà chuyên môn, chất lượng doanh nghiệp cổ phần hóa chưa cao.
Một số mục tiêu chưa đạt được, trong đó có mục tiêu bán cổ phần cho các nhà đầu tư và khả năng thu hút các nhà đầu tư chiến lược thấp hơn kỳ vọng.
Chưa đạt mục tiêu
Tại buổi công bố báo cáo kết quả nghiên cứu về cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chiều ngày 30/10, đại diện Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã chỉ ra thực trạng cũng như bất cập trong thu hút cổ đông chiến lược. Theo đó, có 5 nguyên nhân chính khiến cổ phần hóa DNNN chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Đó là việc duy trì quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong một số ngành nghề, lĩnh vực; xác định giá trị doanh nghiệp và giá bán cổ phiếu tại các DNNN chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và chưa phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp; thiếu công khai, minh bạch trong tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn khiến các nhà đầu tư e ngại; các DNNN bộc lộ nhiều nhược điểm nội tại như đầu tư dàn trải vào nhiều lĩnh vực, quản trị kém, nợ đọng cao, thiếu năng lực chuyên môn; cuối cùng, thủ tục cổ phần hóa phức tạp, kéo dài thời gian và nhiều yêu cầu khó khả thi cũng khiến nhiều nhà đầu tư quyết định không tham gia vào quá trình này.
Nhận thức được tầm quan trọng của những cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa DNNN, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung đánh giá các nhà đầu tư chiến lược không chỉ mang lại những nguồn tài chính mới mà còn những giá trị gia tăng cho doanh nghiệp như công nghệ tiên tiến, kỹ năng quản trị, mạng lưới và thị trường mới, giúp doanh nghiệp tăng trưởng, đồng thời đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước. Ông Cung cho rằng phải tìm ra hướng đi mới để thu hút các nhà đầu tư chiến lược cũng như đẩy mạnh công cuộc cổ phần hóa DNNN.
Thay đổi cách tiếp cận
Dựa trên kết quả nghiên cứu, nhóm đã đưa ra 5 khuyến nghị cụ thể về giải pháp chính sách nhằm tăng sức hấp dẫn và khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược tham gia vào cổ phần hóa.
Một là, cần có quy định rõ ràng và minh bạch về những tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để loại bỏ các nhà đầu tư ngắn hạn hoặc không mang lại những giá trị gia tăng thực chất, phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp.
Hai là, Nhà nước nên cân nhắc mở rộng các lĩnh vực ngành nghề nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được nắm giữ cổ phần chi phối, đặc biệt là những lĩnh vực, ngành nghề không ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và chủ quyền quốc gia.
Ba là, việc định giá doanh nghiệp cần tiến hành độc lập bởi các đơn vị có nhiều kinh nghiệm quốc tế và trong nước, dựa trên cơ sở pháp luật hiện hành kết hợp với thông lệ quốc tế.
Bốn là, giá bán cổ phần phải dựa trên giá trị thực của doanh nghiệp, thay vì chỉ dựa vào giá giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Cuối cùng, để tiến trình cổ phần hóa thực sự hiệu quả, các thông tin về doanh nghiệp cổ phần hóa cần được công khai, minh bạch để các nhà đầu tư có đủ thời gian thẩm định thông tin và đánh giá giá trị của doanh nghiệp trước khi tham gia đấu thầu.
Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng cho rằng, việc xác định lộ trình rõ ràng về cổ phần hóa và thoái vốn là cần thiết, tuy nhiên việc phải đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn sẽ tạo ra nhiều rủi ro với các bên liên quan, tạo áp lực cho cả doanh nghiệp cũng như cổ đông chiến lược.
Ông Hùng lo ngại nếu như vậy thì lấy gì bảo đảm hai bên sẽ gắn bó và hợp tác với nhau lâu dài. Vì thế, phải có cách tiếp cận mới trong vấn đề cổ phần hóa và nhà đầu tư chiến lược, hạn chế sự nắm quyền của Nhà nước và mở cửa thông thoáng hơn để doanh nghiệp có thể tự làm chủ.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, nghiên cứu đã chỉ ra 5 giải pháp ứng với 5 nguyên nhân, nhưng nếu cứ chạy mãi với mục tiêu và tầm nhìn đó, liệu có hiệu quả trong tương lai? “Rõ ràng phải có nhiều hướng đi khác mới mẻ và hiệu quả hơn”, ông Thành nói.
Nếu phân loại phương thức cổ phần hóa với mỗi loài hình doanh nghiệp khác nhau thì giải pháp sẽ rõ ràng và chi tiết hơn. Trách nhiệm xã hội và rào cản xung đột lợi ích giữa các bên cũng đáng quan tâm. Trong nhiều trường hợp, nhà đầu tư chiến lược được định vị sẵn trước khi hoàn chỉnh hồ sơ, điều này tốt hay không?
Thực tế, cổ phần hóa DNNN sau 25 năm không thành công. Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nhìn nhận, phía trước còn nhiều việc phải làm nhưng làm như thế nào, ai làm, khi nào làm, thì phải có kế hoạch cụ thể, chính xác.
Cùng với việc hoàn thiện pháp luật thì năng lực thực thi phải được đẩy mạnh, tiếp cận thị trường theo cách của nhà đầu tư. Theo ông Cung, thực hiện cổ phần hóa theo hướng “may đo” chứ không phải “may đồng phục”, tính toán cụ thể, đồng bộ, đổi mới hệ thống tư duy, nhất là trong quản lý hành chính nhà nước.