Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thế hệ mới: Xác định lĩnh vực ưu tiên
“Hầu như không doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nào cho rằng tỷ lệ lao động có trình độ kỹ thuật cao hay chuỗi cung ứng địa phương có năng lực cạnh tranh là thế mạnh của Việt Nam” - báo cáo của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) công bố mới đây đã phần nào cho thấy thực trạng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam hiện nay. Rõ ràng, để hiện thực hóa các mục tiêu thu hút FDI thế hệ mới, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm.
Chưa như mong đợi
Việt Nam mở cửa thu hút FDI đã được 30 năm kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 được thông qua. Mặc dù theo dự kiến, đến tháng 10 năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH - ĐT) mới có báo cáo tổng kết 30 năm trình Chính phủ, song những số liệu về thu hút FDI vẫn thường xuyên được cập nhật, cho thấy bức tranh huy động vốn FDI có nhiều tích cực.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH - ĐT, những năm gần đây, vốn FDI đăng ký liên tục tăng. Đặc biệt, năm 2017, nguồn vốn này đạt 36 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2014 là 20 tỷ USD. Nếu tính theo tỷ lệ % GDP, vốn FDI tại Việt Nam cao hơn Trung Quốc, Ấn Độ và hầu hết các nước trong khu vực ASEAN.
Đến nay, có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với khoảng 26.000 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 326 tỷ USD, tổng vốn đã thực hiện trên 180 tỷ USD. Khu vực FDI đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và 20% GDP, chiếm hơn 71% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ngoài ra, khu vực này tạo 3,6 triệu việc làm trực tiếp và 5 - 6 triệu việc làm gián tiếp…
Rõ ràng, đóng góp tích cực của khối FDI vào nền kinh tế là không nhỏ. Tuy nhiên, mặt hạn chế cũng không ít, dù có nhiều chính sách ưu đãi. Điều này đã được lãnh đạo Bộ KH - ĐT tư nhiều lần thừa nhận.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018, Bộ trưởng Bộ KH - ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước “chưa đạt được như kỳ vọng”, “phát triển công nghiệp hỗ trợ và chuyển giao công nghệ còn nhiều hạn chế”.
Còn tại Hội thảo một số khuyến nghị về chiến lược và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới 2020 - 2030 tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ KH - ĐT Vũ Đại Thắng thừa nhận, nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam “chưa có sự bứt phá so với các nguồn vốn khác, sự lan tỏa của các dự án FDI đối với các dự án đầu tư trong nước cũng như giá trị gia tăng mang đến còn hạn chế”…
Một trong những nguyên nhân của những hạn chế trên là do chính sách thu hút FDI. Trong Báo cáo Chiến lược và định hướng thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2020 - 2030 của nhóm chuyên gia IFC nêu rõ, kết quả phỏng vấn các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam cho thấy, bên cạnh yếu tố chính trị ổn định và nhu cầu đa dạng hóa địa điểm của nhà đầu tư Trung Quốc, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng chi phí nhân công và chi phí năng lượng thấp cùng với chính sách ưu đãi thuế là những lý do chính để họ quyết định đầu tư vào Việt Nam.
“Hầu như không doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nào cho rằng tỷ lệ lao động có trình độ kỹ thuật cao hay chuỗi cung ứng địa phương có năng lực cạnh tranh là thế mạnh của Việt Nam”, báo cáo nêu rõ.
Trong bối cảnh xuất hiện nhiều xu hướng lớn toàn cầu có ảnh hưởng đến FDI khoảng mười năm tới, mà thách thức và đột phá lớn nhất là Cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp đó là Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam cùng với sáng kiến Một vành đai, một con đường của Trung Quốc, việc điều chỉnh chính sách để thu hút FDI thế hệ mới là yêu cầu bức thiết đặt ra hiện nay.
Trên thực tế, không phải đến bây giờ Chính phủ mới nhận thức cần có sự thay đổi chiến lược về thể chế chính sách để nâng cao sức cạnh tranh trong khối ASEAN, duy trì bền vững nguồn vốn FDI đã đăng ký và thực hiện, tăng cường thu hút các dự án FDI có giá trị gia tăng cao hơn.
Bằng chứng là từ năm 2013, Nghị quyết số 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài thời gian tới được ban hành, trong đó đưa ra nhiều giải pháp như hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch; đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư…
Song, theo các chuyên gia, để thu hút FDI thế hệ mới, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp trên, Việt Nam cũng cần xác định các ngành ưu tiên để xúc tiến đầu tư.
Theo chuyên gia trưởng lĩnh vực tư nhân của IFC, ông Wim Douw, việc xác định những lĩnh vực FDI mang lại giá trị gia tăng cao nhất nên bắt đầu bằng định nghĩa thế nào là FDI có giá trị thấp. Đó là các FDI có giá trị duy nhất được giữ lại trong nước chỉ là mức lương và dịch vụ hạ tầng, những yếu tố có chi phí thấp.
“Việt Nam cần chú trọng vào các ngành/lĩnh vực có thể tạo giá trị gia tăng cho chi phí nhân công, đào tạo tay nghề cho lao động địa phương như các dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính, sản xuất sản phẩm tạo giá trị gia tăng từ các nguồn nguyên liệu đầu vào trong nước (hóa chất, kim loại phẩm cấp cao, du lịch và sản phẩm nông nghiệp đặc thù...)”, đại diện IFC khuyến cáo.
Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi nên thu hẹp với những dự án công nghệ cao. “Đối với những dự án mà doanh nghiệp trong nước có thể làm thì kiên quyết từ chối doanh nghiệp FDI. Với các dự án đang hoạt động, cần rà soát tổng thể xem dự án nào thực sự gây hại cho Việt Nam thì nên dừng lại. Đồng thời, nên siết lại thẩm quyền cấp phép cho dự án FDI về các địa phương, chỉ nên giao cho Bộ KH - ĐT thực hiện với cơ chế công khai, minh bạch, bảo đảm các dự án FDI thực chất”, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược nêu ý kiến.