Thu hút FDI theo hướng chọn lọc, bền vững: Nhìn từ thực tế tỉnh Đồng Nai
Với vị trí thuận lợi trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong những năm qua, tỉnh Đồng Nai đã trở thành “điểm đến” hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Qua hơn 30 năm thực hiện Luật Đầu tư, Đồng Nai luôn là địa phương nằm trong top các địa phương thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất cả nước, kinh tế - xã hội của Tỉnh được duy trì ổn định, đời sống người dân được nâng cao. Thời gian tới, Đồng Nai phấn đấu thu hút FDI theo hướng chọn lọc và bền vững.
Tập trung thu hút FDI có chọn lọc
Trong những năm qua, nguồn vốn FDI đã tạo ra động lực và góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung của kinh tế tỉnh Đồng Nai. Cụ thể, quy mô giá trị sản xuất công nghiệp của Đồng Nai hiện đã tăng gần 200 lần so với năm 1985. Sự phát triển của ngành công nghiệp đã kéo theo sự phát triển của các lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp… Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) liên tục tăng trưởng với tốc độ cao trong nhiều năm liền, bình quân tăng 12%/năm, gấp đôi mức tăng bình quân chung của cả nước. Các kết quả trên có được là nhờ Tỉnh có chính sách thông thoáng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư (NĐT). Trước khi có Trung tâm Hành chính công của Đồng Nai đã thực hiện nhiều giải pháp để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, trong đó chú trọng công tác cải cách hành chính. Hàng năm, UBND Tỉnh đều tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại với các NĐT FDI, nhằm trao đổi thông tin, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), hỗ trợ DN tuyển dụng lao động, đầu tư xây dựng hạ tầng, các công trình phúc lợi, xã hội… qua đó tạo môi trường đầu tư thân thiện, hấp dẫn.
Cải cách các thủ tục hành chính đã trở thành một trong những “điểm nhấn” đáng chú ý trong thu hút FDI của Đồng Nai. Tỉnh đã tổ chức thực hiện xúc tiến đầu tư tại chỗ, mọi vấn đề, vướng mắc phát sinh của NĐT đều được giải quyết. Tại bộ phận một cửa của Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, thời gian giải quyết hồ sơ được thực hiện rút gọn trung bình chỉ bằng khoảng 60% - 70% thời gian theo quy định.
Đồng Nai đã trở thành nơi được DN các nước chọn là “cứ điểm” đầu tiên. Sau một thời gian hoạt động thành công, nhiều DN dần mở rộng đầu tư ra các tỉnh thành khác như: Samsung, Hyosung, Taekwang Vina... Nguyên nhân là do Đồng Nai là nơi có công nghiệp hỗ trợ phát triển, DN dễ tìm nguồn cung nguyên liệu giảm nhập khẩu và chủ động trong sản xuất. Bên cạnh đó, chính sách thu hút đầu tư, tay nghề lao động, quy trình giải quyết khó khăn, vướng mắc của Đồng Nai cũng được các DN đánh giá cao.
Giai đoạn 2001 - 2010, dòng vốn FDI đổ vào Đồng Nai có mức tăng đột phá, đạt 9 tỷ USD, bình quân mỗi năm vốn đăng ký đạt 900 triệu USD. Dự án đầu tư lớn nhất trong giai đoạn này thuộc Tập đoàn Formosa Đài Loan với vốn đầu tư 951 triệu USD. Từ năm 2011 đến nay, thu hút đầu tư FDI theo định hướng của Tỉnh là ưu tiên công nghiệp hỗ trợ, ít ô nhiễm môi trường, công nghệ cao... Đồng Nai đã thu hút được 7,3 tỷ USD. Có nhiều dự án lớn, ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, y tế thuộc Công ty TNHH Lixil VN có vốn đăng ký 441 triệu USD, Công ty TNHH SMC Manufacturing hơn 111 triệu USD, Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai 660 triệu USD... Điều này cho thấy, dấu hiệu của “làn sóng đầu tư nước ngoài” thứ hai vào Đồng Nai với các dự án ngày càng phù hợp với định hướng ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh.
Năm 2018, thu ngân sách từ các dự án FDI là 27.000 tỷ đồng, chiếm 54% tổng thu ngân sách của Tỉnh. Đồng Nai đã thu hút các nhà đầu tư từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó các quốc gia và vùng lãnh thổ đứng đầu về vốn đầu tư cao là: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… Hiện nay, Đồng Nai có 32 khu công nghiệp đã được cấp phép đầu tư. Trong đó, 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 1.260 dự án FDI và 430 dự án của nhà đầu tư trong nước với tổng vốn 26,8 tỷ USD. Tỉnh trở thành nơi phát triển công nghiệp nhất cả nước và là một trong những tỉnh thành thuộc nhóm đầu của cả nước về thu ngân sách. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp cũng giải quyết việc làm cho gần 600 nghìn lao động trong và ngoài Tỉnh. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, thu hút FDI tại Đồng Nai 5 tháng đầu năm 2019 dược gần 809 triệu USD, đạt trên 80% kế hoạch năm. Trong đó, số dự án cấp mới khoảng 41 dự án với tổng vốn gần 400 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn 35 dự án có vốn là 409 triệu USD. Các dự án đầu tư mới và tăng vốn hầu hết nằm trong các khu công nghiệp để xây dựng nhà xưởng sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Những quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư vào Đồng Nai nhiều là: Hàn Quốc, Nhật Bản... Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là sản xuất công nghiệp hỗ trợ, đúng ngành nghề tỉnh đang ưu tiên mời gọi đầu tư.
Đồng Nai đã thu hút FDI có chọn lọc nhằm hướng đến những dự án có chất lượng để phát triển công nghiệp bền vững. Thực tế tại Đồng Nai có những dự án FDI có số vốn không lớn, nhưng có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, mang lại thu nhập ổn định cho người lao động. Ngược lại, đối với các dự án có số vốn lớn song nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều lao động hoặc đóng góp cho ngân sách, xã hội ít đều bị từ chối.
Sau khi thu hút đầu tư có chọn lọc kỹ càng, các ngành công nghiệp của Tỉnh phát triển đúng theo định hướng. Cụ thể là lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm 84% tổng vốn đăng ký, còn lại là lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ và nông nghiệp. Các doanh nghiệp FDI đã giải quyết việc làm cho gần 1 triệu lao động của địa phương và các tỉnh, thành trong cả nước với mức lương bình quân từ 7-9 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, Đồng Nai có 32 khu công nghiệp đã được cấp phép đầu tư. Trong đó, 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 1.260 dự án FDI và 430 dự án của nhà đầu tư trong nước với tổng vốn 26,8 tỷ USD.
Hơn 10 năm trở lại đây, những dự án FDI thu hút được đều có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và đa phần thuộc lĩnh vực Tỉnh ưu tiên thu hút là công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao. Các dự án FDI thu hút được đều có chất lượng, có giá trị gia tăng cao nên doanh thu của các DN FDI, đóng góp cho ngân sách nhà nước mỗi năm đều tăng trên 10% (tương đương hơn 2.500 tỷ đồng).
Tuy đạt được những kết quả quan trọng nhưng thu hút FDI vào Đồng Nai vẫn còn hạn chế, đáng chú ý là liên kết của khu vực FDI với khu vực trong nước chưa chặt chẽ và hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao; Dự án FDI chủ yếu tập trung ở các ngành sử dụng nhiều lao động, công nghệ trung bình; Phần lớn phụ tùng, nguyên vật liệu và dịch vụ đi kèm cho sản xuất được nhập khẩu, thay vì được cung ứng bởi các DN trong nước; Mục tiêu tiếp thu công nghệ mới, tiên tiến từ các nước công nghiệp phát triển hàng đầu rất khó khăn.
Giải pháp thu hút FDI theo hướng bền vững
Để thu hút nguồn vốn FDI vào Đồng Nai bền vững, thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, Đồng Nai cần có những chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ có giá trị kinh tế lớn. Cụ thể, Đồng Nai cần hoàn thiện quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi trong mời gọi đầu tư. Trong đó, chú trọng quy hoạch các khu đô thị mới, các trung tâm tài chính thương mại, dịch vụ du lịch. Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN FDI, Đồng Nai cần tiếp tục chú trọng đầu tư kết nối hạ tầng giao thông, logistics.
Hai là, các sở, ngành tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ tạo thuận lợi cho các DN FDI nói riêng và các NĐT nói chung đầu tư vào Tỉnh.
Ba là, tăng cường thu hút FDI quy mô lớn từ Công ty xuyên quốc gia trong danh sách Global 2000 của Forbes vào các ngành sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến và dịch vụ hiện đại. Lĩnh vực ưu tiên thu hút là công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ thông tin và viễn thông, điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, tự động hóa, vật liệu mới...
Bốn là, có chính sách cụ thể để tăng cường kết nối DN FDI với các DN trong nước; nâng cấp/kiện toàn cơ quan xúc tiến đầu tư “thế hệ mới” để điều phối thực hiện chiến lược thu hút FDI trong tình hình mới và có chính sách xúc tiến đầu tư chiến lược ra nước ngoài. Tỉnh chú trọng công tác xúc tiến đầu tư hướng vào các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Đài Loan... các đối tác có tiềm lực về công nghệ, tài chính; Thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư kết hợp với xúc tiến thương mại, du lịch trong và ngoài nước nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng của hoạt động xúc tiến.
Giai đoạn 2001 - 2010, dòng vốn FDI đổ vào Đồng Nai có mức tăng đột phá, đạt 9 tỷ USD, bình quân mỗi năm vốn đăng ký đạt 900 triệu USD. Từ năm 2011 đến nay, thu hút đầu tư FDI theo định hướng của tỉnh là ưu tiên công nghiệp hỗ trợ, ít ô nhiễm môi trường, công nghệ cao... Đồng Nai đã thu hút được 7,3 tỷ USD. Có nhiều dự án lớn, ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, y tế.
Năm là, xây dựng môi trường kinh doanh/môi trường đầu tư 4.0; tăng cường đầu tư nước ngoài ở những ngành làm nền tảng cho cạnh tranh và tăng trưởng; Hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ.
Tới đây, song song với cải cách hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, Đồng Nai sẽ phối hợp cùng các cơ quan Trung ương đẩy nhanh việc xây dựng các dự án trọng điểm như: Sân bay quốc tế Long Thành; đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết; đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương; đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường Vành đai 3 Tân Vạn - Nhơn Trạch. Ngoài ra, tỉnh sẽ đầu tư các tuyến giao thông kết nối liên huyện Trảng Bom - Vĩnh Cửu, Trảng Bom - Thống Nhất, Long Thành - Cẩm Mỹ và hệ thống đường nhánh kết nối khu vực Sân bay quốc tế Long Thành với phương châm giao thông phải đi trước một bước, chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp.
Sáu là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và nguồn nhân lực cho các KCN của Tỉnh nói riêng. Đổi mới chế độ tuyển dụng, chính sách thu nhập, tiền lương phù hợp, môi trường làm việc, chính sách việc làm, bảo hiểm, bảo trợ xã hội, điều kiện nhà ở và các điều kiện sinh sống tốt... để người lao động phát huy hết khả năng.
Tài liệu tham khảo:
1. UBND tỉnh Đồng Nai (2018), Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai năm 2018 và phương hướng năm 2019;
2. Vốn FDI vào Đồng Nai vượt 60% kế hoạch cả năm 2018, https://bnews.vn/von-fdi-vao-dong-nai-vuot-60-ke-hoach-ca-nam-2018/99351.html;
3. 30 năm thu hút FDI: Việt Nam luôn đồng hành với các nhà đầu tư, https://bnews.vn/30-nam-thu-hut-fdi-viet-nam-luon-dong-hanh-voi-cac-nha-dau-tu/97909.html;
4. Hương Giang (2019), Thu hút FDI “phiên bản” mới, truy cập từ https://www.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=164348&CatId=115.