Thu hút FDI vẫn khả quan

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại khi quý I, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới và điều chỉnh bổ sung chỉ đạt trên 1,8 tỷ USD, giảm tới 45% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế tin tưởng, thu hút FDI năm nay vẫn khả quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 3.2015, cả nước có 267 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 1,21 tỷ USD, bằng 59,4% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, có 102 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 621,12 triệu USD, bằng 48,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong quý I.2015, tổng vốn FDI đăng ký mới và điều chỉnh bổ sung đạt trên 1,8 tỷ USD, giảm tới 45% so với cùng kỳ năm 2014. Con số thống kê này đã gây ra nhiều lo ngại khi thời gian qua, nguồn vốn FDI luôn có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng xuất khẩu của nước ta.

Tuy nhiên thực tế, nhiều chuyên gia vẫn tin tưởng, từ nay đến cuối năm thu hút vốn FDI sẽ đạt kết quả khả quan. Vốn FDI đăng ký quý I.2015 giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước do trong quý I.2014, tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm của 20 dự án có quy mô lớn đã là trên 3 tỷ USD. Trong khi đó, quý I năm nay, chưa xuất hiện dự án lớn vì đang trong quá trình đàm phán, chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Vì vậy, kết quả thu hút FDI trong quý I chỉ là tạm thời và không thể là cơ sở để đánh giá cho thu hút FDI cả năm. Thêm vào đó, điều quan trọng trong thu hút FDI là tốc độ giải ngân của quý I đã tăng 7% với cùng kỳ năm 2014, ước tính đạt 3,05 tỷ USD. Còn nguồn vốn FDI từ Nhật Bản - một trong những quốc gia có nhiều dự án đầu tư FDI vào nước ta giảm mạnh, đạt 294 triệu USD trong quý I năm nay, giảm 120 triệu USD so với cùng kỳ năm 2014, chỉ là hiện tượng nhất thời. Bởi hiện nay, quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đang tốt đẹp. Khảo sát năm 2014 cho thấy, có đến khoảng 70% doanh nghiệp Nhật Bản thể hiện mong muốn tiếp tục đầu tư ở nước ta.

Bên cạnh đó, năm 2015, nước ta đứng trước nhiều cơ hội hội nhập, mở cửa mạnh mẽ, với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) có thể được ký kết như: FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu, Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN có hiệu lực... Đây sẽ là lối mở giúp môi trường đầu tư của nước ta hấp dẫn hơn và thu hút được đầu tư. Thực tế thì các nhà đầu tư từ Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu cũng đã thể hiện xu hướng dịch chuyển nhà máy sang nước ta, đặc biệt là nhiều nhà đầu tư Mỹ muốn dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang.

Cùng chung nhận định này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho rằng, với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ và Quốc hội, nhất là việc ban hành Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), dự báo môi trường đầu tư của nước ta sẽ ngày càng thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn hơn. Ngoài ra, từ đầu tháng 3.2015, hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài đã chính thức vận hành. Đây sẽ là kho cơ sở dữ liệu về tất cả các dự án FDI trên cả nước và có vai trò quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài. Thông qua kho cơ sở dữ liệu này, công tác quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài sẽ được thực hiện nhanh chóng, tiện lợi, bảo đảm được tính thống nhất trong quản lý....

Để bảo đảm kết quả thu hút FDI năm 2015, trước mắt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tăng cường phối hợp với các các bộ, ngành, địa phương trong quá trình chuẩn bị triển khai thi hành Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Đồng thời, đẩy mạnh nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, trong đó tập trung điều phối chặt chẽ các chương trình xúc tiến đầu tư của địa phương, tránh tản mát, chồng chéo...