Thu hút nhân lực điện hạt nhân: Bằng cách nào?
(Taichinh) - Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 đã và đang tích cực được triển khai. Tuy nhiên với xuất phát điểm thấp về phát triển điện hạt nhân, vấn đề lớn nhất của Việt Nam vẫn là làm sao đào tạo kịp và đủ nguồn nhân lực phục vụ quá trình xây dựng, cũng như cho vận hành nhà máy điện hạt nhân…
Yêu cầu nguồn nhân lực lớn
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, cả nước có khoảng 800 cán bộ có trình độ đại học trở lên đang làm việc ở 40 lĩnh vực chuyên môn khác nhau liên quan đến năng lượng nguyên tử. Nhân lực phục vụ phát triển điện hạt nhân (ĐHN) là 300 người, còn số cán bộ có chuyên môn về công nghệ, an toàn lò phản ứng và nhà máy ĐHN vào khoảng 100 người.
Trong khi đó, đến năm 2020, nhu cầu nhân lực của nước ta trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cần khoảng 4.355 người, riêng lĩnh vực điện hạt nhân cần 2.850 người, trong đó, cán bộ chuyên môn về công nghệ, an toàn lò phản ứng và nhà máy ĐHN vào khoảng 1.600 người. Ước tính, mỗi nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận có 1.100 người với cơ cấu trình độ đại học (442 người), cao đẳng nghề (461 người) và lao động phổ thông (197 người).
Như vậy, so với yêu cầu thực tế, nhân lực ngành Năng lượng nguyên tử thiếu cả về số lượng, cơ cấu chuyên môn và trình độ.
Nhiều chính sách ưu đãi
Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 (hợp tác với Nga) đã gửi đào tạo nước ngoài 282 người, trong đó chủ yếu được đào tạo tại Nga. Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 (hợp tác với Nhật Bản) gửi đào tạo 100 người. Tuy nhiên, để đáp ứng đủ nhu cầu về nguồn nhân lực lĩnh vực năng lượng nguyên tử, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu vào ngành học này tại các cơ sở đào tạo trong nước. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định ưu đãi đối với sinh viên các chuyên ngành năng lượng nguyên tử như: Được miễn hoàn toàn học phí và phí ký túc xá, sinh viên loại giỏi trở lên được học bổng gấp 15 lần học phí/tháng, sinh viên loại khá được học bổng gấp 8 lần học phí/tháng.
Ngoài ra, sinh viên các chuyên ngành năng lượng nguyên tử năm cuối của chương trình đào tạo nếu đạt loại khá trở lên được xét tuyển đi học 6 tháng tại một số nước phát triển về ngành năng lượng nguyên tử. Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở lên được chuyển thẳng hệ cao học và làm nghiên cứu sinh ở trong nước và nước ngoài, được ưu tiên tuyển vào làm việc tại các cơ quan năng lượng nguyên tử mà không phải thử việc…
“Chế độ ưu đãi cho sinh viên đi đào tạo, cán bộ làm việc trong lĩnh vực ĐHN không thua kém gì với các chiến sỹ công tác tại các đơn vị tàu ngầm” - ông Nguyễn Cường Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn EVN, Trưởng ban quản lý dự án ĐHN Ninh Thuận nhận định.