Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2021 và định hướng năm 2022


Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2021 của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong điều kiện đất nước bị tác động mạnh mẽ bởi làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam trong năm qua vẫn còn những tồn tại cần khắc phục. Bước sang năm 2022, Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi đà tăng trưởng. Đây chính là lực đẩy để Việt Nam tiếp tục thu hút luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2022.

Năm 2021, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng số lượng dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới khoảng 2.300 dự án.
Năm 2021, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng số lượng dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới khoảng 2.300 dự án.

Điểm sáng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2021

Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, trong đó có việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhàđầu tư quốc tế. Cụ thể:

Thứ nhất, số lượng vốn thực hiện của năm 2021 vẫn được duy trì nhịp độ tăng so với năm 2017.

Trong điều kiện diễn biến dịch COVID-19 khá phức tạp, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm về số vốn đăng ký nhưng điểm sáng là số vốn thực hiện trong năm 2021 mặc dù giảm nhẹ so với năm 2020 nhưng vẫn tăng mạnh so với năm 2017 (Hình 1).

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2021 và định hướng năm 2022  - Ảnh 1

Cụ thể, số lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký giảm từ 35,88 tỷ USD năm 2017 xuống còn 31,15 tỷ USD trong năm 2021; trong khi đó vốn thực hiện tăng từ 17,5 tỷ USD năm 2017 lên 19,74 tỷ USD trong năm 2021.

Với tình hình diễn biến đại dịch COVID-19 chưa có nhiều chuyển biến tích cực, các quốc gia đã hạn chế sự kết nối với nền kinh tế thế giới, kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài như thể hiện trên là một trong những nỗ lực rất lớn của Việt Nam.

Thứ hai, tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung vào hai ngành công nghiệp và dịch vụ. Chiến lược dài hạn của Việt Nam trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cho đến nay vẫn tập trung vào những ngành, lĩnh vực sử dụng ít lao động và có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại ở khu vực và trên thế giới. Trong đó, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành công nghiệp, chế biến chế tạo được ưu tiên.

Chính vì vậy, tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ngành công nghiệp, chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất đã phản ánh được chiến lược nhất quán này của Việt Nam. Với hơn 59% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung trong ngành công nghiệp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đã và đang tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa và quốc tế.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2021 và định hướng năm 2022  - Ảnh 2

Thứ ba, tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới, tăng vốn và góp vốn, mua cổ phần đều tăng liên tục trong các tháng của năm 2021.

Năm 2021, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng số lượng dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới đạt 1.738 dự án. So với cùng kỳ năm 2020, giảm 31,1% về số dự án nhưng tăng 4,1% về số vốn đăng ký so với năm trước, kết quả này cho thấy nỗ lực rất lớn của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài suy giảm trên phạm vi toàn cầu.

Theo báo cáo Đầu tư toàn cầu năm 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) thì Việt Nam lần đầu tiên trở thành một trong 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2021 và định hướng năm 2022  - Ảnh 3

Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số lượt dự án tăng vốn ở Việt Nam trong năm 2021 là 985 và tổng số lượt dự án góp vốn, mua cổ phần là 3.797. Xu hướng đó phản ánh khá sát với xu thế dịch chuyển và mục tiêu đầu tư, sáp nhập xuyên quốc gia của các tập đoàn hàng đầu thế giới như trong nhận định của UNCTAD (2021).

Các số liệu thống kê cho thấy, xu hướng tăng vốn của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng dần vào các tháng cuối năm 2021. Điều này thể hiện kỳ vọng của các nhà đầu tư quốc tế tới triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam trong năm 2022.

Với độ nhạy cảm giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và sự bùng phát của đại dịch COVID-19, việc duy trì được dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào trong nền kinh tế của Việt Nam có thể được coi là một trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2021.

 Thứ tư, giá trị tăng vốn bình quân của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2021 gia tăng khá ấn tượng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022.

Trong năm 2021, việc đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát nền kinh tế Việt Nam đã bị tác động nặng nề từ quý III/2021. Tuy nhiên, nhịp độ gia tăng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bình quân theo dự án vào nền kinh tế của nước ta vẫn tăng đều đặn trong các tháng của năm 2021 (Hình 3).

Số vốn góp, mua cổ phần bình quân mỗi dự án tăng từ 1,14 triệu USD trong tháng 1 lên xấp xỉ 1,9 triệu USD trong tháng 11/2021 và tăng mạnh lên mức 7,58 triệu USD trong tháng 12/2021. Bên cạnh đó, giá trị bình quân vốn đăng ký tăng thêm trên một dự án trong năm 2021 là 11,01 triệu USD và giá trị vốn đăng ký cấp mới bình quân một dự án trong cùng kỳ là 12,03 triệu USD.

Với kết quả đó, giá trị vốn đăng ký cấp mới năm 2021 đạt khoảng 15,25 tỷ USD (tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020), giá trị vốn đăng ký tăng thêm đạt xấp xỉ 9,02 tỷ USD (tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2020), và giá trị vốn góp, mua cổ phần đạt khoảng 6,89 tỷ USD (giảm 7,7% so với cùng kỳ năm  2020). Sự sụt giảm phần góp vốn, mua cổ phần trong năm 2021 phản ánh xu thế giảm dần sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với việc mua lại các dự án giữa các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam hiện nay.

Thứ năm, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lũy kế đến cuối năm 2021 của nhiều quốc gia có mức vốn đầu tư từ 10 tỷ USD trở lên đã hình thành những đối tác trung thành và truyền thống của Việt Nam.

Trong số 10 quốc gia đứng đầu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam có giá trị vốn đầu tư tại nước ta từ 10 tỷ USD trở lên, thì có 8 quốc gia đã có những hoạt động đầu tư ở Việt Nam từ rất sớm. Điều đó cho thấy đến nay, Việt Nam đã có những đối tác đầu tư truyền thống và trung thành.

Quan trọng hơn, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến các hoạt động kinh tế của đất nước, các đối tác đầu tư này đều tiếp tục gia tăng vốn đầu tư và không có kế hoạch di dời cơ sở sản xuất – kinh doanh ra khỏi Việt Nam.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 quốc gia có mức vốn đầu tư vào Việt Nam từ 10 tỷ USD trở lên thì Hàn Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất với 18,29%, tiếp đến là Nhật Bản và Singapore (chiếm tỷ trọng lần lượt là 15,78% và 15,77%). Đài Loan là quốc gia có tỷ trọng vốn đầu tư đứng hạng 4 với tỷ trọng là 8,66%; tiếp đến là Hồng Kông và Trung Quốc với tỷ trọng lần lượt là 6,8% và 5,23%.

Thái Lan và Malaysia đều tỷ trọng vốn đầu tư trong số nhóm quốc gia dẫn đầu lần lượt là 3,19% và 3,14%; và hai quốc gia cuối cùng là Hà Lan và Hoa Kỳ có tỷ trọng vốn đầu tư lần lượt là 2,57% và 2,52%.

Trong tương lai, khi năng lực nội tại của nền kinh tế Việt Nam gia tăng và trình độ khoa học, kỹ thuật cũng như chất lượng nguồn  nhân lực của Việt Nam tăng lên thì cơ cấu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo các quốc gia có vốn đầu tư từ 10 tỷ USD trở lên sẽ có sự dịch chuyển theo hướng các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp đến mới là các quốc gia châu Á khác.

Mt s khó khăn, thách thc

Mặc dù thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài 2021 đạt những kết quả khả quan nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít khó khăn, thử thách. Theo đó, sự đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trong một thời gian dài do các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt của nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang làm cho môi trường đầu tư của các quốc gia này trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam không phải là một ngoại lệ trong xu thế chung đó.

Chính vì vậy, có nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đang có kế hoạch dịch đầu tư, nhiều kế hoạch đẩy mạnh đầu tư, nâng cao công suất của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang bị tạm ngừng hoặc đình trệ.

Trước đây, có nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản, Đức có kế hoạch rút khỏi thị trường Trung Quốc để dịch chuyển sang Việt Nam nhưng đến nay thì các kế hoạch này dường như không nhiều hy vọng.

Việc kéo dài phương thức phòng chống dịch của giai đoạn trước đã ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo khảo sát gần đây của EuroCham thì khoảng 1/3 các thành viên của EuroCham đã phải đa dạng hóa, chuyển đổi cơ sở sản xuất ra khỏi Việt Nam đến một số quốc gia khác.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, có 24% doanh nghiệp của Pháp hoạt động tại Việt Nam dưới 10 năm và 37% doanh nghiệp hoạt động trên 10 năm đang phải chật vật để duy trì hoạt động và sự tồn tại của mình trên thị trường Việt Nam.

Trong bối cảnh của dịch COVID-19, mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh trên phạm vi rộng, tuy nhiên, việc tập trung chú trọng vào phòng chống dịch có thể dẫn đến hệ lụy là chưa có được lộ trình mở cửa hợp lý.

Việc thiếu vắng lộ trình mở cửa đã khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài trở nên do dự khi đưa ra các quyết định dịch chuyển luồng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, hoặc các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đã có các kế hoạch để dịch chuyển sang một số thị trường khác trong khu vực.

Theo Nikkei Asia (Nhật Bản), mặc dù chỉ số phục hồi sau COVID-19 của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể từ vị trí 121/121 trong kết quả đánh giá tháng 8 đã nhảy lên vị trí 118/121 trong tháng 9, 95/121 trong tháng 10 và rơi xuống vị trí 118/122 trong tháng 11.

Sự lên xuống không bền vững của chỉ số phục hồi sau Covid-19 cho thấy những nỗ lực phục hồi kinh tế của Việt Nam có thể đứng trước rủi ro khó đạt được như kỳ vọng của các cơ quan hoạch định chính sách. Do đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị Việt Nam cần có một chương trình hành động ứng phó hiệu quả với các đợt bùng phát dịch bằng những kịch bản, kế hoạch chi tiết.

Mt s đnh hưng trong năm 2022

Năm 2022, Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi đà tăng trưởng khi các tổ chức quốc tế đều đưa ra những dự báo khá khả quan cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như: Ngân hàng Thế giới (dự báo tăng trưởng từ 6,5% đến 7%), Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo tăng trưởng 6,5% và Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng 6,6%.

Những dự báo khả quan đó sẽ hỗ trợ cho Việt Nam phục hồi lực thu hút luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2022. Tuy nhiên, để có thể tiếp tục thu hút dòng vốn này thì Việt Nam cần chú trọng thực hiện một số định hướng lớn sau:

Thứ nhất, Việt Nam cần chứng tỏ quyết tâm phục hồi nền kinh tế đối với các nhà đầu tư nước ngoài bằng các kế hoạch phòng, chống dịch trong giai đoạn tới một cách rõ ràng và phân chia biện pháp theo từng giai đoạn.

Để làm được điều đó thì công tác dự báo khả năng bùng phát dịch và các kế hoạch phòng ngừa cần được xây dựng trên cơ sở các kịch bản phát triển của dịch. Kế hoạch phòng, chống dịch của Chính phủ rõ ràng, có lộ trình phù hợp sẽ hỗ trợ rất lớn cho các kế hoạch sản xuất, đầu tư mở rộng sản xuất của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Thứ hai, lộ trình mở cửa nền kinh tế đi kèm với các biện pháp phòng ngừa sự lây lan, bùng phát của dịch bệnh cần được xác định rõ ràng và nghiêm chỉnh thực hiện. Việc mở cửa, kết nối lại với nền kinh tế các quốc gia khác trong khu vực và trên toàn cầu cũng cần được tính toán có lộ trình hợp lý để không chỉ bảo vệ người dân trước sự tấn công của đại dịch mà còn bảo đảm cơ hội kinh doanh, mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ ba, bên cạnh cam kết mạnh mẽ, quyết liệt thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế, Việt Nam cũng cần thúc đẩy tốc độ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và kế hoạch phục hồi nền kinh tế. Mở cửa nền kinh tế, tổ chức thực hiện kế hoạch phục hồi nền kinh tế là những việc không thể trì hoãn lâu trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường.

Tuy nhiên, việc không thể trì hoãn cũng không đồng nghĩa với việc thực hiện mà không có tính toán cẩn trọng và thực hiện từng bước hợp với theo phương châm “làm đến đâu, chắc đến đó”, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Thứ tư, đại dịch COVID-19 có quy mô, tính chất toàn cầu kết hợp với bối cảnh diễn biến kinh tế, chính trị của thế giới càng bất định sẽ dẫn đến những hệ lụy lớn đối với việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Do đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên và liên tục lắng nghe doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để có thể giải quyết kịp thời các vướng mắc và những vấn đề mới phát sinh.

Thông qua đối thoại để hai bên hiểu rõ hơn về nhu cầu và kế hoạch của các bên; và cũng bằng đối thoại để có thể giúp được cả phía Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài giải quyết được các khó khăn trước mắt và nhanh chóng thực hiện kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh và mở rộng sản xuất sau dịch.

* TS. Ngô Thị Ngọc Anh - Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 - Tháng 01/2022.