Thu hút vốn xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không

Theo Trang Ly/nhandan.vn

Phát triển cảng hàng không hiện nay, cần xã hội hóa, huy động nguồn lực đầu tư. Bộ Giao thông vận tải mong muốn trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục đồng hành với ngành giao thông trong việc phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có kết cấu hạ tầng hàng không.

Chiều 4/11, tại Quảng Ninh, Báo Giao thông tổ chức tọa đàm với chủ đề “Huy động nguồn lực xã hội đầu tư cảng hàng không và những bài học kinh nghiệm”.

Phát biểu ý kiến tại tọa đàm, Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, hiện nay, nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp nhà nước và ngân sách nhà nước trung ương cho lĩnh vực giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng hàng không có hạn. Chính phủ chỉ tập trung vào công trình quan trọng như đường cất hạ cánh.

Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã gửi đề cương “Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không” tới các tỉnh, thành phố để các địa phương tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện đề án, làm cơ sở triển khai thu hút nguồn lực đầu tư các cảng hàng không, sân bay.

Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, trong các lĩnh vực giao thông vận tải, hàng không là lĩnh vực kinh tế vận tải áp dụng kỹ thuật công nghệ cao, hiện đại với hoạt động mang tính quốc tế cao, gắn liền với an toàn và an ninh nên phải hoạt động đồng bộ theo quy trình chặt chẽ.

Qua buổi tọa đàm, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải mong các cơ quan, địa phương, nhà đầu tư có thêm thông tin, nhận thức về cách thức, trình tự, thủ tục và những thách thức phải đối diện trong quá trình huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không theo phương thức đối tác công-tư (PPP).

Những năm vừa qua, ngành hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc, 10 năm gần đây đạt khoảng 18%, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Tăng trưởng vận tải hàng không với tốc độ cao đã và đang tạo áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng hàng không. Thời gian qua, nhiều địa phương mong muốn và đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư phát triển cảng hàng không tại các địa phương. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp nhà nước và ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giao thông chỉ đáp ứng khoảng 65,8% nhu cầu.

Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải cho biết, hiện nay Việt Nam đang khai thác 22 cảng hàng không, được phân bố tương đối đều cho các vùng miền. Theo dự thảo quy hoạch cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, cả nước sẽ có 14 cảng hàng không quốc tế (gồm: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc) và 17 cảng hàng không nội địa.

Về nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Kế hoạch đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) chia sẻ, giai đoạn 2011-2020, cả nước đã huy động hơn 95 nghìn tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách Nhà nước chiếm 12,5% và vốn ngoài ngân sách Nhà nước 87,5%); chiếm khoảng 9,2% cơ cấu vốn đầu tư toàn ngành, đạt khoảng 60% nhu cầu. Nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không giai đoạn 2021-2030 dự kiến lên hơn 403 nghìn tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, phát triển cảng hàng không hiện nay, cần xã hội hóa, huy động nguồn lực đầu tư. Bộ Giao thông vận tải mong muốn trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục đồng hành với ngành giao thông trong việc phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có kết cấu hạ tầng hàng không, không vì những vướng mắc hành lang pháp lý mà làm chậm tiến trình đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không.

“Các đơn vị chức năng của Bộ sẽ tiếp tục tổng hợp lại vướng mắc mà địa phương nêu ra, rà soát, tham mưu cho Chính phủ ban hành những chính sách, cơ chế, hành lang pháp lý tạo điều kiện thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không" - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn khẳng định.