Thu ngân sách vượt dự toán, áp lực nợ công giảm nhiều

PV.

Tại Hội nghị Chính phủ trực tuyến với các địa phương, sáng ngày 29/12/2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo nhiều kết quả tích cực trong thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Trong đó, nổi bật là hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước Quốc hội giao và áp lực nợ công giảm nhiều.

Thu ngân sách vượt dự toán, áp lực nợ công giảm nhiều - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại Hội nghị. Nguồn: internet

Thu ngân sách năm 2017 vượt 5% dự toán

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2017 sẽ vượt 5% dự toán (số báo cáo Quốc hội là vượt 2,3% dự toán), số vượt thu chủ yếu đến từ tiền sử dụng đất. Trong đó, thu ngân sách địa phương vượt 12.9% dự toán, tương ứng khoảng 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn cá biệt một số địa phương thu ngân sách đạt thấp, khó khăn trong cân đối ngân sách. 

Về chi ngân sách, đến nay, nhiệm vụ cân đối ngân sách trung ương đã được đảm bảo, bội chi ngân sách nhà nước giảm 4.000 tỷ đồng so với dự toán, ước bằng 3,48% GDP. Chi ngân sách đã được cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ trọng chi cho đầu tư, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng cường vận dụng các nguyên tắc thị trường trong quản lý chi tiêu như: Khoán chi phí, khoán xe công, từng bước tính đúng tính đủ chi phí vào giá dịch vụ sự nghiệp công… Trên cơ sở đó, cơ cấu lại ngân sách nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước khởi đầu là từ các bộ ngành, địa phương gắn với việc cơ cấu lại chi đầu tư, chi thường xuyên, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế theo các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội. Do vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính mong muốn các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc trong công tác này.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2018, kế hoạch dự toán thu ngân sách tăng 12,5% so với ước thực hiện năm 2017, cao hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế cộng với lạm phát; Thu ngân sách phấn đấu vượt 3% dự toán, bội chi không quá 3,7% GDP. Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, thời gian tới cần rà soát chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thu, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách miễn, giảm thuế trong chính sách về kinh tế - xã hội.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thuế, hải quan tạo thuận lợi cho kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh. “Các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra sau thông quan để tạo thuận lợi hơn cho thương mại quốc tế.” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị.

Áp lực nợ công giảm nhiều

Thông tin về tình hình nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, tình hình nợ công của Việt Nam đã bớt áp lực hơn nhiều so với những năm trước đây nhờ thực hiện các biện pháp kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công và cơ cấu lại kỳ hạn vay nợ.

Theo đó, kỳ hạn trái phiếu Chính phủ bình quân năm 2017 đã tăng lên mức 12,75 năm, tăng 4 năm so với bình quân năm 2016. Kỳ hạn danh mục trái phiếu Chính phủ cũng dài hơn, từ mức 5,98 năm cuối năm 2016 lên mức 6,75 năm trong năm 2017. Tỷ trọng vay nợ nước ngoài có xu hướng giảm xuống còn 40% trong năm 2017 so với mức 61% trước đây, tăng tỷ trọng vay trong nước lên mức 60%. Lượng nắm giữ trái phiếu của các ngân hàng thương mại giảm 24%, xuống mức 54% vào cuối năm 2017. 

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đây là thời điểm cần tập trung quản lý để nâng cao hiệu quả của việc sử dụng và huy động các khoản vay nợ. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị các bộ ngành địa phương thận trọng hơn khi đề suất vay, tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, đẩy nhanh tiến độ triển khai nhằm giảm thiểu chi phí vay. "Lúc này, chúng ta có đủ bản lĩnh, điều kiện để từ chối các khoản vay nợ lãi suất cao, hiệu quả thấp." - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.