Thủ tục phức tạp kéo chậm nhiều dự án hạ tầng cấp bách
Nếu như sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đang chống chọi với tình trạng quá tải để chờ nhà đầu tư chính thức thì cảng hàng không Long Thành sắp tới sẽ phải mất tới 3 năm để lo thủ tục kể từ khi Quốc hội đồng ý chủ trương bố trí vốn theo Luật Đầu tư công, chưa tính đến thời gian giải phóng mặt bằng…
Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất: Chưa biết khi nào khởi công
Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Lại Xuân Thanh cho biết, việc cấp thiết phải đầu tư nhà ga hành khách T3, bổ sung đường lăn, sân đỗ đồng bộ được khởi động từ năm 2017. Công ty Tư vấn Xây dựng công trình hàng không (ADCC) sau đó đã lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết sân bay này hoàn thành báo cáo cuối kỳ ngay trong năm 2017.
Ngày 26/3/2019, Bộ GTVT vừa trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, Cảng Hàng không (CHK) quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo đó, ngoài việc đề xuất giao ACV - DNNN chiếm 95,4% vốn chủ sở hữu - thực hiện dự án, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho Bộ GTVT là cơ quan trình chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - CHK quốc tế Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2014 quy định: “Dự án có tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ”. Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 - CHK quốc tế Tân Sơn Nhất là dự án nhóm A, có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 11.430 tỷ đồng. Do vậy, dự án này sẽ phải được Bộ KH&ĐT tổ chức thẩm định hồ sơ dự án đầu tư và lập báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Như vậy, theo Luật Đầu tư, với các dự án, dù cấp nào phê duyệt chủ trương đầu tư cũng phải qua Sở KH&ĐT. Nếu đi qua nhiều tỉnh thì về Sở KH&ĐT nơi đóng trụ sở. Sở thẩm định xong trình Bộ KH&ĐT.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cho biết, theo Luật Đầu tư, không có quy định nào về việc các Bộ chuyên ngành quyết định phê duyệt hoặc trình chủ trương đầu tư mà chỉ có Quốc hội, Thủ tướng và UBND các tỉnh được phê duyệt. Do đó, nếu dự án thuộc cấp tỉnh phê duyệt sẽ trình qua Sở KH&ĐT. Dự án nào thuộc cấp Thủ tướng phê duyệt, cũng sẽ trình qua Sở KH&ĐT để Sở trình Bộ KH&ĐT xem xét, thẩm định, lấy ý kiến và trình Thủ tướng.
Tương tự, với dự án cần sự phê chuẩn của Quốc hội cũng theo lộ trình đó và Thủ tướng trình Quốc hội. Bộ quản lý chuyên ngành chỉ đóng vai trò cơ quan góp ý kiến.
“Trong lĩnh vực hàng không, kết cấu hạ tầng sân bay, quy hoạch là do Bộ chuyên ngành quản, không phân cấp cho địa phương. Việc quản lý cũng do Bộ chuyên ngành quản, không phân cấp. Việc phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch là Bộ chuyên ngành, tuy nhiên vào các dự án đầu tư, xin phê duyệt chủ trương đầu tư lại phải qua Sở KH&ĐT địa phương. Trong khi đó, có rất nhiều vấn đề liên quan chuyên môn, Sở KH&ĐT địa phương không thể nắm được. Đơn cử như hạng mục đường băng trong CHK, địa phương sao rõ được vì có phân cấp cho họ quản lý đâu”, ông Thanh chia sẻ.
Một vấn đề nữa phải kể đến đó là theo Luật Đầu tư, có đất mới được làm dự án. Trong khi đó, theo Luật Đất đai, có dự án mới giao đất.
Mới đây, ngày 10/5/2019, Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc thẩm định chủ trương đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có nêu rõ, giao Bộ KH&ĐT chủ trì thẩm định Báo cáo nghiên cứu Tiền khả thi dự án đầu tư nhà ga T3.
Như vậy, trong trường hợp Bộ KH&ĐT thống nhất như đề xuất của Bộ GTVT (giao ACV làm chủ đầu tư và Bộ GTVT là cơ quan trình) thì Bộ KH&ĐT sẽ trình Thủ tướng phê duyệt Báo cáo tiền khả thi (Pre-FS) của dự án. Sau đó ACV lập Báo cáo khả thi (FS), thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế bản vẽ kỹ thuât và triển khai dự án.
Còn trong trường hợp Bộ KH&ĐT yêu cầu thực hiện theo Luật Đầu tư thì ACV sẽ trình Pre-FS cho Sở KH&ĐT của TPHCM, Sở này thẩm định trình Bộ KH&ĐT, Bộ KH&ĐT thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ. Xong các bước này thì ACV mới lập FS, thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế bản vẽ kỹ thuật và triển khai dự án.
Ông Lại Xuân Thanh chia sẻ: “Không thể tính được thời gian từ giờ đến lúc khởi công mà chỉ có thể tính được khi ACV được giao. ACV sẽ cần 39 tháng để hoàn thành dự án (trong đó 24 tháng thi công và 15 tháng dành cho công tác lập FS và thiết kế kỹ thuật…)”.
CHK quốc tế Long Thành: Mất 3 năm để lo thủ tục
Ngày 22/5, trao đổi tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018-2019, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho biết, phải xem xét lại nhiều vấn đề trong quá trình triển khai các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là theo quy định của Luật đầu tư công, Quốc hội bố trí nguồn vốn rồi mới triển khai các công việc tiếp theo, dẫn tới giao vốn nhưng giải ngân khó.
"Đơn cử như khi xây dựng sân bay Long Thành, từ khi Quốc hội đồng ý chủ trương bố trí vốn, theo trình tự đầu tư công phải trải qua thi tuyển kiến trúc, lập dự án, chọn nhà đầu tư... mất tới 3 năm. Mất 3 năm chỉ lo thủ tục, chưa nói giải phóng mặt bằng, việc bố trí như vậy có hợp lý hay không?", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.
Lý giải về con số “3 năm”, Bộ trưởng cho biết, thực hiện dự án trọng điểm quốc gia Bộ GTVT phải tiến hành thi tuyển kiến trúc. Toàn bộ hồ sơ mời thầu, xét thầu, chấm thầu, tổ chức công bố giải phải theo trình tự, mất nhiều thời gian. Khi có được phương án kiến trúc nhà ga mới thực hiện đấu thầu lập dự án.
“Cũng vì đây là dự án trọng điểm quốc gia nên còn phải đấu thầu quốc tế, cụ thể là mời thầu, xét thầu, công bố trúng thầu, sau đó nhà thầu mới trực tiếp vào khảo sát. Những công việc này mất hơn 1 năm. Như vậy, chỉ thi kiến trúc và lập dự án mất gần 2 năm.
Đến tháng 10 tới, Bộ GTVT mới báo cáo Quốc hội dự án sân bay Long Thành. Sau khi Quốc hội đồng ý, Chính phủ mới phê duyệt dự án. Sau đó mới đến khâu quyết định giao đơn vị nào lập dự án đầu tư. Nhà đầu tư được chọn sau đó sẽ tiến hành mời thầu và lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán. Mất khoảng 6 - 9 tháng nữa mới có hồ sơ phê duyệt. Từ đó mới đấu thầu xây lắp, mới biết được ai làm cái gì”, Bộ trưởng cho biết.
Từ thực tế dự án sân bay Long Thành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị: Giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ biểu quyết một gói tín dụng cho công tác đầu tư cho nhiệm kỳ sau để các chủ đầu tư, nhà đầu tư có dự án lớn làm trong 2,5 năm, tới đầu nhiệm kỳ tới thì vừa xong thủ tục. Để khi Quốc hội bố trí vốn, triển khai đấu thầu xây lắp ngay. Còn bố trí ngay từ đầu nhiệm kỳ thì rõ ràng 3 - 4 năm này, các chủ đầu tư không thể giải ngân được.
Báo cáo thêm về tiến độ của dự án sân bay Long Thành, Bộ trưởng cho biết đến thời điểm này đã bố trí ngân sách cho Đồng Nai. Địa phương đang thực hiện công tác kiểm đếm, phê duyệt. Trong năm nay, Đồng Nai sẽ sử dụng một phần cho GPMB giai đoạn 1 là 1.800 ha. Những công việc này Đồng Nai cũng không làm khác được mà phải đúng theo Luật Đầu tư công.
Ngay trong tháng 6/2019, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ. Chính phủ đã thành lập Hội đồng thẩm định quốc gia do lãnh đạo Bộ KH&ĐT làm Chủ tịch, sẽ tham mưu cho Chính phủ. Trong các tháng 7, 8, 9 sẽ trình các Uỷ ban trước khi trình Quốc hội dự án tổng thể về sân bay Long Thành vào tháng 10 để Quốc hội xem xét.