Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tạo thuận lợi tối đa để doanh nghiệp vươn lên phát triển

Minh Hà

(Tài chính) Sáng 28/04/2014, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014. Đây là Hội nghị mang tính “lịch sử” nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với doanh nghiệp bên lề hội nghị. Nguồn: Internet
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với doanh nghiệp bên lề hội nghị. Nguồn: Internet
Tham dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh; lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương và hàng trăm DN.

Hơn 300 kiến nghị cụ thể

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2011 – 2013, cả nước có thêm 224.200 DN (DN) thành lập mới, chiếm 40,9% tổng số DN được thành lập trong giai đoạn 20 năm (từ 1991 – 2010).  

Năm 2013, dấu hiệu kinh tế phục hồi và một số khó khăn vĩ mô đã giảm bớt giúp cho số lượng DN thành lập mới có dấu hiệu tăng trở lại, đạt 76.955 DN, tăng 10% so với năm 2012. Trong quý I/2014, cả nước có hơn 18.000 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký gần 98.000 tỷ đồng, tăng khoảng 17% về số DN và 23% về vốn đăng ký so với cùng kỳ 2013. Cũng trong quý I, còn 17.000 DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong những ngày qua, để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Thủ tướng với DN, VCCI đã tập hợp và gửi báo cáo lên Thủ tướng trên 300 kiến nghị cụ thể của cộng đồng DN.

Trong đó có một số kiến nghị nổi bật là cần tiếp tục đổi mới để đảm bảo quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng của DN… Cùng với đó, về chính sách tài khóa, thực hiện phương châm khoan sức dân cho DN, tạo điều kiện cho DN có thể trụ vững và phục hồi trong thời gian 2 - 3 năm trước mắt.

Đặc biệt, về cải cách thủ tục hành chính, các DN đánh giá, vẫn còn rườm rà và gây khó khăn cho hoạt động của DN. Để giải quyết vấn đề này, thời gian tới tiếp tục thực hiện gói  giải pháp được đề ra trong Đề án 30, đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính của tất cả các bộ, ngành đạt mức trung bình của các nước ASEAN 6.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam cho rằng, khó khăn nhất của DNNVV hiện nay là vốn. Để phát triển DNNVV ở Việt Nam cần gắn với việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, có các chính sách hỗ trợ về khoa học, công nghệ, bảo lãnh cho vay vốn…

Nhìn nhận ở khía cạnh khác, ông Trần Kim Trung - Chủ tịch C.T Group cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, có chiến dịch truyền thông cấp quốc gia.

Bà Phạm Thị Hồng Thái, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Nghệ An, cho biết, hiện nay, các DNNN nợ DN tư nhân xây dựng cơ bản khá nhiều, trong khi DN tư nhân phải vay ngân hàng để trả nợ, không nộp bị phạt. Có DN trên địa bàn bị nợ xây dựng cơ bản tới 40 tỷ đồng, trong khi họ chỉ nợ thuế có 4 tỷ đồng. Do vậy, bà Thái kiến nghị, Nhà nước xem xét lấy tiền DN nợ để đóng thuế.

Hội nghị cũng được nghe báo cáo tham luận của đại diện DN Eurocham tại Việt Nam, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank).  

Trước những băn khoăn, vướng mắc của DN về khó tiếp cận với vốn vay ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: "Qua nghe ý kiến của các DN, tôi rất đồng tình và chia sẻ với DN, thời gian tới cần xây dựng quỹ phát triển DNNVV và quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV".

Tuy nhiên, Thống đốc cũng thẳng thắn, mặt bằng lãi suất cho vay vốn thời gian qua đã giảm mạnh, nếu tiếp tục giảm nữa người dân có còn tiếp tục gửi tiền nữa không hay họ đầu tư vào vàng và USD. Cho nên, Ngân hàng Nhà nước phải cân đối mức lãi suất giảm bền vững, ổn định để đảm bảo giá trị đồng tiền, thanh khoản hệ thống ngân hàng.  

Tạo thuận lợi tối đa cho DN

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương, đánh giá cao sự phấn đấu, nỗ lực và những đóng góp hết sực quan trọng của cộng đồng DN đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước trong những năm qua trong bối cảnh kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ hết sức quan tâm tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đảm bảo tự do kinh doanh; DN được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm; thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng trong kinh doanh; quan tâm cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về đăng ký thành lập DN, thuế, hải quan, đất đai, thủ tục thanh tra, kiểm tra.

Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang tích cực chỉ đạo thực hiện nâng cao đạo đức phục vụ của cán bộ, công chức đối với DN, đối với nhân dân.

Thủ tướng chỉ đạo ngành Ngân hàng tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận được tín dụng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cụ thể việc tạo điều kiện tối đa cho DN, đồng thời phải bảo đảm được tín dụng, chăm lo phát triển thị trường vốn, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa ngân hàng và DN.

Thủ tướng cũng đề nghị các DN phải hết sức nỗ lực vươn lên, trong đó cần đặc biệt lưu ý tái cơ cấu trong điều kiện hội nhập, cạnh tranh để hoạt động hiệu quả hơn, năng suất lao động cao hơn, chi phí thấp hơn, sức cạnh tranh cao hơn. Thủ tướng hơn một lần nhấn mạnh, Chính phủ sẽ làm hết sức mình, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng DN với tư cách là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

Về các kiến nghị của cộng đồng DN, Thủ tướng nhắc nhở các bộ, ngành liên quan cần sớm xem xét, xử lý, trả lời tất cả các kiến nghị của DN trên tinh thần hết sức ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững...

Thủ tướng cũng cho biết sau Hội nghị này, Văn phòng Chính phủ sẽ chuyển tất cả các kiến nghị của cộng đồng DN đến từng bộ, ngành liên quan để xử lý./.