Thuận lợi và thách thức trong kiểm soát lạm phát
Chỉ tiêu lạm phát Quốc hội đặt ra cho năm 2017 là dưới 4%. Để đảm bảo đạt mục tiêu này, đòi hỏi nỗ lực rất lớn trong quản lý, điều hành nền kinh tế. Xét từ các đặc điểm chính của lạm phát ở Việt Nam cũng như các yếu tố thuận lợi và thách thức trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, bài viết đề xuất một số giải pháp giúp kiểm soát hiệu quả lạm phát năm 2017.
Một số đặc điểm chính về lạm phát tại Việt Nam
Diễn biến lạm phát ở Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2016 có thể được chia theo các thời kỳ chính như sau:
Giai đoạn từ 2000 đến 2003: Lạm phát tương đối thấp (dưới 4%), do tác động trễ của khủng hoảng tài chính châu Á (1997-1998), khiến cầu trong nước và thế giới sụt giảm mạnh, kéo theo giá cả sụt giảm.
Giai đoạn từ 2004 đến 2011: Lạm phát tăng vọt (từ 6,6% -19,9%), nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO (1/1/2007). Đặc biệt, lạm phát tăng cao kỷ lục vào năm 2008. Cụ thể: 7 tháng đầu năm 2008, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã vượt 25%; Tháng 7/2008, khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra khiến CPI âm vào 5 tháng cuối năm 2008, kéo CPI cả năm xuống ở mức 19,9%.
Cũng do khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009, CPI năm 2009 đã giảm xuống còn 6,9%. Tuy nhiên, thời gian sau đó CPI đã tăng mạnh trở lại, đạt khoảng 11,8% (năm 2010) và 18,1% (năm 2011), sau khi Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới đồng loạt “tung“ gói kích cầu nhằm phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, đẩy giá trong nước và thế giới tăng cao.
Giai đoạn từ 2012 đến 2015: Lạm phát giảm mạnh sau khi Chính phủ thực hiện quyết liệt chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Điển hình như: Khởi đầu là Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011, tiếp sau đó các Nghị quyết 01/NQ-CP (ngày 3/1/2012), Nghị quyết 01/NQ-CP (ngày 7/1/2013), Nghị quyết 01/NQ-CP (ngày 2/1/2014) lần lượt ra đời.
Cùng với các chính sách kiềm chế lạm phát, Chính phủ còn đưa ra nhiều biện pháp đồng bộ và mạnh mẽ nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó chủ chốt là chính sách tiền tệ thắt chặt và tài khóa chặt chẽ. Nhờ đó, chỉ số CPI đã giảm mạnh từ 18,1% năm 2011 xuống 6,8% năm 2012; 6% năm 2013; 1,8% năm 2014 và 0,6% năm 2015.
Giai đoạn từ năm 2016 đến nay: Với việc kinh tế Việt Nam dần phục hồi, lạm phát đã có xu hướng tăng trở lại (CPI năm 2016 lên đến 4,74%).
Từ những phân tích trên, có thể rút ra một số đặc điểm chính của lạm phát ở Việt Nam như sau:
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế cao đi liền với lạm phát cao và các bất ổn vĩ mô khác. Đây là đặc điểm chung của nhiều nền kinh tế đang phát triển, song được thể hiện rất rõ ở Việt Nam. Nguyên nhân chính là do mô hình tăng trưởng theo chiều rộng của Việt Nam dựa trên lao động giá rẻ, song năng suất lao động thấp, xuất khẩu tài nguyên, nông lâm thủy sản là chủ yếu và còn dưới dạng thô; sản phẩm công nghiệp chủ yếu là gia công lắp ráp, sử dụng công nghệ lạc hậu vừa lãng phí nguyên nhiên liệu, vừa gây ô nhiễm môi trường.
Để thúc đẩy tăng trưởng, mô hình này dựa vào các chính sách tài khóa nới lỏng để mở rộng đầu tư (đặc biệt đầu tư công) và chính sách tiền tệ nới lỏng (tăng cung tiền và tăng tín dụng).
Xét trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2010 - giai đoạn có mức tăng trưởng GDP cao (bình quân 7,3% năm) cho thấy, đây là giai đoạn lạm phát cao (bình quân 10,9% năm). Nguyên nhân chủ yếu là Chính phủ hướng tới đạt tăng trưởng GDP cao, trong khi nền kinh tế kém hiệu quả và năng suất lao động thấp.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của giai đoạn này lên đến bình quân 42,2% GDP/năm và tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân lên đến 35,9%/năm, đây là mức rất cao xét trong khu vực và cả trên thế giới. Tổng mức tăng cung tiền M2 cả giai đoạn này là 210%, gấp hơn 4 lần tổng tăng trưởng GDP với 51,3%.
Đầu tư và tăng trưởng tín dụng cao, gây mất cân đối nghiêm trọng trong nhiều năm giữa lượng tiền tung ra (thể hiện qua tốc độ tăng M2) và hàng hóa sản xuất ra (biểu hiện qua tốc độ tăng trưởng GDP). Đây chính là những nguyên nhân chính gây ra lạm phát cao giai đoạn trên. Bên cạnh, các bất ổn vĩ mô bộc lộ rõ như: nhập siêu cao, tỷ giá biến động mạnh, dự trữ ngoại hối giảm, lãi suất tiết kiệm tăng vọt.
Thứ hai, lạm phát Việt Nam phụ thuộc ngày càng lớn vào lạm phát thế giới. Độ mở của nền kinh tế nước ta hiện thuộc nhóm cao nhất thế giới, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hiện đạt khoảng 180% GDP. Với độ mở nền kinh tế lớn, mọi biến động giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới phần lớn được chuyển vào Việt Nam thông qua nhập khẩu.
Thứ ba, những năm gần đây lạm phát bị tác động không nhỏ của việc tăng giá một số nhóm hàng theo lộ trình. Trước đây, giá dịch vụ y tế và giáo dục được duy trì ở mức rất thấp trong nhiều năm, do vậy ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và nguồn vốn tái đầu tư cho các lĩnh vực này.
Năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2012/NĐ-CP cho phép các cơ sở khám chữa bệnh tăng giá dịch vụ y tế. Cũng trong năm này, Chính phủ ban hành Nghị định 86/2012/NĐ-CP cho phép các cơ sở đào tạo tăng giá dịch vụ giáo dục... Mục tiêu là vừa để nâng cao chất lượng dịch vụ, vừa để các cơ sở tự trang trải chi phí nhằm giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, việc tăng giá điện theo lộ trình được thực hiện từ năm 2013 theo Quyết định 69/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ cũng là yếu tố tác động đến CPI. Việc điều hành giá điện cũng được chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường.
Thuận lợi và thách thức trong kiểm soát lạm phát năm 2017
Yếu tố thuận lợi
Chỉ tiêu lạm phát Quốc hội đặt ra cho năm 2017 là dưới 4%. Trong quá trình thực hiện mục tiêu trên, nền kinh tế Việt Nam có nhiều thuận lợi sau:
Thứ nhất, lạm phát trong những năm gần đây được kiềm chế ở mức tương đối thấp. Trước sự quyết liệt của Chính phủ trong việc thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, từ năm 2012 lạm phát bắt đầu giảm mạnh và từ năm 2014 đến nay, chỉ số CPI luôn ở dưới 5%.
Đặc biệt, lạm phát lõi, tức lạm phát đã loại trừ biến động giá của các nhóm hàng lương thực - thực phẩm và nhóm năng lượng ở mức khá thấp, dưới 2% (lạm phát lõi năm 2016 là 1,84%). Lạm phát thấp trong những năm gần đây là tiền đề thuận lợi đối với công tác quản lý, điều hành kiểm soát lạm phát năm 2017.
Thứ hai, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định. Sau hàng chục năm liên tục nhập siêu, cán cân thương mại Việt Nam đã đảo chiều sang xuất siêu trong 3 năm liên tiếp từ năm 2012 đến năm 2014. Mặc dù, năm 2015 nhập siêu quay lại với mức 3,5 tỷ USD, song năm 2016 Việt Nam lại tiếp tục xuất siêu 2,7 tỷ USD. Xuất siêu đã tạo thuận lợi giúp tỷ giá ổn định, qua đó giảm áp lực lên lạm phát.
Dự trữ ngoại hối liên tục tăng và đạt mức kỷ lục 41 tỷ USD cuối năm 2016. Mức dự trữ ngoại hối cao đã góp phần giúp Ngân hàng Nhà nước ổn định tỷ giá. Thực tế, tỷ giá ngoại hối tương đối ổn định trong năm 2016, ngay cả trong bối cảnh đồng USD liên tục tăng giá mạnh.
Tỷ giá ổn định phần nào làm giảm áp lực lạm phát. Kinh tế vĩ mô ổn định cũng đã tạo điều kiện và dư địa để Chính phủ tiếp tục ban hành các chính sách kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Thứ ba, nguồn cung hàng hóa trong nước, đặc biệt là về lương thực - thực phẩm, khá dồi dào, đảm bảo không xảy ra biến động lớn về giá. Giá lương thực - thực phẩm ổn định giúp kiềm chế lạm phát, nhất là trong điều kiện của Việt Nam khi nhóm hàng lương thực - thực phẩm hiện chiếm tỷ trọng lớn (gần 40%) trong rổ hàng hóa tính chỉ số CPI.
Những khó khăn và thách thức
Tuy có nhiều điều kiện thuận lợi, song để đạt được chỉ tiêu lạm phát năm 2017 dưới 4% là không mấy dễ dàng, bởi nền kinh tế nước ta vẫn đang phải đối diện với không ít khó khăn và thách thức.
Thứ nhất, mặc dù lạm phát từ năm 2014 đến nay luôn dưới 5%, song từ năm 2016 có xu hướng tăng mạnh (từ 1,84% năm 2014 và 0,63% năm 2015 lên 4,74% năm 2016). Nếu không có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, lạm phát có thể sẽ quay trở lại.
Thứ hai, cùng với chỉ tiêu lạm phát năm 2017 dưới 4%, Quốc hội cũng đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 khá cao, là 6,7%. Trong điều kiện Việt Nam chưa chuyển đổi hoàn toàn mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, để đạt mức tăng trưởng đó, chính sách tiền tệ phải có sự điều chỉnh và nới lỏng nhất định để hỗ trợ tăng trưởng GDP.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng năm 2017 có thể lên đến 20%, cao nhất từ 2011 đến nay. Cung tiền M2 có thể đạt mức 20%. Tăng trưởng tín dụng và cung tiền khá cao sẽ tạo sức ép lên lạm phát, như đã từng xảy ra trong giai đoạn 2004-2010.
Thứ ba, giá điện, dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục năm 2017 tiếp tục tăng theo lộ trình sẽ đẩy chỉ số CPI tăng.
Thứ tư, bội chi ngân sách khá cao (trên 5%) và liên tục trong nhiều năm tạo sức ép rất lớn lên lạm phát.
Thứ năm, giá hàng hóa thế giới (đặc biệt là các hàng hóa đầu vào cho nền kinh tế Việt Nam), sau một thời gian khá dài tăng thấp, thậm chí giảm, được dự báo sẽ tăng trở lại năm 2017. Việt Nam hiện là nền kinh tế gia công xuất khẩu dựa trên nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện và máy móc thiết bị. Giá hàng hóa thế giới tăng được nhập khẩu vào Việt Nam cũng đã đẩy giá trong nước tăng theo...
Giải pháp kiểm soát lạm phát
Xét từ những đặc điểm của lạm phát ở Việt Nam cũng như các yếu tố thuận lợi và thách thức trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế CPI dưới 4%, bài viết xuất một số giải pháp để kiểm soát lạm phát năm 2017.
Thứ nhất, tiếp tục chính sách kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Để đảm bảo kiểm soát lạm phát dưới 4%, đồng thời phục hồi tăng trưởng kinh tế ở mức 6,7% trong năm 2017, cần tiếp tục thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát và ổn đinh kinh tế vĩ mô được thực hiện từ năm 2011 đến nay. Đồng thời, kết hợp thực hiện các chính sách phục hồi tăng trưởng như: hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa (đầu tư công) ở mức độ nhất định.
Trong dài hạn, để đảm bảo kiểm soát lạm phát và duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, đồng thời phục hồi tăng trưởng kinh tế, đặc biệt cần mạnh mẽ tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng (dựa trên mở rộng đầu tư và tín dụng, sử dụng lao động giản đơn giá rẻ, khai thác tài nguyên, xuất khẩu nguyên liệu thô, gia công xuất khẩu) sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu (dựa trên trình độ công nghệ cao, năng suất lao động cao, nhân lực trình độ cao, kỹ năng quản trị hiện đại, xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng cao).
Thứ hai, phối hợp tốt các bộ, ngành, địa phương trong điều hành giá. Theo đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan (Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo) và các địa phương (nơi được trao thẩm quyền tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục trên địa bàn) để kiểm soát chặt chẽ việc tăng giá điện, giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục theo lộ trình, tránh hiện tượng cộng hưởng đẩy giá cả tăng vọt.
Thứ ba, kiểm soát tốt cơ cấu và chất lượng tín dụng. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2017 tương đối cao (khoảng 20%) để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện các biện pháp giám sát chặt chẽ, nhằm đảm bảo tín dụng được đưa vào sản xuất – kinh doanh và tránh không đổ quá mức vào các lĩnh vực mang tính đầu cơ, tiềm ẩn nhiều rủi ro và dễ trở thành bong bóng, gây sức ép đẩy giá cả lên cao, như bất động sản và chứng khoán...
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội năm 2017 của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV;
2. Luật Phí và lệ phí và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá;
3. Tổng cục Thống kê, “Báo cáo thống kê hàng năm”.