Khống chế lạm phát năm 2017- Bài toán khó

Theo tapchithue.com.vn

Năm 2017 sẽ đặt áp lực trực tiếp đối với các cơ quan quản lý trong việc làm sao kiểm chế được mức lạm phát không vượt quá 4%. Đây là thách thức lớn, do yêu cầu cao hơn hẳn các năm gần đây (không vượt quá 5%). Tuy nhiên, yêu cầu trên sẽ là dịp để Chính phủ, các bộ, địa phương chủ động vào cuộc, với quyết tâm lớn và những biện pháp hữu hiệu để có kết cục có hậu vào thời điểm hết năm kế hoạch 2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay sẽ chịu nhiều áp lực tăng từ giá thế giới, kết hợp với việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý về giáo dục và y tế. Như vậy, có cả yếu tố chủ quan, khách quan. Trước hết, chỉ số nhóm giao thông luôn và ngày càng phụ thuộc vào giá nhiên liệu đầu vào là xăng dầu, trong khi 2/3 nhu cầu xăng dầu của nước ta phụ thuộc vào nhập khẩu. Nói cách khác, giá bán xăng dầu trên thị trường quốc tế sẽ là yếu tố tác động để chỉ số giá nhóm giao thông tăng hoặc giảm.

Trong khi đó, xu hướng tăng giá đầu thô đang xuất hiện trên thị trường thế giới, nhất là dưới ảnh hưởng của quyết định giảm sản lượng khai thác của các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Thực tế cũng cho thấy, giá dầu thô đã tăng khoảng 5% so với thời gian trước. Ngoài ra, giá dầu luôn là câu hỏi khó đoán định khi bị cho phối bởi nhiều yếu tố phức tạp, khó lường như chính sách điều hành ở chính các quốc gia xuất khẩu dầu, khả năng xảy ra chiến tranh, rủi ro thiên tai hoặc xung đột thương mại…

Những vấn đề trên sẽ tác động đến sự cân đối cung-cầu nhiên liệu quốc tế, đẩy các nước nhập khẩu như Việt Nam vào thế bị động. Như vậy, chỉ số của nhóm giao thông vốn là tác nhân quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong CPI  vẫn để ngỏ khả năng tăng mạnh và từ đó có thể  đẩy CPI lên cao.

Trong một diễn biến mới nhất, CPI tháng 1/2017 vừa tăng 0,46% so với tháng trước và là mức tăng đáng quan ngại, do tác động lớn từ nhóm giao thông.  Tiếp theo, chỉ số giá của nhóm hàng ăn, với phân nhóm chính là lương thực, thực phẩm cũng trong tình trạng khó tiên đoán, nhất là trong thời điểm đầu năm như hiện tại. Trên thực tế, diễn biến khí hậu, thời tiết là yếu tố quan trọng nhất, có ảnh hưởng lón nhất đến kết quả, sản lượng của hoạt động chăn nuôi, khai thác và trồng trọt.

Đặc biệt, nếu dịch bệnh xảy ra sẽ gây hậu quả trực và lập tức tới sản lượng, chất lượng của sản phẩm nông sản đầu ra. Các chuyên gia luôn lo ngại về khả năng xuất hiện hiện tượng nắng nóng kéo dài đến khô hạn, hoặc ngược lại như lũ lụt trên diện rộng, mà khu vực miền Trung luôn tâm điểm cần đề phòng. Cụ thể, nếu xuất hiện những hiện tượng tiêu cực như trên có thể đẩy giá nhóm hàng ăn, lương thực, thực phẩm tăng cao và kích đẩy CPI tăng lên.

Trên thực tế, diễn biến thiên nhiên có thuận lợi hay không là sự bị động nên chỉ có thể đề phòng, giảm nhẹ hậu quả chứ không thể thay đổi hoàn toàn. Song, nếu “mưa thuận gió hòa” thì chắc chắn nền nông nghiệp sẽ được mùa, bảo đảm sản lượng và chất lượng cũng như hỗ trợ dân sinh, tham gia xuất khẩu cũng như góp phần kìm giữ mức tăng CPI. Đây cũng là tính hai mặt của một vấn đề.

Nhóm yếu tố sau cùng mang đậm dấu ấn chỉ đạo, điều hành vĩ mô, trong đó chủ yếu là nhóm giáo dục và y tế do Nhà nước quản lý. Hai nhóm này vẫn đang trong quá trình tăng giá theo lộ trình, hầu như không thể đảo ngược.

Từ những đặc điểm, thực tiễn nói trên, một số chuyên gia tỏ ra thiếu lạc quan về khả năng khống chế lạm phát dưới 4% của năm 2017. Mục tiêu đó cũng đặt ra yêu cầu cần có những biện pháp điều hành căn cơ, linh hoạt từ Chính phủ, cơ quan chức năng.

Đơn cử, giá xăng dầu trong nước hiện đã tiệm cận và bám sát diễn biến giá thị trường thế giới và cấp điều hành cũng đã quen xử lý, ứng phó mỗi khi có biến động. Đặc biệt, cần chủ động, điều chỉnh hài hòa lợi ích của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và khách hàng thông qua quỹ bình ổn giá. Bên cạnh đó, cần tập trung làm tốt công tác quản lý thị trường, tránh đầu cơ găm hàng để thổi giá cũng như chống buôn lậu, hàng giả.

Theo các chuyên gia kinh tế, để thực hiện được mục tiêu kìm giữ CPI tăng không quá 4%, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, sử dụng linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ. Ngoài ra, cần lưu ý bảo đảm mức tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với kiểm soát chất lượng; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (điện, nước, xăng dầu…); giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp.