Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam

Huy Nguyễn

Ngày 30/11/2023, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Học viện Chính sách và Phát triển phối hợp cùng Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức “Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững Việt Nam 2023” với chủ đề Hội thảo khoa học quốc gia “Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam”.

Chuyển dịch xanh song hành với nhiều khó khăn và thách thức

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia đều hướng tới.

Năm 2015, tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc, 193 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Năm 2023, thông qua báo cáo Quốc gia tự nguyện lần thứ 2, Việt Nam một lần nữa cam kết tiếp tục phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm, đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông  phát biểu khai mạc diễn đàn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông  phát biểu khai mạc diễn đàn.

Tại Việt Nam, phát triển bền vững lấy tăng trưởng xanh làm chìa khóa then chốt đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, được hỗ trợ bởi khung khổ pháp lý, dẫn dắt bởi chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia. Gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, thực tiễn tại nhiều quốc gia cho thấy, quá trình chuyển dịch xanh song hành với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt trong việc bảo đảm tính bao trùm, toàn diện và hướng tới con người là trung tâm của sự phát triển.

Trong khi các số liệu vĩ mô chỉ ra bức tranh tươi sáng của tương lai xanh, thì một số nhóm cộng đồng có nguy cơ đối mặt với tác động tiêu cực của quá trình chuyển dịch và trở thành những đối tượng bị bỏ lại phía sau.

Bối cảnh đó đã đặt ra một số vấn đề cần quan tâm. Đó là quá trình chuyển dịch xanh diễn ra trong bối cảnh nhiều xu hướng lớn xuất hiện như tự động hóa, đổi mới sáng tạo hay sự già hóa nhanh chóng của dân số, dẫn tới sự tái phân bổ lao động giữa các khu vực, lĩnh vực, từ đó đòi hỏi chuyển đổi kỹ năng của người lao động - một vấn đề không đơn giản đối với người già, người lao động có trình độ thấp, người lao động ở các khu vực khó khăn.

Theo nhóm nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển, như rất nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam cũng đang gặp phải bài toán nan giải về tính bao trùm của chuyển dịch xanh; trong đó, tính bao trùm của chuyển dịch xanh ở cấp độ địa phương, doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc, đặc biệt sau đại dịch COVID-19.

Trong đó, về tính bao trùm ở cấp độ địa phương, tính đến năm 2021, GRDP bình quân đầu người của các vùng kinh tế trong cả nước có sự phát triển không đồng đều. Cụ thể, GRDP bình quân đầu người của khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng ở ngưỡng cao, lần lượt đạt 142,23 triệu đồng và 110,43 triệu đồng; trong khi khu vực Tây Nguyên chỉ đạt 53,09 triệu đồng và Trung du và miền núi phía Bắc chỉ đạt 56,13 triệu đồng.

Kéo theo đó, năng suất lao động cũng có sự phân cực mạnh giữa các địa phương khi một số tỉnh, thành có năng suất lao động ở mức rất cao, như: Bà Rịa - Vũng Tàu (561,2 triệu đồng/người), TP. Hồ Chí Minh (305,5 triệu đồng/người), Quảng Ninh (350,03 triệu đồng/người); trong khi một số tỉnh, thành có năng suất lao động ở mức rất thấp, như: Điện Biên (73,88 triệu đồng/người), Bến Tre (75 triệu đồng/người). Đặc biệt, theo báo cáo về Chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh PSDI 2022, kết quả trung bình của 63 tỉnh/thành trên cả nước năm 2022 đạt 52,53, tăng 1,15 điểm so với năm 2021.

Tuy nhiên, sự chênh lệch về phát triển giữa các địa phương còn lớn. Nếu như những tỉnh dẫn đầu có kết quả vượt trội, Quảng Ninh (với 66,46 điểm), Hải Phòng (65,5 điểm) và vị trí thứ ba là Đà Nẵng (65 điểm), thì ở phía cuối bảng xếp hạng, nhóm các địa phương, như: Điện Biên, Gia Lai, Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Nông và Lai Châu có mức điểm thấp dưới 40. Điều này cho thấy, các địa phương cần tiếp tục tích cực, nỗ lực nhiều hơn nữa trong tiến trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.

Cần có cơ chế ưu đãi dành riêng cho các dự án thí điểm xanh

Cũng tại diễn đàn, các đại biểu tham dự đã chia sẻ về việc khai thác động lực tăng trưởng xanh để tiến nhanh đến tầm nhìn Việt Nam 2045; bảo đảm an sinh xã hội cho đối tượng yếu thế trong tăng trưởng xanh; và những bài học kinh nghiệm và khả năng áp dụng tại Việt Nam…

Theo PGS., TS. Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu – Singapore, hệ số an ninh năng lượng của Việt Nam suy giảm từ 93% năm 2015 giảm xuống còn 56% năm 2020 và ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng. Lượng phát thải CO2 cũng tiếp tục tăng. Do đó, nếu không nỗ lực chuyển đổi xanh thì sức cạnh tranh thu hút đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam sẽ suy giảm.

Song ông Vũ Minh Khương nhận định, Việt Nam có rất nhiều cơ hội thúc đẩy tăng trưởng xanh bởi những tiến bộ nhanh chóng của công nghệ năng lượng tái tạo. Đồng thời, tiềm năng về năng lượng tái tạo của Việt Nam là rất lớn với đường bờ biển dài hơn 2.000 km, nhiều tiềm năng điện gió ngoài khơi… Việt Nam cũng có thể tận dụng thế mạnh thủy điện để phát triển điện tái tạo…

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức trên con đường đến tăng trưởng xanh. Điều đó trước hết thể hiện ở mặt tư duy còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng bao cấp, xin – cho, dựa quá nhiều vào mô hình truyền thống. Năng lực kiến tạo giá trị của Việt Nam cũng đang là vấn đề khi nguồn lực, năng lực, nỗ lực lớn nhưng lại chưa có chiến lược bài bản, chưa có động lực để làm tốt. Trong bối cảnh đó, tư duy chiến lược và tầm nhìn đột phá là rất quan trọng...

Chia sẻ thành công của các quốc gia trong thực hiện tăng trưởng xanh, ông Arnaud Ginolin - Tổng giám đốc BCG Việt Nam cho biết, hiện tại, nhiều quốc gia đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong quá trình chuyển đổi xanh, chẳng hạn như Mỹ tạo ra 100.000 việc làm xanh từ tháng 8/2022 đến tháng 1/2023, Hàn Quốc huy động được 92 tỷ USD làm quỹ chính phủ quốc gia để thực hiện trung hòa carbon trong 5 năm (2023-2028), hay Trung Quốc tăng 50% tổng công suất điện mặt trời lắp đặt năm 2023 so với năm 2022…

Ông Arnaud Ginolin - Tổng giám đốc BCG Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần xây dựng hệ thống phân loại xanh phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Arnaud Ginolin - Tổng giám đốc BCG Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần xây dựng hệ thống phân loại xanh phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo đại diện BCG Việt Nam, những yếu tố dẫn đến thành công trong thực hiện tăng trưởng xanh của các quốc gia là: Khuôn khổ pháp lý; Cơ chế ưu đãi/khuyến khích; Chương trình thí điểm; Quản trị và truyền thông.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, cùng bối cảnh ở Việt Nam, ông Arnaud Ginolin đưa ra khuyến nghị cần xây dựng hệ thống phân loại xanh phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững, các tiêu chuẩn quốc tế và hệ thống ngành kinh tế tại Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam cần ra mắt cơ chế ưu đãi, khuyến khích xanh; cần có cơ chế ưu đãi dành riêng cho các dự án thí điểm xanh trong các lĩnh vực trọng tâm, tạo môi trường hấp dẫn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần thúc đẩy tài chính xanh thông qua hỗ trợ phát triển và áp dụng các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh, thị trường carbon, tài chính hỗn hợp; tăng cường hợp tác giữa các cơ quan, triển khai truyền thông đa kênh với các chương trình toàn quốc và cấp tỉnh, thu hút sự tham gia của các bên liên quan ở cả khu vực công và tư nhân, trong nước và quốc tế.