Bình Dương:

Thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển bền vững thông qua các hoạt động khuyên công

Lê Anh

Hoạt động khuyến công tại tỉnh Bình Dương ngày càng đạt được nhiều kết quả thực chất, mang tính lan tỏa cao. Với nguồn vốn hỗ trợ từ đề án khuyến công, các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã kịp thời ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm… 

Nghiệm thu Đề án khuyến công “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong gia công cơ khí” tại hộ kinh doanh Vũ Thị Ánh Lệ.
Nghiệm thu Đề án khuyến công “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong gia công cơ khí” tại hộ kinh doanh Vũ Thị Ánh Lệ.

Xây dựng và thực hiện các đề án khuyến công điểm

Năm 2023, với những nỗ lực của ngành Công Thương Tỉnh trong triển khai các hoạt động khuyến công, đã có 07 sản phẩm của 07 doanh nghiệp đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, đứng thứ 3/59 tỉnh, thành phố đăng ký bình chọn của cả nước. Cùng với đó, 9 đề án khuyến công đã được hỗ trợ với kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên về sản xuất chế biến gỗ, chế biến thực phẩm, sản xuất thiết bị điện tử.

Thông qua hỗ trợ từ chương trình khuyến công, các cơ sở công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước đầu tư phát triển, nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, qua đó tăng doanh thu cho cơ sở sản xuất, tạo động lực giúp các cơ sở đầu tư, mở rộng, phát triển sản xuất; góp phần khôi phục một số nghề và làng nghề truyền thống, du nhập và phát triển ngành nghề mới...

Tiếp nối những kết quả đạt được trong năm 2023, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 48/QĐ - UBND về việc phê duyệt chương trình Xúc tiến thương mại và phát triển công nghiệp năm 2024. Trong đó có chương trình khuyến công và phát triển công nghiệp.

Đây được xem là cơ sở pháp lý để thực hiện các chương trình khuyến công, các hoạt động khuyến công được triển khai nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển thương mại, nâng cao sức cạnh tranh, thực hiện tốt công tác quảng bá, giới thiệu và tìm kiếm thị trường cho hàng hóa, sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo đó, công tác khuyến công Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, giúp các cơ sở đổi mới máy móc thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước… Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng chuyển đổi số trong công tác khuyến công. Tiếp tục xây dựng và thực hiện các đề án điểm về hỗ trợ phát triển ngành như: Dệt may, cơ khí, chế biến các sản phẩm từ gỗ và tre nứa.

Bên cạnh đó, triển khai các nội dung về hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; xây dựng các đề án nhóm hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản; sản xuất các sản phẩm phục vụ tiêu dùng… từ đó phát triển các mặt hàng chủ lực của Tỉnh nhà.

Đổi mới phương thức gia công, nâng cao chất lượng sản phẩm

Trên cơ sở định hướng công tác khuyến công ngay từ đầu năm 2024, ngành Công Thương Bình Dương đã sát sao chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện. Điển hình, Sở Công Thương Bình Dương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong gia công cơ khí” cho hộ kinh doanh Vũ Thị Ánh Lệ, chuyên sản xuất tôn, đai sắt, sắt uốn tại ấp Hòa Cường, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng.

Đề án hỗ trợ này hướng tới phát triển mô hình công nghiệp bền vững cho cơ sở, tổng kinh phí thực hiện là 650 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ cho hộ kinh doanh 300 triệu đồng.

Với kinh phí 300 triệu đồng này, hộ kinh doanh Vũ Thị Ánh Lệ đã đầu tư máy cán tôn 2 tầng,  giúp cơ sở kinh doanh tăng doanh thu, lợi nhuận khoảng 30%. Với việc tăng năng suất và sản lượng, dự kiến cơ sở sẽ thu hồi vốn sau 24 tháng đầu tư.

Như vậy, nhờ nguồn vốn khuyến công mà các cơ sở sản xuất, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn Tỉnh nói chung và hộ kinh doanh Vũ Thị Ánh Lệ nói riêng đã đổi mới phương thức gia công sản phẩm từ máy móc thiết bị cũ, lạc hậu sang máy móc thiết bị mới, hiện đại và tự động hóa. Máy móc, thiết bị mới hoạt động tự động nên hạn chế sản phẩm bị hỏng, từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất cũng như năng suất tăng nhiều lần so với trước.

Cùng với đó là chất lượng sản phẩm sản xuất ra cũng được nâng lên, đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường cả về chất lượng sản phẩm và mẫu mã, chủng loại… Điều này mang tới cho khách hàng một sản phẩm chất lượng tốt nhất với chi phí sản xuất tiết kiệm nhất.

Ông Trương Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian tới, Bình Dương cần triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ưu tiên triển khai các nhiệm vụ theo chuỗi giá trị, tập trung nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ các công nghệ cao, công nghệ ưu tiên phát triển, công nghệ khuyến khích chuyển giao thuộc ngành cơ khí. Bên cạnh đó, cần xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp cơ khí phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhu cầu và xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.