Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2019

Khởi nghiệp là một chủ trương và định hướng đúng đắn được Chính phủ quan tâm, ưu tiên thực hiện trong giai đoạn hiện nay. Cùng với hệ thống chính sách đã ban hành, thời gian qua nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đã được triển khai mạnh mẽ ở các cấp địa phương, góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp trong thanh niên hiện nay vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các biện pháp hỗ trợ phải được thiết kế phù hợp và thống nhất, thúc đẩy hơn nữa hoạt động này trong thời gian tới.

Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam.
Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam.

Tổng quan về hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam

Trước làn sóng khởi nghiệp, sáng tạo diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các văn bản liên quan nhằm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đơn cử có thể đề cập tới như: Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia đến 2025” (Quyết định số 844/QĐ-TTg).

Đây là văn bản chính sách đầu tiên, bao quát và là nền tảng về chính sách hỗ trợ đối với hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam. Tiếp đến là ngày 7/2/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phê duyệt danh mục nhiệm vụ đặt hàng thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến 2025” (Quyết định số 171/QĐ-BKHCN) và quy định tạm thời xử lý hồ sơ tham gia Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến 2025”(Quyết định 3362/QĐ-BKHCN).

Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã ban hành các quyết định, kế hoạch, chương trình về khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, để định hướng, đề ra mục tiêu và giải pháp cơ bản về hỗ trợ, thúc đẩy phát triển hoạt động khởi nghiệp.

Cùng với việc kiện toàn hệ thống chính sách, nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đã được triển khai mạnh mẽ ở các cấp, các ngành góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Nhiều cộng đồng khởi nghiệp lớn dần hình thành, hoạt động hiệu quả như: Starthub.vn, Twenty.vn, Startup. vn và Launch.

Một số đơn vị ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp hình thành trong khu vực tư nhân như: Topica Founder Insititute, 5 Desire, Hatch!Program và khu vực công lập như vườn ươm đã được thành lập trong Đại học Bách khoa Hà Nội, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Vườn ươm DN chế biến thực phẩm Hà Nội, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ Phần mềm Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Thành công mới đây của Abivin cũng đã tạo nguồn cảm hứng cho cộng đồng khởi nghiệp. Abivin là doanh nghiệp (DN) cung cấp giải pháp tối ưu hóa chuỗi cung ứng trên nền tảng trí tuệ nhân tạo. Ngày 15/7/2019, Abivin đã xuất sắc vượt qua đại diện của 40 quốc gia trên thế giới, giành giải Nhất với giải thưởng trị giá 1 triệu USD tiền đầu tư tại Cuộc thi Khởi nghiệp quốc tế năm 2019…

Khảo sát cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 DN ĐMST. Bên cạnh đó, có hơn 40 quỹ đầu tư hoạt động đầu tư mạo hiểm được thành lập tại Việt Nam như: Câu lạc bộ Hatch!Angels của một số nhà đầu tư thiên thần tại Hà Nội; Câu lạc bộ nhà đầu tư thiên thần thuộc câu lạc bộ DN dẫn đầu tại TP. Hồ Chí Minh; Quỹ Khởi nghiệp DN KH&CN Việt Nam, Quỹ Ươm mầm hành động do các nhà đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài khởi xướng...

Một số DN khởi nghiệp (DNKN) đã thành công có thể kể đến như: Công ty thương mại điện tử Vatgia với trị giá gần 75 triệu USD, VNG khoảng 1 tỷ USD… và một số DNKN Việt Nam gọi được vốn một vài triệu USD như: Tiki, CocCoc, Foody, The Kafe... Thống kê trong năm 2018, có 92 thương vụ với tổng giá trị 889 triệu USD được các quỹ đầu tư rót vốn. Số lượng thương vụ không tăng so với năm 2017 nhưng tổng số vốn đầu tư tăng gấp 3 lần do tỷ lệ thoái vốn giai đoạn sau rất cao.

Một số tồn tại, hạn chế

Mặc dù nhận được ưu tiên về cơ chế, chính sách, sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức chính trị xã hội, các nhà khởi nghiệp nói chung hiện vẫn đang phải đối diện với khá nhiều khó khăn, thách thức sau:

Thứ nhất, hạn chế về vốn. Các dự án khởi nghiệp thường được bắt đầu bằng nguồn vốn tự có hạn hẹp của các thành viên sáng lập, trong khi khả năng vay vốn ngân hàng hoặc kêu gọi các quỹ đầu tư lại rất thấp. Tuy có khá nhiều kênh tài chính khác nhau nhưng thực tế, người khởi nghiệp gặp khó khăn khi thiếu vốn vẫn rất phổ biến.

Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam - Ảnh 1

Rõ ràng nhất là tiếp cận vốn vay ngân hàng còn khó khăn. Phần lớn DN mới thành lập cảm thấy gặp nhiều vướng mắc, nhất là trong thời điểm các ngân hàng đang siết chặt quản lý cho vay. Thậm chí, ngay cả với một số ngân hàng có chính sách ưu đãi thìcũng rất ít DNNVV tiếp cận được vốn do gánh nặng thủ tục tín dụng và yêu cầu về tài sản thế chấp.

Theo kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện, 41% DNKN cho biết vốn vay là một trong những khó khăn hàng đầu của họ. Không ít các doanh nhân khi khởi nghiệp đã phải chật vật với việc huy động các nguồn tài chính ban đầu để xây dựng sản phẩm, dịch vụ.

Các hình thức gọi vốn khác, chẳng hạn như tổ chức tài trợ cộng đồng dù phổ biến tại nhiều nước trên thế giới nhưng lại khá mới mẻ tại Việt Nam. Các DNKN quy mô nhỏ thường hay chọn phương pháp này với ưu điểm tiếp cận được đến số đông nhà đầu tư. Tuy nhiên, trở ngại chính khi thực hiện huy động vốn qua tài trợ cộng đồng ở Việt Nam lại liên quan đến khía cạnh văn hóa. Do cách nhìn nhận về thất bại tại Việt Nam vẫn chưa thực sự tích cực nên khiến các tổ chức tài trợ cộng đồng chưa thể là nơi để mọi người sẵn sàng chia sẻ ý tưởng của mình và gọi vốn vìhọ sợ bị dèm pha, chỉ trích hơn là ủng hộ.

Hình thức gọi vốn từ các nhà đầu tư thiên thần tương đối thích hợp với các DNKN đã có mô hình kinh doanh hoàn thiện với hướng đi rõ ràng. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các nhà đầu tư thiên thần tại Việt Nam thực tế không dễ. Lý do là bởi phần lớn những doanh nhân thành công tại Việt Nam, những người nắm giữ nguồn vốn đầu tư lớn, lại thường chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh thực tế như bất động sản, tài chính hay khai thác tài nguyên…

Do đó, họ không quá hào hứng với việc đầu tư tiền của mình vào các ý tưởng khởi nghiệp mạo hiểm. Chưa kể, Quỹ đầu tư mạo hiểm thường chỉ lựa chọn của các nhà khởi nghiệp, DN đã phát triển được một thời gian, có thương hiệu nhất định trên thị trường. Ở Việt Nam hiện tại, một số quỹ đầu tư mạo hiểm có uy tín như: IDG Ventures, Mekong Capital và Vina Capital. Tuy nhiên, số tiền thực tế mà các quỹ này bỏ ra còn rất hạn chế, nguyên nhân một phần là do khả năng thoái vốn khỏi các DNKN Việt Nam rất khó khăn.

Thứ hai, hạn chế về cơ sở vật chất, nghiên cứu phát triển. Các dự án khởi nghiệp thường không có đủ điều kiện để trang trải các chi phí cho máy móc, thiết bị và phát triển ý tưởng, sản phẩm.

Thứ ba, hạn chế về kỹ năng quản trị, điều hành kinh doanh, xúc tiến, quảng bá phát triển. Các dự án khởi nghiệp với nhân sự chủ chốt đều chủ yếu là chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ, thiếu kiến thức về kinh doanh, kinh tế và các kỹ năng điều hành, quản lý DN, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Thứ tư, hạn chế về khả năng đáp ứng các thủ tục hành chính liên quan tới việc gia nhập thị trường (đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép kinh doanh…), bảo hộ sở hữu trí tuệ (đăng ký bảo hộ các sản phẩm sở hữu trí tuệ), thương mại hóa sản phẩm (đăng ký tiêu chuẩn, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật), tài chính (tiêu chuẩn kế toán, hóa đơn, kê khai thuế, ưu đãi thuế…).

Một số đề xuất, khuyến nghị

Sự thành công của các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp không nằm ở yếu tố nguồn vốn mà thường được quyết định bởi cách thức, phương pháp tiếp cận và cấu trúc thực hiện. Các biện pháp hỗ trợ khởi nghiệp phụ thuộc vào nhiều đối tượng khác nhau, vào cấu trúc thể chế, vào năng lực quản trị và thực hiện của các tổ chức tham gia thuộc khu vực công và khu vực tư nhân, cũng như việc phối hợp, kết nối giữa các tổ chức khác nhau nhằm đưa ra các giải pháp hỗ trợ sáng tạo đối với người khởi nghiệp. Vìvậy, để hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp triển khai hiệu quả, thời gian tới Chính phủ và các cấp, các ngành, các bộ phận liên quan cần chú trọng những vấn đề sau:

Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam - Ảnh 2

Thứ nhất, rà soát, tổng hợp đề xuất việc sửa đổi, thay thế hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật, để vừa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống, vừa hỗ trợ hiệu quả cho DNKN.

Thứ hai, đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức và hoạt động của DNKN.

Thứ ba, tổng hợp, đánh giá, phát hiện và nhân rộng các mô hình hỗ trợ DNKN hiệu quả, tăng cường đối thoại giữa các DNKN với đại diện cơ quan nhà nước.

Thứ tư, nâng cao vai trò của các hiệp hội DN và hiệp hội ngành nghề, phát huy vai trò cầu nối giữa các cơ quan quản lý và DN. Thực hiện tốt vai trò là kênh quan trọng phản biện chính sách về DN, cho phép cộng đồng DN được giám sát và đánh giá hoạt động của các cơ quan chính quyền để làm cơ sở cải thiện chất lượng dịch vụ.

Thứ năm, tăng cường kết nối, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức đại diện DN và các đoàn luật sư, liên đoàn luật sư để hỗ trợ pháp lý trong các tình huống cụ thể. Đẩy mạnh việc hỗ trợ pháp lý cho DNKN bằng nhiều hình thức như bằng văn bản, qua mạng điện tử, điện thoại… Ngoài ra, cần tuyên truyền, phố biến các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ DNKN bằng các buổi hội nghị, hội thảo, tọa đàm về các chuyên đề pháp luật cho DNKN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận chính sách, thông tin pháp lý và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật.

Thứ sáu, các DNKN cần có sự chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố cần thiết khi khởi nghiệp; Chủ động nghiên cứu, cập nhật thông tin về chính sách, pháp luật để kịp thời năm bắt, tiếp nhận, tận dụng các cơ hội, ưu đãi từ chính sách và hạn chế tối đa các rủi ro trong quá trình khởi nghiệp…

Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 844/QĐ-TTg ban hành ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025”;
2. Quyết định số 171/QĐ-BKHCN ngày 7/2/2017 phê duyệt danh mục nhiệm vụ đặt hàng thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025”;
3. Quyết định số 3362/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành quy định tạm thời xử lý hồ sơ tham gia Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025”;
4. VCCI & USAID (2016), Việt Nam – đất lành cho khởi nghiệp: Tại sao không?
5. Tuấn Anh (2019), Thực trạng khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay - Đề xuất và kiến nghị, khoinghiep.org.vn;
6. Nguyễn Tuân (2019), Thực trạng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam hiện nay ra sao? Infonet.vn;
7. Nguyễn Anh Tuấn (2018), Các nhân tố tác động tới dự định khởi nghiệp của thanh niên ở Việt Nam.