Thúc đẩy hợp tác quản lý hóa chất và chất thải nguy hại

PV

Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện quản lý thân thiện với môi trường đối với các hóa chất và chất thải nguy hại trong suốt vòng đời và giảm thiểu chất thải theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, tuân thủ các khuôn khổ pháp lý và chính sách quốc gia hiện có.

Trưởng đoàn các quốc gia ASEAN tham dự Hội nghị AWGCW-8.
Trưởng đoàn các quốc gia ASEAN tham dự Hội nghị AWGCW-8.

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân tại Hội nghị lần thứ 8 Nhóm công tác ASEAN về hóa chất và chất thải (Hội nghị AWGCW-8) với chủ đề “Vì một ASEAN xanh hơn” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, môi trường liên quan đến hóa chất, chất thải đang là vấn đề đang được các nước ASEAN cũng như thế giới cùng quan tâm. Ô nhiễm môi trường do hóa chất và chất thải đang trở thành một trong những thách thức về môi trường ảnh hưởng tới sức khỏe con người và hành tinh, trong đó có khu vực ASEAN. Trong bối cảnh đó, xử lý ô nhiễm hóa chất, chất thải nhựa không chỉ một quốc gia mà cần hợp tác khu vực cùng giải quyết, cùng hướng tới cộng đồng ASEAN xanh hơn.

Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản lý các chất POP và chất thải thông qua việc nội luật hóa các quy định của các Công ước vào các văn bản pháp luật của Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh việc triển khai có hiệu quả các quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý các hóa chất và chất thải đã được nội luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Hóa chất 2007 (đang được Chính phủ sửa đổi, chuẩn bị trình Quốc hội) và các văn bản pháp luật hiện hành.

Việt Nam mong muốn hợp tác với cộng đồng quốc tế và tăng cường hợp tác trong việc ngăn chặn vận chuyển xuyên biên giới trái phép các hóa chất và chất thải nguy hại phù hợp với các khuôn khổ quốc tế. Trong đó, tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN và các quốc gia ngoài ASEAN, các đối tác quốc tế. Qua đó, đạt được quản lý an toàn về môi trường đối với các hóa chất, chất thải độc hại và chống lại việc vận chuyển bất hợp pháp các hóa chất, chất thải nguy hại vào khu vực một cách hiệu quả hơn.

Cũng tại Hội nghị AWGCW-8, các thành viên tham gia đã thảo luận các hoạt động thực hiện các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm tại từng quốc gia thành viên ASEAN nói riêng và khu vực ASEAN nói chung trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận hiệu quả việc thực hiện Kế hoạch hành động của Nhóm Công tác ASEAN về Hóa chất và Chất thải; các sáng kiến liên ngành về hoá chất và chất thải; hợp tác ASEAN về hoá chất và chất thải với các đối tác phát triển và các cơ quan chuyên ngành để báo cáo tại Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về Môi trường (ASOEN) được tổ chức tại Indonesia vào tháng 8 tới đây.

Đại diện các tổ chức quốc tế cũng giới thiệu về Chương trình về rác thải nhựa biển Đông Nam Á; Chương trình Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế để bảo vệ môi trường và rạn san hô; Sáng kiến nhóm xanh ASEAN và đề xuất tăng cường năng lực về quản lý chất thải nhựa bền vững...

Trước đó, tại Hội nghị các Bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm được tổ chức vào tháng 5/2023 tại Thụy Sỹ, nhiều quyết định và hướng dẫn kỹ thuật đã được thông qua ở cấp toàn cầu về chất thải nhựa, chất thải chứa các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), về vận chuyển xuyên biên giới chất thải điện, điện tử và thiết bị điện, điện tử đã qua sử dụng theo Công ước Basel; đưa chất Terbufos vào danh mục các hóa chất phải tuân thủ quy trình thỏa thuận thông báo trước thuộc Công ước Rotterdam; loại bỏ sản xuất và sử dụng 3 chất Methoxychlor, Dechlorane Plus và UV-328 theo Công ước Stockholm.

 

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, ước tính nhựa đang chiếm tới 80% tổng số rác thải biển ở các đại dương. Chỉ riêng tại 6 trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN đã tạo ra hơn 31 triệu tấn chất thải nhựa mỗi năm.