Thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19: Giải ngân vốn đầu tư công là mũi nhọn
Sự xuất hiện trở lại nhiều ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng khiến việc dự báo kinh tế Việt Nam trong thời gian tới trở nên khó đoán. Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - TS. Trần Du Lịch cho rằng, còn phải chờ xem thành tựu chống dịch lần này mới có thể đánh giá chính xác nhất vị trí kinh tế quý III/2020. Tuy nhiên, các chuyên gia đều có chung nhận định để thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những mũi nhọn.
Trao đổi với Lao Động, PGS., TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển (VEPR) nhận định, sự xuất hiện trở lại của dịch bệnh trong cộng đồng đã khiến vị chuyên gia này phải nhìn nhận lại về mức độ tăng trưởng kinh tế khi đánh giá nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 2,2%, bởi hoạt động kinh tế ít nhiều bị thu hẹp song song với việc đảm bảo an toàn chống dịch, đặc biệt là khối ngành khai khoáng phục vụ công nghiệp. Tất nhiên, cũng như giai đoạn đầu của dịch bệnh, khối ngành dịch vụ lưu trú, du lịch, hàng không sẽ tiếp tục là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Chia sẻ với Lao Động, TS. Trần Du Lịch cho rằng, với tình hình hiện tại rất khó dự báo được tình hình kinh tế trong thời gian tới bởi dịch bệnh đợt 2 này mới bùng phát. Tuy nhiên, chủ trương mục tiêu kép chống dịch và phát triển kinh tế vốn là chủ trương xuyên suốt đã được triển khai từ giai đoạn đối phó dịch bệnh từ đầu chứ không phải bắt đầu từ giai đoạn “bình thường mới”.
TS. Trần Du Lịch đánh giá: Nếu như chúng ta làm tốt việc chống dịch, để tiếp tục triển khai 3 trụ cột như Thủ tướng chỉ đạo thì sẽ giúp giảm bớt sự suy giảm của tăng trưởng. Từ trường hợp Đà Nẵng, tất cả các địa phương khác cũng tự phải dè chừng chứ không thể làm mạnh như trước đó. Trong khi đó, tâm lý của khách du lịch cũng đã hạn chế di chuyển sau thời gian “nén lò xo” để đi du lịch. Bởi vậy, đây chính là khó khăn thực tế. Tuy nhiên, các địa phương không cần thiết phải “đóng băng” mà chỉ nâng cao mức độ cảnh giác do chưa lường hết được mức độ của dịch đợt này. Các địa phương vẫn thực hiện công tác phòng chống dịch theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Trung ương nên không có chuyện tự phát.
“Đối phó với tình hình dịch bệnh hiện tại, cái gì hỗ trợ được doanh nghiệp cần tạo điều kiện tối đa, duy trì đời sống kinh tế ở mức tối đa. Không nên đặt vấn đề dự báo thời gian tới ở thời điểm hiện tại mà tôi cho rằng, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống dịch đã xuyên suốt, thông tin kịp thời là rất quan trọng. Tiếp đó là những chính sách mà Chính phủ đề ra trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế cần phải làm cho đến nơi đến chốn. Kết quả đạt được phụ thuộc vào các yếu tố, ví dụ như giải ngân đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp hấp thụ được tín dụng, giảm hoãn thuế... cần triển khai tối đa”, TS. Trần Du Lịch nói.
Vậy đâu là nhiệm vụ quan trọng nhất để thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh hiện tại? Quan điểm của PGS., TS. Phạm Thế Anh cho rằng, vấn đề quan trọng nhất chính là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đây phải là giải pháp mũi nhọn nhất chứ không phải kích cầu tiêu dùng. Mà ở đó, các dự án trọng điểm quốc gia đã được phê duyệt và bố trí vốn để thực hiện cần phải được đẩy nhanh nhất.
Trong khi đó, kịch bản mà nhóm nghiên cứu cùng TS. Cấn Văn Lực thực hiện đánh giá mức độ tăng trưởng theo các cấp độ cơ sở và tích cực lại chỉ ra các con số lạc quan hơn, còn mức độ tiêu cực thì thấp hơn kịch bản mà VEPR dự báo, theo các mức 1,5%, 3% và 4%. Giải pháp đầu tiên mà nhóm nghiên cứu đưa cũng trùng hợp với đại đa số ý kiến của các chuyên gia, đó là làm tốt việc phòng chống dịch. Từ đó xem xét thời điểm phù hợp, cẩn trọng và có lộ trình mở cửa ra bên ngoài, song song với việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế và khai thác tối đa hiệu quả của các nguồn lực hỗ trợ quốc tế. Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về tín dụng, các thủ tục hành chính, thuế để giảm bớt áp lực với doanh nghiệp.