Thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh mới


Nhằm thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh mới, Học viện Tài chính phối hợp với Trường Đại học Tài chính – Marketing, Trường Đại học Tài chính - Kế toán và Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính đồng tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ tư với chủ đề: “Tài chính - Kế toán thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững”. Tham dự và làm diễn giả chính trực tiếp có GS. Robert Durand, Đại học Curtin (Australia); tham dự và làm diễn giả chính trực tuyến qua Zoom có TS. Hafiz Muhammad Ali - Đại học UCSI (Malaysia).

Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần với nhiều loại hình kinh tế đã được Đảng ta nêu ra từ Đại hội VI (1986). Kế thừa các đại hội trước, Đại hội IX, XII, XIII của Đảng tiếp tục làm rõ và sâu sắc hơn nhiều vấn đề mới về phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời khẳng định vai trò, động lực quan trọng của thành phần kinh tế tư nhân trong hội nhập quốc tế. Trải qua hơn 35 năm đổi mới, thực tiễn đã chứng minh rằng, đây là một luận điểm, một chính sách hoàn toàn phù hợp với yêu cầu khách quan, là quyết sách chiến lược đúng đắn, sáng tạo góp phần vào “những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử”.

PGS.,TS. Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn
PGS.,TS. Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn

Phát biểu tại khai mạc Hội thảo, PGS., TS. Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing - nhấn mạnh: "Trong giai đoạn 2016-2021, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp hơn 49% GDP, chiếm ưu thế so khu vực nhà nước và có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động kinh doanh thì kinh tế tư nhân cũng còn nhiều hạn chế như: Quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ trọng cao. Điều kiện vay vốn khó đáp ứng nên tiếp cận vốn vay khó. Năng lực cạnh tranh chưa cao, chất lượng lao động chưa tốt, trình độ khoa học công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý theo phong cách gia đình, thiếu tính chuyên nghiệp, hiện đại. Do vậy, chúng ta tiếp tục phải nghiên cứu để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn".

Thời gian qua, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có sự phát triển mạnh cả về chất, lượng và quy mô, tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Điển hình trong đó là: Sun Group, Vingroup, Thaco, Masan, FPT… Dẫn đầu nhóm 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất cả nước hiện nay xét theo quy mô sử dụng lao động, tài sản, doanh thu là 10 cái tên quen thuộc như: CTCP Thế giới di động, CTCP dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce, CTCP ô tô Trường Hải, CTCP Sữa Việt Nam, CTCP Vinpearl. CTCP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình, CTCP Thép Hòa Phát, CTCP Đầu tư Thái Bình, CTCP thương mại Bách Hóa Xanh, CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất.

Như vậy, vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 42 - 43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng vào việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội...

TS. Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Tài chính phát biểu đề dẫn. Ảnh: Thanh Sơn
TS. Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Tài chính phát biểu đề dẫn. Ảnh: Thanh Sơn

Đặc biệt, lực lượng doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Theo TS. Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Tài chính, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 nêu rõ, phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế; Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân. Hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%...

GS. Robert Durand phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn
GS. Robert Durand phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn

Hội thảo đã thu hút đựợc sự tham gia đông đảo với 150 tham luận và các ý kiến phát biểu trực tiếp của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế tham dự trực tiếp tại hội thảo và các đối tác - điểm cầu trực tuyến tại Đại học Tài chính Quản trị kinh doanh, Đại học Tài chính - Marketing, Đại học Tài chính kế toán... Các đại biểu đã tập trung phân tích đánh giá, nhận định về kinh tế, tài chính, quản trị, nhân lực, kế toán và kiểm toán… gắn với phát triển kinh tế tư nhân.

Đặc biệt, trong phiên thảo luận buổi sáng, GS. Robert Durand - Đại học Curtin (Australia) đã có bài tham luận trực tiếp với chủ đề: "Chúng ta có thể đưa ra quyết định tài chính tốt không? Câu trả lời có lẽ là không". Tại phiên thảo luận toàn thể, Hội thảo cũng được nghe TS. Hafiz Muhammad Ali - Đại học UCSI (Malaysia) trao đổi về nội dung: "Thúc đẩy hiệu quả hoạt động ngân hàng bền vững thông qua tài chính toàn diện ở các cường quốc kinh tế mới nổi".

Thanh Sơn