Hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán:
Thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển theo chiều sâu, nâng tầm để hội nhập
Thực tế cho thấy trong 20 năm đầu tiên tạo dựng ngành Chứng khoán, với hơn 16 năm thị trường chứng khoán (TTCK) đi vào hoạt động, việc Việt Nam có 2 Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) là phù hợp. Đến nay, xu hướng hợp nhất các SGDCK đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, việc duy trì song hành hai SGDCK trên một TTCK có quy mô còn nhỏ bé như TTCK Việt Nam (mức vốn hóa chỉ vào khoảng 61 tỷ USD), thì việc hợp nhất 2 SGDCK là phù hợp để hướng đến lợi ích tổng thể cao hơn cho toàn thị trường, góp phần đưa TTCK bước vào giai đoạn phát triển theo chiều sâu, nâng tầm để hội nhập. Trước thềm năm mới 2017, phóng viên Tạp chí Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với TS. Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Thưa bà, xin bà vui lòng cho biết về chủ trương hợp nhất SGDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và SGDCK Hà Nội (HNX) trong quá trình phát triển TTCK Việt Nam?
TS.Tạ Thanh Bình: TTCK Việt Nam chính thức đi vào hoạt động với việc đưa Trung tâm Giao dịch Chứng khoán (TTGDCK) Tp. Hồ Chí Minh vào vận hành từ tháng 7/2000. Đến tháng 3/2005, TTGDCK Hà Nội được khai trương hoạt động và chính thức vận hành giao dịch chứng khoán từ tháng 7/2005. Sau này cả hai TTGDCK đều chuyển đổi mô hình hoạt động thành SGDCK và đã hoàn thành tốt vai trò, sứ mệnh của mình trong việc đảm trách từng mảng hoạt động của TTCK.
Các SGDCK đã có sự phát triển nhanh và mạnh về quy mô, số lượng doanh nghiệp trong các năm qua, nỗ lực góp phần vào việc xây dựng thành công thị trường giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc duy trì song hành hai SGDCK giữa bối cảnh TTCK có quy mô còn nhỏ bé, giá trị vốn hóa chỉ vào khoảng 61 tỷ USD như ở Việt Nam trong đó thị trường giao dịch cổ phiếu tập trung đang bị chia nhỏ và chưa có phân định rõ ràng về hàng hóa giữa hai SGDCK đã tạo nên sự cạnh tranh không cần thiết.
Hai SGDCK với 2 hệ thống giao dịch độc lập, khác nhau gây tốn kém nguồn lực xã hội như: chi phí các thành viên tham gia hệ thống của các SGDCK; chi phí đầu tư hệ thống, nhân sự của hai SGDCK... Hơn nữa, hệ thống công nghệ ngày càng hiện đại đã cho phép chuyển đổi từ giao dịch có sàn (người đầu tư phải đến công ty chứng khoán (CTCK) đặt lệnh) sang giao dịch trực tuyến (qua Internet), không phụ thuộc vào vị trí địa lý của sàn giao dịch. Mặt khác, các yêu cầu về cạnh tranh quốc tế, hội nhập khu vực cũng đòi hỏi các SGDCK tại Việt Nam phải ngày càng lớn mạnh hơn.
Để bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động, hiệu quả trong việc nâng cao năng lực quản trị và thu hút vốn từ các thành viên thị trường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2020 và Quyết định số 1826/QĐ-TTg1 ngày 06/12/2012 phê duyệt chủ trương hợp nhất hai SGDCK hiện tại để thành lập một SGDCK duy nhất tại Việt Nam.
Vậy việc hợp nhất 2 SGDCK sẽ có những tác động tích cực như thế nào đối với TTCK Việt Nam, thưa bà?
Hợp nhất các SGDCK để thành lập một SGDCK Việt Nam duy nhất sẽ có tác động tích cực tới TTCK nói chung và các thành viên tham gia thị trường nói riêng, cụ thể là:
Thứ nhất, mô hình một SGDCK sẽ góp phần làm giảm chi phí xã hội (chi phí đầu tư tại các SGDCK và các CTCK), phù hợp với xu thế quốc tế là sáp nhập, hợp nhất, gia tăng sức cạnh tranh, tạo thuận lợi cho công tác phát triển theo chiều sâu để khai thác tối đa hệ thống công nghệ và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khác nhau của thị trường, giúp luân chuyển dòng vốn đầu tư, đồng thời tăng tính thanh khoản cho TTCK Việt Nam.
Mô hình tổ chức một SGDCK quốc gia tiệm cận với xu hướng nhất thể hóa của các SGDCK trên thế giới, làm tăng vị thế cho Việt Nam trong việc liên kết hay đàm phán về tài chính, chứng khoán với quốc tế. Một SGDCK với quy mô lớn hơn sẽ nâng tầm vị thế của TTCK Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư đối với TTCK nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung.
Thứ hai, việc hợp nhất hai SGDCK sẽ tạo nên một TTCK tập trung, một hệ thống giao dịch duy nhất cho các công cụ đầu tư. Lợi ích của nhà đầu tư được nâng lên khi các quy định, nguyên tắc được thống nhất, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc theo dõi thông tin và giao dịch.
Thứ ba, hợp nhất hai SGDCK sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc huy động vốn và niêm yết, tăng cường quảng bá trên TTCK có quy mô lớn. Với mô hình tổ chức mới, các hoạt động liên quan đến đấu giá và niêm yết cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sau cổ phần hóa (CPH) sẽ được tập trung và chuyên sâu hơn, từ đó góp phần đẩy mạnh tiến trình CPH DNNN, thúc đẩy các DNNN quy mô lớn CPH và lên niêm yết, giúp tăng cung hàng hóa có chất lượng cho TTCK.
Thứ tư, việc hợp nhất hai SGDCK sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên thị trường, giảm thiểu chi phí kết nối, như chi phí đầu tư hệ thống giao dịch, thuê đường truyền… Với việc chỉ còn một hệ thống giao dịch, các thành viên thị trường sẽ dễ dàng hơn trong việc tập trung nguồn lực (vốn, con người, chất xám) vào phát triển hệ thống công nghệ tương thích với SGDCK thay vì phân tán như hiện nay. Trên cơ sở đó, các thành viên có điều kiện để chú trọng phát triển kinh doanh và cung cấp dịch vụ tiện ích hỗ trợ cho nhà đầu tư.
Thứ năm, việc tổ chức một SGDCK duy nhất sẽ góp phần tạo nên một TTCK tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, phát triển thị trường. Một SGDCK với quy mô lớn hơn sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò quản lý, định hướng phát triển thị trường, thống nhất các mảng thị trường. Hơn nữa, việc hình thành một hệ thống giao dịch/hệ thống thông tin/giám sát… thống nhất sẽ tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý trong việc thực hiện mục tiêu của chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và các chính sách đối với TTCK nói riêng.
Thứ sáu, với nền tảng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) phức hợp hiện đại được đầu tư đồng bộ, SGDCK Việt Nam sẽ dễ dàng tập trung nguồn lực trong việc nghiên cứu xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ mới cung cấp cho thị trường cũng như giúp tăng cường năng lực quản lý, giám sát thị trường, hướng tới sự phát triển bền vững.
Trong quá trình xây dựng phương án hợp nhất, cơ quan quản lý đã có sự nghiên cứu, cân nhắc và xem xét rất kỹ các yếu tố nội tại và kinh nghiệm quốc tế. Xin bà có thể chia sẻ một số kinh nghiệm từ TTCK các nước trên thế giới và khu vực?
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán của mỗi nước đều được định hình dựa trên điều kiện kinh tế - xã hội và lịch sử phát triển của quốc gia đó. Các quốc gia có nhiều hơn một SGDCK phần lớn là các quốc gia lớn cả về diện tích, quy mô dân số, quy mô nền kinh tế như Mỹ, Trung Quốc.
Ở các quốc gia có quy mô nền kinh tế nhỏ hơn, việc tồn tại nhiều hơn một SGDCK đều có xu hướng dẫn đến thực trạng là chỉ có một SGDCK tồn tại vượt trội lên trong khi SGDCK còn lại thì có quy mô ngày càng thu nhỏ, chẳng hạn như Cộng hòa Séc, hoặc sẽ dẫn tới việc hợp nhất các SGDCK lại để tăng sức cạnh tranh như Tiểu vương quốc Dubai.
Xu hướng hợp nhất, sáp nhập các SGDCK ngày càng phổ biến trên thế giới, điển hình là tại các nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và tại một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Ngay cả Mỹ, một nước có nhiều SGDCK, việc sáp nhập các SGDCK nhỏ theo mô hình công ty mẹ - con cũng diễn ra khá thường xuyên.
Cùng với xu hướng hợp nhất, sáp nhập, hầu hết các nước đều phân mảng thị trường tách biệt giữa TTCK cơ sở và TTCK phái sinh (TTCKPS). Điều này giúp cho các nước xây dựng được một hệ thống văn bản pháp luật về chứng khoán và TTCK thống nhất nhằm tổ chức thị trường hoạt động ổn định cũng như thuận lợi trong công tác quản lý. Đây là những kinh nghiệm rất quý báu cho Việt Nam, một thị trường ra đời sau so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Xin bà cho biết định hướng mô hình hợp nhất hai SGDCK của TTCK Việt Nam và lộ trình triển khai trong thời gian tới?
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện Đề án thành lập SGDCK Việt Nam trên cơ sở hợp nhất HOSE và HNX.
Việc thành lập SGDCK Việt Nam duy nhất trên cơ sở hợp nhất hai SGDCK phải đáp ứng các mục tiêu: (i) Đảm bảo sự quản lý của Nhà nước một cách chặt chẽ, hiệu quả; (ii) Gắn với việc sắp xếp, phân định lại và bảo đảm vận hành đồng bộ 03 thị trường riêng biệt: thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và TTCKPS và tạo ra hướng mở cho các loại thị trường khác; (iii) Thu hẹp thị trường tự do, từng bước tiếp cận với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao vị thế của SGDCK Việt Nam cũng như tăng cường kết nối với các TTCK trong khu vực và trên thế giới.
SGDCK Việt Nam sẽ hoạt động dưới hình thức công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước và là doanh nghiệp đặc thù với mục tiêu đảm bảo tổ chức thị trường hoạt động an toàn - hiệu quả, không vì mục tiêu lợi nhuận. Trên cơ sở thống nhất về hệ thống công nghệ, thị trường cổ phiếu dự kiến sẽ đặt tại Tp. Hồ Chí Minh, thị trường trái phiếu và TTCKPS đặt tại Hà Nội.
Việc hợp nhất các SGDCK sẽ được thực hiện theo lộ trình nhằm tránh gây xáo trộn và đảm bảo TTCK vận hành liên tục, thông suốt. Theo đó, việc hợp nhất các SGDCK phải triển khai theo 02 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là thành lập một SGDCK Việt Nam trên cơ sở hợp nhất các SGDCK về tổ chức bộ máy, tài chính nhưng vẫn duy trì hoạt động các thị trường giao dịch chứng khoán như hiện tại.
Giai đoạn tiếp theo sẽ phân định triệt để các khu vực của thị trường thông qua việc tổ chức lại các thị trường giao dịch chứng khoán gắn liền với việc hoàn thiện hệ thống CNTT, thống nhất tiêu chuẩn công nghệ nền tảng cho hoạt động của thị trường cổ phiếu, trái phiếu, TTCKPS và hoạt động thanh toán bù trừ chứng khoán của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.
Dự kiến trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án thành lập SGDCK Việt Nam. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập SGDCK Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn bà!