"Thực hành phê và tự phê bình, xây dựng sự đoàn kết nhất trí trong Đảng"

PV

(Tài chính) Đó là chủ đề tham luận của Đảng uỷ cơ quan Tổng cục Dự trữ Nhà nước tại Hội thảo "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đối với cán bộ, đảng viên ngành Tài chính.

Bác Hồ nói về phê bình và tự phê bình
Bác Hồ nói về phê bình và tự phê bình

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi ngày tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt” và căn dặn “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Sự nhắc nhở này đã trở thành quy luật phát triển của Đảng, là nguyên tắc, chế độ thường xuyên trong sinh hoạt đảng. Tự phê bình và phê bình là nêu ưu điểm, vạch rõ khuyết điểm của tổ chức đảng, của cấp uỷ và cán bộ, đảng viên, qua đó tìm biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, giúp tổ chức và mỗi người tiến bộ.

Ở tổ chức cơ sở đảng, tự phê bình và phê bình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, giữ gìn phẩm chất, tư cách đảng viên, nâng cao uy tín của Đảng và củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng. Sự đoàn kết thống nhất ý chí và hành động trong Đảng trước hết phải dựa trên nền tảng tư tưởng là Chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối, quan điểm của Đảng.

1. Trước hết, về thực hành phê và tự phê bình

Đối với công tác xây dựng Đảng thì việc tự phê bình và phê bình có một vị trí rất quan trọng. Chính vì thế trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam đã xem vấn đề này là “quyền lợi” và “nghĩa vụ” của mỗi đảng viên. Bởi vì, tự phê bình và phê bình như một giải pháp hữu hiệu chống quan liêu, sửa chữa những sai lầm khuyết điểm để củng cố, thống nhất, đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Nói về Đảng, lời dặn đầu tiên của Hồ Chí Minh, Người khẳng định: “Vấn đề đoàn kết có tầm quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng, đoàn kết là nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn, cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Tự phê bình và phê bình thực sự là một cuộc đấu tranh giữa mặt tích cực và mặt tiêu cực, giữa tiến bộ và lạc hậu, giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái đúng và cái sai… diễn ra ngay trong từng cán bộ, đảng viên Tổng cục Dự trữ Nhà nước. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải triệt để, phải thật thà, không nể nang, không thêm bớt, phải chỉ rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, không dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc, phê bình việc làm chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình phải có tinh thần cầu thị, tiếp thu nhận xét để sửa đổi, không vì bị phê bình mà nản chí hoặc oán ghét. Các cơ quan, cán bộ, đảng viên, mỗi người, mỗi ngày phải thiết thực tự đánh giá mình. Khi thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa, như thế sẽ giúp đảng phát triển. Thực tế cho thấy những cán bộ không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự thì người đó ngày càng lao vào khuyết điểm. Phê bình công khai có làm “suy giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền không?” Dứt khoát là có. Nhưng sự “giảm bớt” này là tạm thời để rồi uy tín lại tăng lên, nếu quyết tâm sửa chữa khuyết điểm.

Cán bộ, đảng viên, công chức thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, là quy luật phát triển của Đảng. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh coi đây là biện pháp tốt nhất để củng cố, phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng. Người yêu cầu tự phê bình và phê bình phải thường xuyên, nghiêm túc, không nể nang, qua loa đại khái, hình thức. Người hiểu rõ, đã là con người thì ít, nhiều đều có khuyết điểm, nhưng quan trọng là phải nhận rõ khuyết điểm, không che giấu khuyết điểm, tự phê bình để sửa chữa, khắc phục, vươn lên tự chiến thắng thói hư tật xấu của mình. Mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc, thực hiện triệt để vấn đề này để Đảng luôn trong sạch, làm cho uy tín, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao.

Đảng bộ cơ quan Tổng cục DTNN xác định rõ tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là biện pháp rất quan trọng và cần thiết cho sự tiến bộ trưởng thành của mỗi cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, cán bộ, đảng viên Tổng cục DTNN đã tập trung làm tốt một số biện pháp sau:

- Một là, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng làm cho mọi cán bộ, đảng viên Tổng cục DTNN nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, sự cần thiết phải đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, mục đích, phương pháp tiến hành tự phê bình và phê bình. Trên cơ sở đó, kiên quyết duy trì thực hiện nghiêm túc nền nếp chế độ tự phê bình và phê bình trong các cấp ủy, tổ chức đảng.

 - Hai là, phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên Tổng cục DTNN, nhất là cán bộ chủ chốt trong tự phê bình và phê bình. Cán bộ, đảng viên giữ cương vị càng cao càng phải nghiêm khắc tự phê bình, cấp trên phải gương mẫu tự phê bình trước cấp dưới, cấp dưới cần mạnh dạn phê bình cấp trên, tổ chức đảng và đảng viên phải lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng.

- Ba là, tiếp tục xây dựng và ban hành các quy định, quy chế cụ thể để thực hiện tự phê bình và phê bình, đặc biệt là quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc thực hiện tự phê bình và phê bình, coi kết quả thực hiện tự phê bình và phê bình là một tiêu chí để xem xét đánh giá, cất nhắc và bổ nhiệm cán bộ.

- Bốn là, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những tổ chức đảng, đảng viên không thực hiện tốt nghị quyết, chỉ thị của Đảng về tự phê bình và phê bình.

- Năm là, tăng cường cung cấp thông tin, mở rộng dân chủ trong Đảng, công khai hóa chế độ, chính sách để cán bộ, đảng viên giám sát, kiểm tra. Phát huy vai trò của quần chúng, của các phương tiện thông tin, đại chúng trong việc giám sát, phê bình cán bộ, đảng viên.

2. Tiến hành xây dựng sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng

Tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm: Đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế.

Mở đầu Di chúc, Người viết: “Trước hết nói về Đảng-Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và dân tộc ta”. Để giữ vững và phát huy truyền thống đó, “các đồng chí từ  Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Theo Người, đoàn kết trong Đảng là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.

Thực hiện quyết định 106/2009/QĐ-TTg ngày 20/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tổng cục DTNN trực thuộc Bộ Tài chính, đảng ủy cơ quan Tổng cục DTNN đã kịp thời ban hành Nghị quyết chuyên đề, chủ động làm tốt công tác tư tưởng để cán bộ, công chức yên tâm, tin tưởng, hoàn thành tốt công việc trên cương vị mới, trên cơ sở đó để tăng cường đoàn kết nội bộ.

Tổng cục đã chủ động đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống các cơ chế, chính sách quản lý DTNN, trong đó chú trọng công tác đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả mua bán, nhập xuất hàng DTNN; bảo đảm hoạt động DTNN ngày càng chặt chẽ, nề nếp, hiệu quả.

Phát huy tinh thần “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cán bộ, đảng viên ngành DTNN đã thực hiện những điều sau:

- Một là, thực hành dân chủ rộng rãi, nhờ dân chủ mà Đảng bộ đã khơi dậy, phát huy cao nhất trí tuệ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình. Nhờ dân chủ mà trong Đảng bộ đã khắc phục được tình trạng bè cánh, cục bộ, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, xa rời quần chúng. Thực hành dân chủ rộng rãi nghĩa là phải dân chủ thực sự, dân chủ thường xuyên. Nhưng dân chủ phải gắn với tập trung. Tập trung dân chủ là nguyên tắc sống còn và cũng là biện pháp tốt nhất để xây dựng Đảng.

- Hai là, thực hiện công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến công việc của cơ quan, kế hoạch công tác, kinh phí hoạt động, tuyển dụng, khen thưởng, kỷ luật, nâng bậc lương, nâng ngạch, đề bạt cán bộ, công chức, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo…đảm bảo công bằng quyền lợi, nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên, công chức.

- Ba là, cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Tổng cục DTNN có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Trên cơ sở tình đồng chí thương yêu lẫn nhau thì mới thực hành được “dân chủ rộng rãi”, mới “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. Không có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau sẽ dẫn đến dân chủ hình thức, tự phê bình và phê bình không nghiêm túc hoặc lợi dụng dân chủ, lợi dụng phê bình để trả thù cá nhân.

Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển theo con đường XHCN, thì việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh trở nên hết sức quan trọng. Bởi vì tư tưởng đạo đức của Người luôn là bộ phận quan trọng của nền tảng tinh thần xã hội, là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để nhân dân ta phát huy nội lực, vượt qua thách thức, khó khăn để tiến lên, đặc biệt học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người về “Thực hành phê bình và tự phê bình, xây dựng sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng” là một biện pháp quan trọng để mọi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng sửa chữa, khắc phục tình trạng suy thoái “có tính nghiêm trọng” về đạo đức, lối sống, giữ vững niềm tin của nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta di sản tinh thần to lớn, những tư tưởng vô giá, những giá trị nhân văn cao cả, trong đó đặc biệt là tư tưởng đạo đức cách mạng. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Người là tấm gương sáng ngời cho toàn Đảng, toàn dân ta nguyện phấn đấu suốt đời học tập và noi theo./.