Thực hiện dự toán ngân sách nhà nước tháng đầu năm 2014
Một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô:
- So với tháng 12/2013, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 1/2014 chỉ tăng 0,69%. Một số loại hàng hóa, dịch vụ cơ bản do Nhà nước định giá được giữ ổn định (điện, xăng dầu, dịch vụ giáo dục…); có loại giá giảm như giá khí hóa lỏng (LPG) giảm khoảng 8,53% đến 8,85%, giá xi măng giảm từ 30.000-40.000 đồng/tấn tại các nhà máy. Trị giá xuất khẩu đạt 10,3 tỷ USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2013; Trị giá nhập khẩu ước đạt 10,4 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2013. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký và thực hiện trong tháng 1/2014 ước đạt 465 triệu USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2013.
Tình hình thực hiện dự toán NSNN
Căn cứ nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2014 được Thủ tướng Chính phủ giao, nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2014 của các địa phương cao hơn so với các năm 2012, 2013, song vẫn thấp hơn so với các năm 2010 và 2011. Riêng về dự toán thu có 43 địa phương quyết định dự toán cao hơn dự toán được giao là 14.422,7 tỷ đồng, 20 địa phương còn lại quyết định bằng dự toán được giao; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm 0,7%, tương ứng giảm 1.572 tỷ đồng. Tổng chi cân đối NSĐP (bao gồm cả tăng chi từ nguồn năm trước chuyển sang) là 457.115,2 tỷ đồng, tăng 4,9% (21.315,6 tỷ đồng) so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó: 51 địa phương quyết định dự toán chi NSĐP tăng so với dự toán được giao; 12 địa phương quyết định dự toán chi NSĐP bằng dự toán được giao. Về chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo: 32 địa phương bố trí dự toán cao hơn so dự toán được giao khoảng 6.392 tỷ đồng; 27 địa phương bố trí bằng và 4 địa phương bố trí thấp hơn khoảng 244 tỷ đồng. Về chi sự nghiệp khoa học - công nghệ: 32 địa phương bố trí cao hơn dự toán được giao khoảng 172 tỷ đồng; 28 địa phương bố trí bằng và 3 địa phương bố trí thấp hơn 12,5 tỷ đồng. Đối với khoản dự phòng NSĐP, các địa phương đã quyết định bằng 2,2% dự toán chi cân đối NSĐP (có 31/63 địa phương quyết định tăng 1.185,9 tỷ đồng; 32 địa phương còn lại quyết định bằng dự toán được giao).
- Tình hình thực hiện dự toán thu NSNN:
Tổng thu NSNN tháng 1 ước đạt 71.700 tỷ đồng, bằng 9,2% dự toán, trong đó:
+ Thu nội địa ước đạt 53.300 tỷ đồng, bằng 9,9% dự toán, cao hơn yêu cầu tiến độ thu bình quân 1 tháng theo dự toán (khoảng 8,3%) và cao hơn tiến độ thu cùng kỳ năm trước. Trong đó: có 5/14 khoản thu ước đạt cao hơn tiến độ thu theo dự toán (gồm: thu từ kinh tế quốc doanh đạt 9,9%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,5%; thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 12,1%; thuế thu nhập cá nhân đạt 8,9% và lệ phí trước bạ đạt 9,7%); còn lại 9/14 khoản thu đạt dưới yêu cầu như: thu phí, lệ phí đạt 7,4%; thu khác ngân sách đạt 5,3%; thuế sử dụng đất nông nghiệp đạt 6,3%; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 4,5%... Không kể tiền sử dụng đất, số thu nội địa tháng 1/2014 ước đạt 10,1% dự toán, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Do hoạt động sản xuất - kinh doanh những tháng cuối năm 2013 và tháng 1/2014 có những chuyển biến tích cực (GDP quý 4/2013 tăng 6,04%, cao hơn mức tăng của quý 3/2013 là 5,54%, quý 2/2013 là 5%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) quý 4/2013 tăng 8%, cao hơn mức tăng của quý 3/2013 là 5,4%, quý 2/2013 là 5,5%) do vậy đã tạo thêm nguồn thu cho NSNN, một số khoản thu chủ yếu có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, như: thu từ kinh tế quốc doanh tăng 12,9%; thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh tăng 9,3%; thu phí, lệ phí tăng 26,7%; thu tiền sử dụng đất tăng 7,8%... Bên cạnh đó, do thay đổi cơ chế kê khai nộp NSNN số thu điều tiết của Nhà máy lọc dầu Dung Quất (từ 1/10/2013 chuyển từ kê khai theo quý sang theo tháng), kết hợp với việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng xăng dầu (từ 12% thời điểm cuối năm 2012 lên mức 18% hiện nay), đã phát sinh tăng số thu ngân sách trong tháng 1/2014 (ước nộp khoảng 1.090 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2013). Tuy nhiên, việc thực hiện một số chính sách mới theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (Trong đó: thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông giảm 3% từ mức 25% xuống 22%, riêng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng mức thuế suất là 20%; mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân cũng được nâng từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng và mức chiết trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ mức 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng,..), cũng đã ảnh hưởng làm giảm số thu so với cùng kỳ năm trước.
+ Thu từ dầu thô: ước đạt 8.200 tỷ đồng, bằng 9,6% dự toán. Giá dầu thô trên thị trường thế giới từ tháng 12/2013 nhìn chung ổn định và duy trì ở mức cao, nhờ đó giá dầu thô thanh toán của Việt Nam trong tháng 1/2014 đạt xấp xỉ 113 USD/thùng, tăng 15 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán; sản lượng thanh toán ước đạt 1,2 triệu tấn, bằng 8,4% kế hoạch.
+ Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: tổng số thu ước đạt 15.000 tỷ đồng (bằng khoảng 80,3% mức thu bình quân 1 tháng theo tiến độ dự toán, thấp hơn yêu cầu khoảng 3.666 tỷ đồng), bằng 6,7% dự toán, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (5.000 tỷ đồng), thu cân đối NSNN ước đạt 10.000 tỷ đồng, bằng 6,5% dự toán. Trong tháng 1/2014, giá trị xuất nhập khẩu ước giảm 13,1% so với tháng 12/2013 và giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó: kim ngạch xuất khẩu ước giảm 11,5% so với tháng 12/2013 và giảm 10,8% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước giảm 14,6% so với tháng 12/2013 và giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2013.
- Tình hình thực hiện dự toán chi NSNN:
Tổng chi NSNN tháng 1/2014 ước đạt 81.860 tỷ đồng, bằng 8,1% dự toán. Trong đó tập trung đảm bảo các nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, chi trả nợ. Riêng chi đầu tư XDCB, do đang trong thời gian phân bổ, thông báo vốn cho các chủ đầu tư nên tiến độ thực hiện có chậm hơn mức bình quân chung (ước đạt 7% dự toán), chủ yếu là thanh toán vốn cho các dự án chuyển tiếp thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, đê điều và một số dự án quan trọng đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Để tạo điều kiện cho các đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ngay từ đầu năm, ngành Tài chính đã chủ động tạm cấp kinh phí tháng 1/2014 cho các đơn vị đang trong thời gian chờ phân bổ dự toán; thực hiện chi trả trước tiền lương hưu và các khoản trợ cấp đến hết tháng 2/2014 tạo điều kiện cho các đối tượng là người có công với cách mạng, người hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội vui đón Tết cổ truyền. Bên cạnh đó, thưc hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp (không thu tiền) 12.322 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cứu đói cho các địa phương dịp Tết nguyên đán và giáp hạt năm 2014 góp phần cân đối cung cầu, bảo đảm an sinh xã hội.
- Tình hình bội chi NSNN ước bằng 10.160 tỷ đồng, xấp xỉ mức 4,5% dự toán cả năm; được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và ngoài nước.
Công tác huy động vốn:
Từ 01/01 - 15/01/2014, KBNN đã huy động được 9.950 tỷ đồng qua 2 phiên đấu thầu tín phiếu, 01 phiên đấu thầu trái phiếu. Riêng phát hành trái phiếu Chính phủ đạt 17.176,8 tỷ đồng.