Thực hiện thanh toán điện tử ở Việt Nam – Cần khai thác hết tiềm năng
Lợi ích của việc thanh toán điện tử ở thấy rõ. Nhưng ở Việt Nam, hình thức thanh toán này vẫn rất thấp, tại sao vậy?
Hiên nay không phải bất cứ người dân nào cũng hiểu biết về thanh toán điện tử và thanh toán điện tử có lợi ích ra sao, không nói đến các vùng xa xôi, hẻo lánh, dân trí còn hạn chế, hạ tầng kỹ thuật chưa đầy đủ, mà ngay tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất… tập trung đông người lao động cũng vậy. Nhiệm vụ của chính quyền và các cơ quan chức năng cũng như các phương tiện thông tin đại chúng là phải tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hiểu rõ vấn đề này. Đây cũng là nhiệm vụ mà Chính phủ yêu cầu các ngành, đặc biệt là các cấp liên quan trực tiếp đến công tác thanh toán điện tử phải thực hiện để phổ cập nhanh hình thức này. Tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015), khai mạc sáng 16/12/2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, để phát triển thanh toán điện tử ở Việt Nam, bên cạnh chính sách, công nghệ thì yếu tố rất quan trọng là tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong các giao dịch.
Người dân phải hiểu biết về hình thức thanh toán điện tử
Các hình thức thanh toán điện tử phổ biến gồm: Thanh toán thông qua thẻ (POS, ATM…), thanh toán trên Internet (thông qua tài khoản mở tại ngân hàng); thanh toán trực tiếp qua điện thoại di động; và các hình thức thanh toán điện tử khác như thanh toán thông qua một mạng lưới mà các thành viên tham gia cùng chấp nhận (như hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, trong nước là hệ thống CITAD…).
Lợi ích của thanh toán điện tử: Thông qua hệ thống thanh toán điện tử, người dân có thể chuyển tiền, thanh toán hóa đơn và đặt mua sản phẩm trực tuyến ở bất kỳ nơi nào, hàng hóa sẽ được giao tận tay và được cam kết bảo đảm về chất lượng và giá cả. Qua đó, mọi giao dịch đều được mã hóa, giúp cho việc giám sát thuận tiện hơn, hiệu quả hơn. Lâu nay, thông qua hình thức thanh toán điện tử các doanh nghiệp, công ty, nhà đầu tư… đều có thể giao dịch các hợp đồng lớn vừa nhanh chóng vừa an toàn.
Việc thanh toán điện tử sẽ dần loại bỏ thanh toán bằng tiền mặt, đồng nghĩa với nó là sẽ hạn chế các hoạt động bất hợp pháp như: làm tiền giả, trả công lao động bằng tiền mặt, trốn thuế, buôn lậu, tham nhũng,... tăng cường sự minh bạch và năng lực thực thi của pháp luật.
Theo thống kê, nước ta có trên 120 triệu thuê bao di động (trong đó thuê bao di động 3G chiếm khoảng 30%) và trên 40 triệu người sử dụng Internet (34% trong đó truy nhập Internet bằng các thiết bị di động), những năm qua phương thức giao dịch điện tử ở Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, được đánh giá là rất có tiềm năng, là một lợi thế của đất nước đang phát triển.
Theo một số nghiên cứu trên thế giới, nếu một nền kinh tế sử dụng 90% thanh toán điện tử thì GDP sẽ tăng thêm khoảng 1%.
Hạn chế của việc thanh toán điện tử
Do hạ tầng: Hiện các cơ sở và điểm chấp nhận của ngân hàng Việt Nam chưa đồng nhất nên việc thanh toán điện tử còn nhiều hạn chế. Do rủi ro tiềm tàng khác từ hình thức thanh toán điện tử như: có thể bị hacker chộm tài khoản, bị kẻ gian truy cập vào dữ liệu mã hóa, lợi dụng kẽ hở bảo mật để đánh cắp thông tin từ thẻ tín dụng, điện thoại của người tiêu dùng (điều đã và đang vẫn xảy ra). Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị vài năm nay đã mở rộng rất nhanh, tuy nhiên, so với mạng lưới chợ truyền thống vẫn quá ít ỏi, chưa đáp ứng được nhu cầu. Lượng hàng hóa thiết yếu, hàng ngày người dân phải tiêu dùng, vẫn chủ yếu được mua bán ở các chợ truyền thống, ở đó chỉ tiêu dùng tiền mặt.
Do tư duy: Hiện người Việt Nam vẫn tiêu dùng chủ yếu bằng tiền mặt (tiêu dùng tiền mặt vẫn chiếm tới 65% giao dịch mua bán, trao đổi). Việc cầm, nắm giữ tài sản là vàng hay tiền mặt vẫn khiến người dân yên tâm về sở hữu hiện vật của mình hơn là cầm nắm một thẻ thanh toán hoặc một địa chỉ tài khoản tiền có thể bị đánh mất hay bị trộm cắp dưới nhiều hình thức tinh vi. Do thủ tục mở tài khoản hay bỏ ra một khoản tiền nhỏ thế chấp để mở thẻ tín dụng cũng khiến nhiều người ngại ngùng.
Chưa xây dựng được chính phủ điện tử. Khi có chính phủ điện tử, mọi giao dịch công kể cả giữa Chính phủ với doanh nghiệp, Chính phủ với người dân, doanh nghiệp với người dân… rất thuận lợi sẽ tạo thói quen, tạo tư duy cho người dân sang lĩnh vực giao dịch thương mại.
Hỗ trợ thanh toán điện tử
“Từ năm 2005 chúng ta đã có Luật Giao dịch điện tử; quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử; các quyết định, nghị quyết, các đề án về dịch vụ công trực tuyến, Chính phủ điện tử…, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển thương mại điện tử... nhưng phải thừa nhận thanh toán điện tử còn thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng…” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đánh giá như vậy.
Năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó, nhằm giảm hàng trăm giờ nộp thuế, bảo hiểm, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu… ngành Tài chính đã xây dựng hệ thống thanh toán điện tử (như Cổng thông tin nộp thuế điện tử, mở tài khoản để doanh nghiệp có thể nộp thuế trực tiếp tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước). Hiện nay, trong tổng số hơn 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động đã có 90% đăng ký nộp thuế và hơn 200.000 doanh nghiệp đã nộp thuế bằng phương thức điện tử. Trong tuần đầu tháng 12/2015, tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt gần 66%.
Không chỉ vậy, với vấn đề nộp thuế điện tử cá nhân, ngành Tài chính đang khẩn trương triển khai mạng lưới để trong năm 2016, người dân có thể lựa chọn nộp thuế mà không nhất thiết phải đến kho bạc hoặc ngân hàng.
Ngoài mạng lưới điện tử giúp công tác thanh toán thuế, hệ thống dịch vụ internet phục vụ các giao dịch thanh toán tiền điện, nước, thanh toán bảo hiểm, khám chữa bệnh… cũng đang được các cơ quan chức năng đẩy mạnh. Một bộ phận dân số như người già, những người không biết sử dụng điện thoại di động và người nghèo sẽ được hỗ trợ để không bị thụt lùi khi xu hướng thanh toán điện tử đang trở nên phổ biến.
Hỗ trợ toàn diện, về hạ tầng cơ sở, thay đổi tư duy, nâng cao hiểu biết của người dân… sẽ phải đi liền với nâng cao đời sống và thu nhập cho cộng đồng… chỉ như vậy, hình thức thanh toán điện tử mới được phổ cập và người dân sẽ tự nguyện tin dùng. Điều này có thể nhìn thấy rất rõ qua trạng thái thanh toán tiêu dùng của một số nước phát triển, người dân có đời sống cao (như Bỉ - 93%, Pháp – 92%, Canada – 90%. Anh – 89%...).