Thực thi BEPS: Đảm bảo nguồn thu thuế bền vững hơn

Theo tapchithue.com.vn

Đó là nhận định của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh xung quanh việc triển khai chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS).

Phóng viên: Xin ông cho biết việc triển khai BEPS tại Việt Nam có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế nói chung và công tác quản lý thuế nói riêng?

Thực thi BEPS: Đảm bảo nguồn thu thuế bền vững hơn - Ảnh 1

Ông Đặng Ngọc Minh

Ông Đặng Ngọc Minh: Trước hết cần hiểu rõ, các biện pháp BEPS đưa ra nhằm giúp các quốc gia thu hẹp lỗ hổng trong quản lý thuế quốc tế, giúp ngăn chặn tình trạng lợi nhuận của các công ty đa quốc gia được chuyển đến những vùng lãnh thổ có thuế suất thấp, miễn thuế trong khi thực tế những nơi này có rất ít hoặc không có các hoạt động kinh tế thực chất.

Việc triển khai thực hiện nhanh chóng chương trình hành động BEPS của các nước sẽ đảm bảo môi trường thuế quốc tế bền vững hơn vì lợi ích chung của tất cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.

Chính vì thế, với một nước được xác định có độ rủi ro như Việt Nam, nỗ lực tham gia vào chương trình hành động BEPS sẽ mang lại nhiều lợi ích, bao gồm việc củng cố, bảo vệ nguồn thu; nâng cấp thể chế, chính sách phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế; đảm bảo môi trường thuận lợi, bình đẳng thu hút đầu tư nước ngoài. Qua đó, Việt Nam có điều kiện mở rộng nguồn thu từ SXKD và thiết lập các biện pháp hạn chế chuyển lợi nhuận thông qua các giao dịch tài chính, chuyển giao công nghệ hay thanh toán chi phí quản lý. Điều đó cũng phù hợp với chủ đề của Liên Hợp Quốc về đảm bảo nguồn thu từ nội tại của các nước đang phát triển, phục vụ cho phát triển kinh tế bền vững.

Ngoài ra, thực hiện BEPS sẽ góp phần nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế. Một trong những nội dung quan trọng của BEPS là nâng cao tính minh bạch đối với chính sách thuế, cũng như đặt ra yêu cầu có sự phối hợp thực hiện, tăng cường trao đổi thông tin giữa các nước, giảm bớt các khác biệt về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong việc tuân thủ pháp luật thuế.

Xung quanh 15 chương trình hành động BEPS và 4 cam kết tối thiểu vừa được Tổng cục Thuế công bố, nhiều ý kiến vẫn còn băn khoăn về tính khả thi. Quan điểm của Phó Tổng cục trưởng về vấn đề này như thế nào?

Để triển khai BEPS, một trong những yêu cầu mà Việt Nam phải thực thi là, tự rà soát đánh giá các biện pháp ưu đãi đầu tư phục vụ cho phát triển vùng hay các ngành kinh tế. Nhưng đảm bảo không vi phạm nguyên tắc hạn chế sử dụng ưu đãi để cạnh tranh thu hút các hoạt động hình thành trung tâm tài chính khu vực, từ đó xây dựng các chương trình điều chỉnh chính sách thuế cụ thể.

Bên cạnh đó, BEPS cũng đặt ra những yêu cầu quản lý giá chuyển nhượng mà Việt Nam phải tuân thủ. Đơn cử như, quy định về lập hồ sơ kê khai, thời gian, việc sử dụng thông tin thanh tra giá chuyển nhượng.

Hiện nay, thời gian thanh tra giá chuyển nhượng truyền thống quy định rất ngắn trong 45 ngày, trong khi trên thực tế việc đấu tranh giá chuyển nhượng đòi hỏi kỹ năng so sánh dữ liệu quốc tế, nên thời gian có thể lên tới 1-3 năm. Chưa kể, việc nghiên cứu các phương thức quản lý thuế quốc tế để vận dụng chuyển tải vào các quy định trong nước cũng đặt ra những đòi hỏi về năng lực, trình độ cán bộ.

Đối diện với những thách thức này, ngay trong năm 2016, các biện pháp BEPS về giá chuyển nhượng sẽ được Tổng cục Thuế nghiên cứu, đề xuất để từng bước đưa vào dự thảo nghị định quản lý giá chuyển nhượng. Đồng thời, vấn đề kiểm soát vốn mỏng cũng được đề xuất đưa vào Luật Thuế TNDN, chậm nhất là trong năm 2017. Có thể nói, Việt Nam đã tiếp cận BEPS từng bước một cách thận trọng.

Các cam kết của Việt Nam có độ mở và có lộ trình triển khai cụ thể, nên hoàn toàn có tính khả thi. Hy vọng đến tháng 1/2017, Việt Nam có thể tuyên bố tham gia BEPS và cam kết 4 tiêu chuẩn tối thiểu với lộ trình cụ thể.

Việt Nam đang là điểm đến của đầu tư quốc tế. Vậy làm thế nào để triển khai BEPS thành công, vừa giữ được sức hút đầu tư FDI, thưa ông?

Bối cảnh phạm vi và quy mô hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia nói riêng và khu vực FDI nói chung tại Việt Nam ngày càng được mở rộng đang đặtra những thách thức đối với công tác quản lý, trước hết là năng lực xây dựng văn bản pháp luật. Theo hướng này thời gian tới, ngành thuế sẽ chú trọng rà soát các chính sách pháp luật, trọng tâm là thuế TNDN và các vấn đề liên quan đến thuế quốc tế, tạo điều kiện khuôn khổ pháp lý để đối phó có hiệu quả với các hành vi tránh, trốn thuế.

Bên cạnh đó, ngành thuế sẽ tham gia diễn đàn toàn cầu về minh bạch và trao đổi thông tin quản lý thuế để thực hiện BEPS được hiệu quả, tăng cường cơ chế hợp tác quốc tế để quản lý chặt chẽ các dòng vốn đầu tư mới vào Việt Nam sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới.

Mặt khác, trong bối cảnh Việt Nam đang cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế và hoàn thiện chính sách thuế phù hợp với yêu cầu hội nhập, việc thực hiện kế hoạch hành động BEPS là cần thiết, nhưng cũng cần cân nhắc cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Theo hướng này, cuối năm 2015 Bộ Tài chính đã có quyết định thành lập bộ phận thanh tra giá chuyển nhượng tại Tổng cục Thuế và 4 cục thuế lớn nhất nước. Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng đã thành lập Ban chỉ đạo BEPS và 3 tổ giúp việc đánh giá thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai và đề xuất các giải pháp chính sách và quản lý nhằm củng cố và bảo vệ nguồn thu đối với các vấn đề toàn cầu, trong đó có chương trình hành động BEPS. Các động thái này đã cho thấy quyết tâm của ngành thuế trong việc nâng cao tính minh bạch, công bằng, tăng cường hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý.

Xin cảm ơn Phó Tổng cục trưởng!