Thực thi CBAM tác động ra sao tới xuất khẩu của Việt Nam sang EU?
CBAM là một nhánh của Thoả thuận xanh EU khi đi vào thực thi sẽ có một số ngành hàng chịu tác động sớm, nhất là xuất khẩu sang EU.
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là một chính sách thuộc Thỏa thuận xanh EU, là chiến lược tăng trưởng mới của khu vực này nhằm xây dựng một xã hội công bằng và thịnh vượng, thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển trên cơ sở một nền kinh tế sạch và bền vững.
CBAM kỳ vọng sẽ giúp EU giảm phát thải carbon ít nhất 55% vào năm 2030 so với mức năm 1990. Cơ chế này xây dựng dựa trên sự minh bạch về thông tin, sẽ ảnh hưởng lớn không chỉ về phát thải khí nhà kính, biến đổi khí hậu mà tác động trực tiếp tới chuỗi cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Phương Nam - Chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên hợp quốc (UNFCCC) cho hay: Ở giai đoạn chuyển tiếp từ tháng 10/2023 - 12/2025 CBAM sẽ bao phủ lên các ngành xi măng, điện, phân bón, sắt và thép; giai đoạn triển khai từ năm 2026 - 2033 CBAM sẽ loại bỏ dần phân bổ miễn phí, ở giai đoạn này sẽ có thêm ngành nhôm, hoá chất chịu tác động; cuối cùng là giai đoạn vận hành đầy đủ từ năm 2034.
Trong bảng cấu trúc nhập khẩu của thị trường EU đối với hàng hoá thâm dụng carbon (hàng hoá CBAM) do TS. Nguyễn Phương Nam đưa ra, Việt Nam đứng thứ 13 trong tổng số 15 quốc gia xuất khẩu nhiều nhất các mặt hàng này vào EU, đạt kim ngạch 2,6 tỷ USD, chiếm 2,1% thị phần.
Tuy nhiên, xét về cường độ carbon trung bình của các ngành CBAM của Việt Nam so với một số nước cùng xuất khẩu như Mỹ, Anh, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc lại là con số đáng lo ngại. Cụ thể, ngành xi măng, sắt và thép có chỉ số cao nhất, vượt xa mức trung bình của thế giới; ngành phân bón đứng thứ 2 sau Trung Quốc nhưng cũng vượt mức trung bình; chỉ duy nhất ngành sản xuất nhôm có chỉ số phát thải khá thấp, chỉ cao hơn Anh và Hàn Quốc.
Việc EU áp dụng CBAM, trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng tới 4 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU là thép, nhôm, xi măng, phân bón, do ít số lượng mặt hàng và giá trị kim ngạch xuất khẩu thấp nên tác động được nhận định chưa lớn, ước sẽ giảm khoảng 100 triệu USD. Nhưng sau năm 2026, phạm vi của CBAM có thể được mở rộng, bao gồm tính cả thuế phát thải carbon gián tiếp và nhiều sản phẩm sản xuất thải nhiều khí carbon ra môi trường như hóa chất hữu cơ, polyme (nhựa)... thì sẽ tác động mạnh đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Theo TS. Nguyễn Phương Nam, áp lực với doanh nghiệp xuất khẩu ở giai đoạn sớm của CBAM chủ yếu liên quan đến thực hiện thêm các thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, trong dài hạn, đáp ứng CBAM sẽ giúp các doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh và tạo thêm giá trị thặng dư. Doanh nghiệp trong sản xuất có hoạt động làm giảm phát thải khí nhà kính, giảm cường độ carbon sẽ giúp sản phẩm có tính cạnh tranh và giá trị thương hiệu cao hơn. “Xuất khẩu một sản phẩm thông thường có giá trị 5 USD nhưng nếu sản phẩm đó xanh, giá trị có thể tăng tới 10 USD hoặc 50 USD”, chuyên gia của UNFCCC ví dụ.
Để đáp ứng CBAM, các doanh nghiệp, ngành hàng được khuyến nghị cần chuẩn bị sớm và tích cực. Theo đó, cần đánh giá hiện trạng phát thải của doanh nghiệp, từ đó có cơ sở để giảm lượng phát thải trong quá trình sản xuất. Thu thập số liệu hàng năm giúp việc kiểm kê khí nhà kính tốt hơn. “Tất cả doanh nghiệp đều có thể thực hiện các hoạt động trên, thậm chí doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi dễ dàng và linh hoạt hơn, tốn ít chi phí hơn”, TS. Nguyễn Phương Nam cho hay.
Trước lo lắng về quy định từ ngày 1/1 - 31/12/2024 doanh nghiệp xuất khẩu sang EU phải báo cáo về phát thải khí nhà kính, chuyên gia đến từ UNFCCC lại cho rằng: Quan trọng nhất với doanh nghiệp không phải là có báo cáo hay không mà là nhận thức và năng lực của doanh nghiệp về kiểm kê khí nhà kính ra sao. Việc báo cáo khí nhà kính sẽ giúp doanh nghiệp nhận thức rõ hiện trạng và lượng carbon cần giảm để tránh bị đánh thuế.
“Điều đầu tiên, doanh nghiệp cần phải tư vấn để xác định hàng hoá có cần điều chỉnh và có thuộc đối tượng của CBAM không. Cố gắng làm việc chính xác nhất có thể nếu không sẽ gây hệ luỵ sau này về thuế và uy tín, tính trung thực, minh bạch về số liệu”, TS. Nguyễn Phương Nam khuyến cáo.
Ông đồng thời cho hay, để thích nghi với CBAM doanh nghiệp xuất khẩu trong nước còn cần đa dạng hoá đối tác thương mại; thực hiện đánh giá rủi ro và lập kế hoạch các kịch bản và xây dựng chiến lược giảm carbon; đánh giá thâm dụng carbon; tham gia vào các dự án bù đắp carbon; đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ; tham gia vào các sáng kiến hợp tác công nghiệp.