Thực thi và tuân thủ chuẩn mực kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam
Bài viết nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc thực thi và tuân thủ Chuẩn mực kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam. Tác giả sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá để kiểm định mối liên hệ giữa việc thực thi, tuân thủ Chuẩn mực kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi ích áp dụng cho các doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc thực thi và tuân thủ Chuẩn mực kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp có quan hệ tỷ lệ thuận với lợi ích mà chuẩn mực kế toán mang lại cho các doanh nghiệp.
Chuẩn mực kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp (VAS 17) được ban hành theo Quyết định số 12/2005/QĐ-BTC ngày 15/02/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính được hướng dẫn theo Thông tư số 20/2006/TT-BTC về cơ bản đã làm thay đổi bản chất của thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Lần đầu tiên Việt Nam có một chuẩn mực kế toán quy định và hướng dẫn một cách đầy đủ, cụ thể và chi tiết phù hợp với thông lệ kế toán quốc tế về các nguyên tắc và phương pháp kế toán thuế TNDN. Việc thực thi và tuân thủ đúng theo tinh thần của VAS 17 cung cấp thông tin trên báo cáo tài chính minh bạch và đầy đủ, hữu ích cho việc ra quyết định kinh tế của các đối tượng cần sử dụng.
Tuy nhiên, việc ban hành các chuẩn mực kế toán và thực thi cũng như tuân thủ thường gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhất định (Dona L. Street & cộng sự (2002). Bên cạnh đó, việc tồn tại song song giữa chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán hiện nay sẽ phát sinh những xung khắc, vì mục đích, bản chất của chuẩn mực và chế độ kế toán có nhiều sự khác biệt (Nguyễn Công Phương, 2013). Vận dụng chuẩn mực kế toán nói chung và VAS 17 nói riêng vào thực tế sẽ gặp những khó khăn nhất định do bối cảnh kinh tế - xã hội khác nhau (Thanh Đoàn, 2009).
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, tác giả xây dựng và kiểm định các thang đo ảnh hưởng đến việc thực thi và tuân thủ VAS 17; làm rõ câu hỏi nghiên cứu những nhân tố ảnh hưởng tới việc thực thi và tuân thủ VAS 17 để từ đó có cơ sở đưa ra một số gợi ý giải pháp nhằm hoàn thiện VAS 17 về mặt lý luận và ứng dụng vào thực tiễn hiện nay.
Khuôn khổ lý thuyết và mô hình nghiên cứu
Chuẩn mực kế toán bao gồm các khái niệm, nguyên tắc được chấp nhận rộng rãi, không có hệ thống tài khoản kế toán, chứng từ và báo cáo tài chính chuẩn tắc. Hay nói cách khác, chuẩn mực kế toán thường bao gồm đo lường và trình bày thông tin báo cáo tài chính.
Theo đó, đo lường là việc xác định các nguyên tắc xác định giá trị của kế toán; trình bày thông tin báo cáo tài chính là công bố thông tin ra bên ngoài cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng thông tin kế toán. Mỗi một chủ đề cụ thể sẽ được gắn liền với một chuẩn mực kế toán. Khi vận dụng chuẩn mực kế toán đòi hỏi người làm kế toán phải có những khả năng phán đoán, ước tính, phân tích và đánh giá các sự việc có thể xảy ra để lựa chọn chính sách kế toán phù hợp.
Dựa trên các kết quả nghiên cứu của Chow & Wong - Boren (1987), Dona L.Street, Sidney J.Gays (2002), Trần Đình Khôi Nguyên (2011) và Nguyễn Công Phương (2013), đồng thời dựa trên kết quả nghiên cứu định tính thông qua việc phỏng vấn các chuyên gia, giảng viên giảng dạy các trường đại học, kế toán trưởng, kế toán viên có nhiều năm kinh nghiệm và chuyên gia lĩnh vực thuế, tác giả có thể khái quát 5 nhân tố ảnh hưởng đến thực thi và tuân thủ chuẩn mực kế toán tại các DN ở Việt Nam như sau:
- Tài liệu hướng dẫn thực hành: Trần Đình Khôi Nguyên (2011) và (2013) đã có nghiên cứu tài liệu hướng dẫn thực hành ảnh hưởng đến vận dụng chuẩn mực kế toán tại Đà Nẵng.
- Trình độ học vấn của kế toán viên (Trình độ giáo dục): Với Street (2002). Joshi, P.L và Cộng sự (2002), Fatma Zehria, Jamel Chouaibib (2013), Luder (1992), Phetphrairin & Judy (2011), Harun & Haryono (2012), Ouda (2008) thì sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia quốc tế, chuyên viên kế toán và chính sách tuyển dụng và đào tạo nhân viên kế toán có tác động rất lớn đến vận dụng và cải cách chính sách kế toán.
- Hệ thống thuế TNDN: Phạm Thị Bích Vân (2012), Bùi Thị Mỹ Ngân (2012), Trần Đình Khôi Nguyên (2012), đã có các nghiên cứu về ảnh hưởng của chi phí thuế TNDN đến sự lựa chọn chính sách kế toán của DN.
- Vai trò của các công ty kiểm toán hoặc các chuyên gia trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán: Al-Baskeki (1995), Keasey và Short (1990) cho rằng, DN kiểm toán có ảnh hưởng đáng kế đến quyết định của công ty trong việc lựa chọn chuẩn mực kế toán nếu một DN được kiểm toán bởi một trong các hãng kiểm toán lớn như: Price Waterhouse - Cooper, Earnst & Young, Deloite & Touche và KPMG.
- Sự giám sát chế tài của các cơ quan chức năng: Với nghiên cứu của Trần Đình Khôi Nguyên (2013), có đến 71% cơ quan thuế, 61% các DN cho rằng thiếu sự giám sát chế tài của các cơ quan chức năng dẫn đến kế toán hiểu sai vai trò thông tin kế toán cụ thể là chuẩn mực kế toán hiện nay.
Như vậy, có thể tóm lược 5 nhân tố ảnh hưởng đến việc thực thi và tuân thủ chuẩn mực kế toán tại các DN Việt Nam (Hình 1). Năm nhân tố trên được kết hợp ảnh hưởng đến việc thực thi và tuân thủ chuẩn mực kế toán thuế TNDN và tác động của nó là đem lại lợi ích của việc áp dụng chuẩn mực kế toán thuế TNDN.
Phương trình ước lượng có dạng tổng quát:
HICM = β0 + β1F1 + β2F2 + β3F3 + β4F4+ β5F5
Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, tác giả đã kế thừa kết quả nghiên cứu của Trần Đình Khôi Nguyên (2011) và Dona L. Street, Sidney J.Gays (2002), đồng thời tác giả đã sử dụng cách tiếp cận dựa vào lý thuyết của các nghiên cứu trước đây và các nghiên cứu định tính thông qua phỏng vấn chuyên gia để đề xuất mô hình nghiên cứu. Bên cạnh đó, tác giả kết hợp với phương pháp quy nạp để kiểm chứng, điều chỉnh, bổ sung để đưa ra mô hình nghiên cứu.
Phân tích dữ liệu nghiên cứu
- Kiểm định thang đo: Để đưa vào kiểm định dữ liệu nghiên cứu, sau khi khảo sát, tác giả phải tổng hợp dữ liệu từ kết quả khảo sát. Để tổng hợp được dữ liệu, cần đặt ký hiệu cho các biến, đưa vào kiểm định.
Phân tích nhân tố khám phá
- Kiểm định KMO và Bartlerrs
Nhìn vào kết quả Bảng 2, ta có hệ số KMO đạt 0.882, mà theo điều kiện 0.5 <KMO<1, mô hình phân tích mới được coi là phù hợp với nhân tố đề ra. Như vậy, mô hình phân tích trên được coi là phù hợp. Tác giả tiếp tục kiểm định tương quan biến.
- Kiểm định tương quan biến
Kết quả trong Bảng 2: Kiểm định Bartlett’s Test of Sphericity có Sig = 0.000 <0.05. Với kết quả đó, chứng tỏ giả thiết H0 là các biến không có tương quan với nhau đã bị bác bỏ và các biến có tương quan tuyến tính với nhân tố đại diện.
Việc kiểm định KMO và Bartlett’s Test of Sphericity trên ta thấy việc phân tích nhân tố các nhân tố ảnh hưởng đến việc thực thi và tuân thủ chuẩn mực kế toán thuế TNDN là phù hợp.
- Kiểm định mức độ giải thích của các biến quan sát đối với nhân tố.
Phân tích hồi quy đa biến
- Kiểm định hệ số hồi quy
Số liệu trong Bảng 4 có kết quả Sig < 0.05, Như vậy, các thang đo C1- trình độ chuyên môn, C2- Công tác thanh tra kiểm tra, C3 – Tư vấn bên trong- bên ngoài, C4- Hệ thống chính sách thuế, C5-Tài liệu thực hành có mối tương quan và có ý nghĩa độ tin cậy 99%.
Sau khi kiểm định mức độ tương quan giữa các biến và ý nghĩa độ tin cậy. Cần kiểm tra mức độ phù hợp của mô hình và phân tích phương sai (Anova).
Kết quả trong Bảng 5: Có R2 = 0.707, điều này có nghĩa 71% lợi ích của VAS 17 được giải thích bởi các biến độc lập như trình độ chuyên môn, công tác thanh tra, tư vấn bên trong bên ngoài, hệ thống chính sách thuế, tài liệu thực hành còn lại 29% là do các nhân tố khác tác động đến việc thực thi và tuân thủ VAS 17 mà tác giả chưa đề cập được trong nghiên cứu của mình.
Thảo luận kết quả nghiên cứu
Kết luận 1:
Phân tích mối tương quan các nhân tố và phân tích mô hình hồi quy tuyến tính về các nhân tố ảnh hưởng đến việc thực thi và tuân thủ VAS 17 nhằm đem lại lợi ích cho DN, một số kết luận được rút ra như sau: Có 5 nhân tố tác động đến việc thực thi và tuân thủ VAS 17 đối với DN: (i) Tài liệu thực hành; (ii) Trình độ chuyên môn; (iii) Tư vấn trực tiếp bên trong, bên ngoài; (iv) Hệ thống chính sách thuế; (5) Công tác thanh tra, kiểm tra. Như vậy, để nâng cao tính hữu ích của VAS 17 cần tập trung tạo điều kiện để 5 nhân tố này phát huy hết tác dụng và đem lại sự hài lòng cho DN khi vận dụng VAS 17.
Kết luận 2:
Số liệu trong (Bảng 6) hệ số B đã chuẩn hóa của các biến độc lập trong mô hình hồi quy các biến trình độ chuyên môn, công tác thanh tra, kiểm tra, tư vấn trực tiếp bên trong, bên ngoài, hệ thống chính sách thuế, tài liệu thực hành
Tài liệu thực hành đứng thứ nhất với 24,9%; trình độ chuyên môn 23,3% đứng thứ hai; tư vấn bên trong, bên ngoài đứng thứ 3 với 23%; công tác thanh tra, kiểm tra đứng thứ 4 với 14,4%; hệ thống chính sách thuế đứng thứ 5 với 14%. Thứ tự các yếu tố ảnh hưởng đến thực thi và tuân thủ VAS 17 là tài liệu thực hành, trình độ chuyên môn, tư vấn bên trong bên ngoài, công tác thanh tra kiểm tra, hệ thống chính sách thuế.
Một số đề xuất từ kết quả nghiên cứu
Về phía cơ quan ban hành chế độ
Cơ quan quản lý cần cập nhật kiến thức định kỳ cho người làm công tác kế toán; Nên tổ chức nhiều hơn các buổi hội thảo chuyên sâu về thuế TNDN và cập nhật kịp thời IAS 12 cho người làm kế toán để hòa nhập với xu hướng chung của thế giới.
Cần quy định yêu cầu kế toán phải có chứng chỉ hành nghề kế toán. Hành nghề kế toán và dịch vụ kế toán hiện nay tại Việt Nam cũng không còn mới mẻ, xong việc tổ chức vẫn còn nhiều bất cập. Đồng thời, đưa ra những quy định cụ thể bắt buộc về việc kiểm toán đối với các công ty có quy mô lớn hoặc cả với những công ty có quy mô vừa và nhỏ để nâng cao chất lượng thông tin báo cáo tài chính.
Về phía doanh nghiệp
Thực hiện đúng chế độ chứng từ kế toán trong VAS 17 và Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 về chế độ kế toán DN. DN phải ghi chép đầy đủ, trung thực kịp thời các hoạt động liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và lưu trữ sổ sách kế toán theo đúng chế độ kế toán của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần phải thực hiện việc lập báo cáo tài chính đúng quy định của Bộ Tài chính, các chỉ tiêu trong báo cáo tài chính liên quan đến thuế TNDN phải được trình bày đầy đủ, kịp thời, trung thực và hợp lý, tránh trường hợp các thông tin liên quan đến thuế TNDN bị bỏ sót gây thiệt hại cho DN.
Bên cạnh đó, cần tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn miễn phí cho nhân viên kế toán góp phần nâng cao kiến thức mới về kế toán đặc biệt trong lĩnh vực chuẩn mực thuế TNDN.
Về phía người làm công tác kế toán
Nghề kế toán cần có tính chuyên nghiệp hơn, khả năng vận dụng chế độ kế toán ở các DN sẽ tốt hơn, và kỳ vọng chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính sẽ cao hơn. Vì vậy, cần chú trọng vào việc đào tạo chuyên môn, tư cách đạo đức, phẩm chất của người làm công tác kế toán.
Trình độ chuyên môn của người làm công tác kế toán cần phải được nâng cao từ khi còn học trong trường. Người làm kế toán phải có trách nhiệm tự nâng cao trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức cho bản thân và không ngừng trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin liên quan hệ thống văn bản kế toán nói chung và chuẩn mực kế toán nói riêng.
Về nâng cao vai trò tổ chức nghề nghiệp kế toán
và kiểm toán
Vai trò của tổ chức nghề nghiệp như công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán, hội kế toán kiểm toán. Đây chính là kênh thuận lợi tốt nhất giúp các DN nhận thức được tầm quan trọng của chuẩn mực kế toán và những hạn chế khi vận dụng VAS 17 vào thực tiễn. Các tổ chức nghề nghiệp này sẽ giúp DN nâng cao nghiệp vụ chuyên môn hơn trong công tác kế toán thuế TNDN. Đặc biệt, các tổ chức này cũng giúp cho việc đổi mới và cải cách kế toán Việt Nam ngày càng tiến xa hơn trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Về hiệu quả, hiệu lực của công tác thanh tra, kiểm tra thuế
Công tác thanh tra, kiểm tra thuế của cơ quan thuế phải được thực hiện công bằng, công khai và minh bạch. Mục đích của việc thanh tra, kiểm tra thuế là giúp cho DN nhận thức được tầm quan trọng của hành vi không tuân thủ quy định pháp luật thuế như hành vi trốn thuế, cố tình gian lận thuế, mặt khác giúp DN thể hiện được vai trò của mình đối với xã hội thông qua việc đóng thuế TNDN.
Tài liệu tham khảo:
1. Bùi Thị Mỹ Ngân (2012), “Ảnh hưởng của chính sách thuế TNDN đến việc áp dụng chế độ, chuẩn mực kế toán tại Việt Nam trong các công ty niêm yết tại Việt Nam”, Luận văn Thạc sỹ kinh tế, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
2. Phạm Thị Bích Vân (2012), “Nghiên cứu ảnh hưởng thuế TNDN đến sự lựa chọn chính sách kế toán của các DN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, Luận văn Thạc sỹ quản trị kinh doanh, Đại học Đà Nẵng;
3. Trần Đình Khôi Nguyên (2011), “Các nhân tố ảnh hưởng vận dụng chuẩn mực kế toán trong các DN nhỏ và vừa tại Đà Nẵng”, Phát triển kinh tế (1859-1116), Số: 252;
4. Trần Đình Khôi Nguyên (2012), “Chính sách kế toán trong DN”, Phát triển kinh tế (1859-1116), Số: 260;
5. Trần Đình Khôi Nguyên (2013), “Bàn về các thang đo phi tài chính về các nhân tố ảnh hưởng đến vận dụng chuẩn mực kế toán (Non-financial measures for the determinants of VAS employment: a new perspective)”, Tạp chí phát triển kinh tế 2013;
6. Nguyễn Công Phương, (2013), “Về mô hình chuẩn mực - chế độ kế toán của Việt Nam”, Tạp chi Kinh tế va Phát triển, 194 (1).