Thực trạng chuyển đổi số trong các quỹ tín dụng nhân dân

Đặng Đình Tân - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

Những tiến bộ nhanh chóng của công nghệ số đã tạo điều kiện thúc đẩy xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Mặc dù, thuộc lĩnh vực ngân hàng, nhưng các quỹ tín dụng nhân dân với đặc thù hạn chế về nguồn lực tài chính, công nghệ và con người nên cần xác định mô hình và mục tiêu chuyển đổi số phù hợp. Để đảm bảo thành công, lộ trình chuyển đổi số của các Quỹ tín dụng nhân dân cần có định hướng và hỗ trợ của cơ quan chức năng, sự đồng hành của Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân với vai trò cầu nối, liên kết hệ thống và thúc đẩy nâng cao năng lực nội tại về chuyển đổi số cho các Quỹ này.

Mô hình Quỹ Tín dụng nhân dân đã và đang tiếp tục được định hướng, củng cố nhằm phát triển một cách bền vững hơn.
Mô hình Quỹ Tín dụng nhân dân đã và đang tiếp tục được định hướng, củng cố nhằm phát triển một cách bền vững hơn.

Định hướng chuyển đổi số trong các ngân hàng tại Việt Nam

Chuyển đổi số lĩnh vực ngân hàng là việc tích hợp số hóa và công nghệ số vào mọi lĩnh vực ngân hàng, qua đó, cho phép tạo mới hoặc sửa đổi các quy trình kinh doanh, văn hóa và trải nghiệm khách hàng hiện có nhằm đáp ứng các yêu cầu thay đổi của thị trường và mong muốn của khách hàng. Chuyển đổi số giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí và hợp lý hóa các quy trình hoạt động, giúp mang lại trải nghiệm khách hàng dễ dàng và hấp dẫn hơn.

Ngân hàng số có thể thực hiện hầu hết các giao dịch ngân hàng bằng hình thức trực tuyến thông qua internet. Khi sử dụng các giao dịch của ngân hàng số, khách hàng không phải đến các chi nhánh ngân hàng, được giảm thiểu đến mức tối đa những thủ tục giấy tờ liên quan. Đồng thời, tính năng của ngân hàng số có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi mà không phụ thuộc vào thời gian, không gian nên khách hàng hoàn toàn chủ động.

Chuyển đổi số lĩnh vực ngân hàng đã được đề cập tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020. Chương trình nêu rõ: “... cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng phát triển đa dạng các kênh phân phối, đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình, thúc đẩy hợp tác với các công ty công nghệ tài chính và trung gian thanh toán trong việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng để thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia, đưa dịch vụ tài chính - ngân hàng đến gần hơn những đối tượng vùng sâu, vùng xa chưa có khả năng tiếp cận hoặc chưa được ngân hàng phục vụ dựa vào sự đổi mới sáng tạo của công nghệ như thanh toán di động, cho vay ngang hàng. Hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn vay nhờ các giải pháp chấm điểm tín dụng với kho dữ liệu khách hàng và mô hình chấm điểm đáng tin cậy.”

Thực hiện Quyết định này, ngành Ngân hàng đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số với các mục tiêu cụ thể. Ngân hàng Nhà nước đặt ra nhiệm vụ xây dựng và phát triển “các mô hình ngân hàng số tại tổ chức tín dụng”, cụ thể như sau:

(1) Xây dựng và triển khai Kế hoạch/Chiến lược chuyển đổi số, trong đó chú trọng phát triển dịch vụ ngân hàng số dựa trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin, ngân hàng lõi hiện đại tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước, quốc tế, có khả năng kết nối liên thông, đáp ứng yêu cầu quản trị điều hành, phù hợp với nhu cầu, năng lực và tiềm lực của tổ chức tín dụng;

(2) Nghiên cứu, xây dựng, triển khai các mô hình chi nhánh cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch tự động, tự phục vụ (self-service) trên cơ sở ứng dụng công nghệ số;

(3) Thúc đẩy nghiên cứu và triển khai các ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (A.I) và các công nghệ số trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng: Phân tích, dự đoán nhu cầu, tối ưu hóa hành trình, trải nghiệm khách hàng; phát hiện gian lận, lưu trữ thông tin, phân tích dữ liệu; tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ nội bộ, tiết giảm chi phí và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tức thời cho khách hàng thông qua trợ lý ảo, robot;

(4) Nghiên cứu áp dụng giải pháp chấm điểm tín dụng với kho dữ liệu khách hàng, dữ liệu mở, dữ liệu bên thứ ba và mô hình chấm điểm đáng tin cậy để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay bằng phương thức điện tử;

(5) Đẩy mạnh nghiên cứu tích hợp, kết nối mở rộng với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ hướng đến các mô hình kinh doanh mới như Ngân hàng mở để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện, an toàn, tiện lợi với chi phí thấp;

(6) Xây dựng và triển khai Khung quản lý rủi ro tổng thể bao gồm các rủi ro hoạt động, nghiệp vụ, công nghệ thông tin và pháp lý;

(7) Triển khai các mô hình hoạt động, phương pháp phát triển sản phẩm theo hướng tinh gọn, linh hoạt;

(8) Nghiên cứu, áp dụng các chính sách phí phù hợp cho các giao dịch nhỏ lẻ thực hiện trên môi trường số để khuyến khích khách hàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ ngân hàng trên các kênh phân phối số.

Chuyển đổi số tại các Quỹ Tín dụng nhân dân

Thực tiễn cho thấy, chuyển đổi số không phải đơn giản là việc thay thế quy trình nghiệp vụ thủ công bằng quy trình nghiệp vụ được hỗ trợ bởi các hệ thống thông tin máy tính, mà đó là một quá trình toàn diện, hướng đến thay đổi căn bản các mối quan hệ. Những thay đổi này phải dựa trên những điều kiện về quy trình, công nghệ, dữ liệu và con người thích hợp trong các đơn vị.

Vấn đề đặt ra là các Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) cần thực hiện chuyển đổi số như thế nào? Những số liệu nghiên cứu cho thấy, các Quỹ TDND hiện có quy mô rất nhỏ so với các ngân hàng. Các Quỹ TDND có tổng tài sản dưới 100 tỷ đồng chiếm 43,8%; từ 100 tỷ đồng đến dưới 200 tỷ đồng chiếm 40,3%; từ 200 tỷ đồng đến dưới 500 tỷ đồng chiếm 14,4%; từ 500 tỷ đồng trở lên chiếm 1,5% (Nguyễn Thị Kim Thanh, 2022). Quy mô tài sản nhỏ, nhưng hầu hết lại được phân bổ cho tài sản quan trọng nhất của các Quỹ TDND là các khoản cho vay khách hàng, nên có thể thấy các Quỹ TDND hiện nay đang có hạn chế đáng kể trong việc phân bổ nguồn lực cho các tài sản liên quan đến công nghệ.

Mô hình công nghệ của các Quỹ TDND hiện nay có thể tóm lược như sau (Nguyễn Thị Kim Thanh, 2022):

- Phần cứng: Máy tính cá nhân hoặc máy tính cá nhân kết nối mạng cục bộ, trong đó máy chủ cũng là máy tính cá nhân.

- Hệ điều hành máy trạm và máy chủ: Sử dụng các phiên bản Windows cá nhân.

- Hệ quản trị cơ sở dữ liệu: Chủ yếu sử dụng phiên bản rút gọn của Hệ quản trị cơ sở dữ liệu Microsoft SQL Server hoặc phần mềm Microsoft Access. Nhiều dữ liệu hoạt động được lưu trữ trên phần mềm Microsoft Excel. Dữ liệu hoạt động chủ yếu là dữ liệu tài chính, có rất ít dữ liệu phi tài chính.

- Phần mềm ứng dụng: Phần mềm trên nền tảng xử lý giao dịch theo lô chủ yếu hỗ trợ chức năng ghi sổ và lập báo cáo các giao dịch liên quan các hoạt động nghiệp vụ tại Quỹ TDND như quản lý thành viên, lập chứng từ giao dịch nhận và hoàn góp vốn của thành viên, nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm, giải ngân và thu nợ, thu, chi tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tổng hợp và lập sổ sách, báo cáo định kỳ, tổng hợp và kết xuất dữ liệu báo cáo thống kê định kỳ…

- Mạng máy tính: Chủ yếu sử dụng mạng cục bộ, chỉ sử dụng máy tính kết nối internet cho mục đích gửi/nhận dữ liệu báo cáo thống kê với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc các đơn vị liên quan khác như: Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam…

- Người quản trị hệ thống: Phụ thuộc chủ yếu vào các công ty cung cấp phần mềm, chỉ có khoảng 52% số Qũy TDND có cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, nhưng rất ít cán bộ có trình độ đại học.

- Người sử dụng cuối: các nhân viên thuộc ban điều hành của Quỹ TDND (thủ quỹ, giao dịch viên, cán bộ tín dụng, nhân viên kế toán tổng hợp, kế toán trưởng, giám đốc…)

Xét riêng các yếu tố về công nghệ và dữ liệu của các Quỹ TDND như hiện trạng nêu trên cho thấy, trong ngắn hạn và trung hạn, các Quỹ TDND chưa đạt được các điều kiện cần thiết để thực hiện chuyển đổi số theo mô hình của các doanh nghiệp hoặc ngân hàng theo hướng tái cấu trúc các quy trình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ tự động hóa và khoa học dữ liệu nhằm hướng đến mở rộng kênh phục vụ khách hàng trong không gian số.

Tuy nhiên, do các Quỹ TDND có mục đích, phạm vi và đối tượng khách hàng (thành viên) tương đối khác biệt với các ngân hàng nên mục tiêu chuyển đổi số của các Quỹ TDND không nhất thiết theo mô hình của các ngân hàng, mà các Quỹ TDND cần xác định mục tiêu chuyển đổi số nhằm nâng cấp và chuyển đổi cách thức hoạt động nội bộ của Quỹ TDND. Cụ thể là cách thức các bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp có thể cộng tác với nhau cũng như cách thức con người và hệ thống công nghệ có thể kết hợp với nhau. (Erl và Stoffers, 2022).

Chuyển đổi số của doanh nghiệp đòi hỏi cần phải có sự đầu tư phù hợp liên quan đến các yếu tố: Quy trình, công nghệ, dữ liệu và con người. Song với điều kiện hạn chế về nguồn lực của các Quỹ TDND hiện nay, lộ trình chuyển đổi số của các quỹ TDND khả thi nhất khi bắt đầu từ yếu tố “dữ liệu” và yếu tố “con người” với những nhiệm vụ như sau:

Thứ nhất, xây dựng và duy trì kho dữ liệu hoạt động của Quỹ TDND. Kho dữ liệu này bao gồm dữ liệu cốt lõi từ cơ sở dữ liệu giao dịch của Quỹ TDND, được kết xuất định kỳ và chuẩn hóa theo những cấu trúc phù hợp với mục tiêu phân tích phục vụ cho việc ra quyết định trong lĩnh vực tương ứng. Kho dữ liệu tài chính cốt lõi này cần được duy trì và khai thác trong suốt vòng đời tồn tại và hoạt động của Quỹ TDND.

Thứ hai, xây dựng và duy trì kho dữ liệu phi tài chính liên quan đến các thành viên/khách hàng và các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ khác nhau cũng như các dữ liệu về địa bàn hoạt động của Quỹ TDND. Kho dữ liệu này cần được cập nhật và tích hợp với kho dữ liệu tài chính nêu trên để từ đó có thể giúp Quỹ TDND phân tích, nhận biết được hành vi thành viên/khách hàng cũng như các dấu hiệu bất thường trong giao dịch của Quỹ TDND.

Thứ ba, xây dựng và duy trì kho dữ liệu báo cáo thống kê theo yêu cầu của các cơ quan chức năng bao gồm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và tất cả các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu báo cáo khác. Kho dữ liệu này cũng được tích hợp với kho dữ liệu tài chính và phi tài chính nhằm phân tích để có hiểu biết về lịch sử chấp hành các quy định của Quỹ TDND.

Thứ tư, xây dựng năng lực phân tích dữ liệu cho đội ngũ cán bộ, nhân viên Quỹ TDND, trong đó chú trọng năng lực phân tích dữ liệu của các vị trí làm việc như kiểm soát viên chuyên trách, kiểm toán viên nội bộ, kế toán trưởng và trưởng phòng tín dụng. Năng lực phân tích dữ liệu của các cán bộ nòng cốt này sẽ hữu ích cho Quỹ TDND trong việc phát hiện các giao dịch bất thường, gian lận, khả năng vi phạm các quy định và đặc biệt là giúp cung cấp các cảnh bảo sớm về rủi ro trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau của Quỹ TDND, đặc biệt là rủi ro tín dụng và rủi ro hoạt động.

Kết luận và khuyến nghị

Sau hơn ba thập niên phát triển, mạng lưới các Quỹ TDND đã và đang khẳng định vai trò quan trọng vào xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế tại các địa phương nói riêng và sự phát triển của nền kinh tế đất nước nói chung. Vì vậy, mô hình Quỹ TDND đã và đang tiếp tục được định hướng, củng cố nhằm phát triển một cách bền vững hơn nữa. Tuy nhiên, trong xu hướng chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, các Quỹ TDND với những hạn chế về nguồn lực tài chính, công nghệ và con người, cần nhận được sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước, sự đồng hành của Hiệp hội Quỹ TDND. Cụ thể là hỗ trợ về đào tạo xây dựng năng lực chuyển đổi số nói chung và phân tích dữ liệu nói riêng cho đội ngũ cán bộ điều hành của các Quỹ TDND...

Tài liệu tham khảo:

  1. Châu An (2019), Chuyển đổi số là gì. https://vnexpress.net/chuyen-doi-so-la-gi-3921707.html;
  2. Nguyễn Thị Kim Thanh (2022), Chuyển đổi số đối với các tổ chức tín dụng là hợp tác xã - Thực trạng và vấn đề đặt ra;
  3. Nhất Thanh(2019), Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân: Điểm tựa hỗ trợ và gắn kết sự bền vững hệ thống, https://thoibaonganhang.vn/hiep-hoi-quy-tin-dung-nhan-dan-diem-tua-ho-tro-va-gan-ket-su-ben-vung-he-thong-88087.html;
  4. Erl, T., & Stoffers, R (2022), A Field Guide to Digital Transformation. Pearson;
  5. Lankshear, C., & Knobel, M (2008), Digital Literacies: Concepts, Policies and Practices.